Những đóa hoa Chăm bình dị của đời thường

Thứ Năm, 15/10/2015, 14:30
Cha mẹ lần lượt đổ bệnh, nhà bị giải tỏa, nợ nần chồng chất nhưng cả 5 chị em trong gia đình động viên nhau vượt qua tất cả. Họ không chỉ học hành thành tài, trở thành những tấm gương điển hình trong cộng đồng dân tộc Chăm chung tay góp sức cùng cộng đồng sẻ chia cùng những mảnh đời kém may mắn khác.

Những ngày này, hẹn gặp đông đủ 5 chị em nhà Sapinah thật khó. Sapinah bảo rằng trừ ba mẹ đau yếu phải dưỡng bệnh và ở nhà chăm lo việc gia đình, hàng ngày, 5 chị em đều bận tối ngày với lịch học, lịch làm việc bên ngoài. Riêng Sapinah, ngoài thời gian làm việc tại phòng y tế quận 8, cô còn phải tranh thủ học thêm. Hẹn gặp cô, chúng tôi chỉ còn cách hẹn đúng thời điểm giữa trưa. Câu chuyện với Sapinah cũng không được liên tục theo một mạch chảy nhất định bởi những quãng ngắt, sự ngập ngừng, do dự, ngại “phạm” vào quan niệm “không chia sẻ chuyện riêng” với người ngoài của cộng đồng dân tộc Chăm.

Thực tế, với nhiều người thường xuyên làm công tác xã hội từ thiện của Báo Công an nhân dân, cộng đồng Chăm tại phường 1, quận 8, TP Hồ Chí Minh, trong đó có gia đình Sapinah là không hoàn toàn xa lạ, nếu không muốn nói là đã khá thân thuộc. Gặp lại chị em cô bây giờ, phần lớn mọi người mừng cho họ. Nhưng có lẽ ít ai trong đoàn công tác xã hội có điều kiện hiểu nhiều về những gì Sapinah và các chị em trong gia đình đã trải qua. Nói như Sapinah là chỉ một phần thôi cũng đủ “kịch tính” như các phim cô được xem qua màn ảnh nhỏ.

Trong ký ức của Sapinah, những năm đầu tuổi thơ, cô và các chị em có cuộc sống tương đối ổn định. Gia đình không giàu có song công việc làm ăn buôn bán nhỏ của người cha cũng đủ cho các thành viên một cuộc sống ấm no. Cơn bĩ cực đến với gia đình khi cha, mẹ Sapinah lần lượt đổ bệnh. Hơn thế, chỉ trong 1 năm, ông bà của cô cũng lần lượt theo nhau về dưới suối vàng. Bệnh tật cộng thêm đau buồn khiến cha bệnh càng thêm nặng. Ban đầu chỉ là những cơn mệt kéo dài. Đến lúc không chịu nổi, cha vào viện kiểm tra, phát hiện bị bệnh tim. Người mẹ, sau này cũng vào viện khám và được chẩn đoán tương tự. Cuộc sống gia đình cứ thế sa sút dần. Quầy hàng nhỏ không được chăm lo thường xuyên, khách vãn, mối làm ăn mất dần. Nợ chồng nợ.

Sapinah trong một buổi công tác xã hội từ thiện tại địa phương.

Kể lại ngày ấy, Sapinah chỉ nghèn nghẹn: " Nhà mất, công việc mất, cả gia đình phải dắt díu đi ở thuê. Nghe nhiều người trong cộng đồng khuyên con gái học làm gì cho nhiều và nhìn cảnh các anh chị trong cộng đồng thường chỉ học cao lắm đến lớp 5, lớp 7 rồi ở nhà phụ gia đình. Em sợ cho tương lai của mình và cho cả mấy chị em. Bởi lẽ, tất cả đều rất ham học và học giỏi".

Rất may, cha mẹ Sapinah là người thức thời. Cả hai người đều cấm con bỏ học với bất cứ lý do nào. May mắn hơn nữa và cũng là nhờ sự ham học của mấy chị em, Sapinah được hàng xóm nhờ dạy kèm cho con em của họ. Ban đầu, chỉ là cô kèm cặp giúp 1,2 trẻ. Sau này, thấy Sapinah dạy ổn, số học sinh nhiều hơn. Chị gái của cô được bạn bè giới thiệu ra làm cho công ty, lương tháng khoảng trên, dưới 2 triệu đồng. Thời điểm ấy – khoảng năm 2.000, số tiền này tạm coi là tương đối ổn cho một công việc, song với cả đại gia đình nheo nhóc như của Sapinah, tiền mang về thường hết vèo. Sống trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau, cha mẹ đau yếu cô thầm mơ mình học ngành y, có điều kiện trị bệnh cho cha mẹ. Tốt nghiệp cấp 3, theo lời khuyến khích của bạn bè, Sapinah chọn trường Đại học Luật với mục đích: học để biết, để hiểu vì sao gia đình làm ăn sa cơ lỡ vận, vì sao mẹ cha bị người ta ức hiếp đến thế?

Quyết tâm theo học nhưng con đường đến trường của chị em Sapinah khó thành nếu không có sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng. Sapinah chia sẻ rằng, chị em cô khó có thể học đến nơi đến chốn nếu không có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, của chú Bình (đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch danh dự của Quỹ Bảo trợ học sinh nghèo dân tộc thiểu số của Báo Công an nhân dân – PV).

Học phí của mấy chị em là do các nhà hảo tâm ủng hộ. Nhà có 2 xe đạp, cũng là xe mọi người cho. Sapinah được dùng 1 xe vì nhà từ quận 8 đến trường Đại học Luật (quận Thủ Đức) cách nhau hơn chục km, qua vài lần dốc cầu. Xe theo chủ vài năm ròng rã cũng tơi tả dần. Độ cũ của xe được Sapinah thay bằng câu pha trò hài hước: “Em rành sửa xe lắm nha chị! Có xe đạp hỏng, chị đưa em sửa được hết!”. Lý do là xe cô cũ quá, bị sử dụng nhiều quá, đường đi học, đi làm thì xa nên cứ sửa liên tục.

3 trong 5 chị em Sapinah cùng một số ân nhân giúp gia đình cô thoát khỏi cơn bĩ cực .

Ban ngày đi học, tối đi làm thêm, dạy thêm, Sapinah vẫn thấy “dư thời gian quá!”. Giấu cha mẹ, bạn bè, cô âm thầm luyện thi vào Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Sapinah bảo mình học lén vì nghĩ học Đại học Luật còn phải nhờ “học bổng của chú Bình”, học thêm trường nữa thì khó có kinh phí. Ngày có kết quả báo đỗ Đại học Y Dược, Sapinah đem chuyện hỏi ý kiến của ông Kim Sô – giáo cả Thánh đường Hồi giáo Anwar, người lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Chăm phường 1, quận 8. Nghe Sapinah kể, ông chỉ lặng nghe, rồi bảo: “Con nhắm có học nổi không? Nếu học nổi thì ông lo!”. Chuyện học với Sapinah không khó. Cái khó của cô và các em là vấn đề kinh phí. Nhờ giáo cả Kim Sô, đồng chí Trương Hòa Bình vận động, Sapinah có thêm học bổng cho Đại học Y Dược.

Hàng ngày “chạy sô” học cả hai trường đại học, làm thêm kiếm tiền nhưng Sapinah bảo tất cả đều không “làm khó” được cô. Có khó chăng chỉ là do mặc cảm mình nghèo. Vì mặc cảm nên mỗi ngày, Sapinah đều gửi chiếc xe cà tàng của mình rồi vào trường bằng cổng sau. Mặc cảm cái nghèo còn đeo bám chị em cô vào cả các bữa ăn. Ngày ấy, đạp xe hùng hùng đi học, đi làm, có học bổng, nhưng tiền để trang trải cuộc sống gia đình lúc nào cũng thiếu. Bữa ăn của chị em Sapinah rất nhiều khi phải trông chờ vào những “nồi cháo cộng đồng” – bữa ăn hỗ trợ người nghèo trong cộng đồng của Thánh đường Anwar. Việc ăn, học, sinh nhai với Sapinah ngày ấy, như cách nói của Sapinah là đầy những kỷ niệm buồn khiến cô muốn rơi nước mắt. Nhưng cũng chính từ những lần “buồn lắm khi chờ đợi những bữa ăn” đó, Sapinah càng cố gắng học, cố gắng lao động.

Sau những tháng ngày bĩ cực của gia đình, cùng với sự nỗ lực của các thành viên, sự hỗ trợ tích cực từ phía cộng đồng, chính quyền, đoàn thể, Sapinah đã tốt nghiệp cả hai trường đại học. Các em của Sapinah, có lẽ cũng vì bệnh tật của cha mẹ và định hướng của chị nên đều theo học ngành y. Hiện tại, Sapinah cũng đang về công tác tại phòng y tế quận 8, TP Hồ Chí Minh. Em gái kế của Sapinah đang làm tại y tế phường 1, quận 8. Cô em út vừa tốt nghiệp ra trường. Không bằng lòng với kiến thức hiện tại, chị em Sapinah vẫn động viên nhau học cao hơn. Hiện tại, Sapinah và em gái là số rất ít, nếu không muốn nói là hiếm người, đặc biệt là nữ giới trong cộng đồng dân tộc Chăm quận 8 học cao học.

Sapinah cũng chia sẻ, ước mơ của cô thì rất nhiều nhưng trước mắt là cố gắng công tác thật tốt, hoàn thành chương trình cao học. Ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ tết, có thời gian rảnh là cô lại rủ chị em, bạn bè đi làm công tác xã hội từ thiện. Điểm dừng chân của các cô gái là các bệnh viện, mái ấm. Nếu thu nhập “có dư chút đỉnh”, họ chung tay đóng góp cùng cộng đồng để duy trì các “nồi cháo cộng đồng”. Những công việc thiện nguyện ấy, với các cô gái này đều được coi là đương nhiên như là cách họ “trả nghĩa xã hội”.

Ngọc Nguyễn
.
.
.