Cao Bằng mùa… khô khát

Thứ Tư, 09/03/2016, 08:22
Những ngày đầu tháng 3-2016, có mặt tại các xã, huyện vùng cao của Cao Bằng mới thấy những cánh đồng, nương rẫy khô cằn đợi nước, người dân thì quay quắt ngóng chờ những cơn mưa. 


Không có nước đồng nghĩa với vụ mùa bị chậm lại, chậm lâu quá thì không gieo trồng được, cái đói sẽ cận kề.

Từ trung tâm huyện Hạ Lang vào tới xóm Bản Khoong, xã Việt Chu gần 12km nhưng chúng tôi đi mất gần 1 tiếng mới tới nơi. Trước bạt ngàn đá núi, xóm biên giới Bản Khoong hiện ra yên bình dưới thung lũng. 

Trưởng xóm Bản Khoong Vi Văn Soòng cho biết, xóm có 32 hộ với hơn 120 khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi. Trước đây, cả xóm là 100% hộ nghèo, nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ biên phòng xuống bản giúp dân trồng mía, làm nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nên nhiều hộ đã thoát nghèo. Đến nay, tính theo tiêu chí mới thì xóm còn 4 hộ nghèo. Đây là một nỗ lực lớn của quân và dân vùng biên giới trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự vùng biên. 

Trước những con số đáng mừng trên, giọng Trưởng bản Vi Văn Soòng chùng xuống khi nói về sự khắc nghiệt của thời tiết, ông lo sợ cái đói sẽ trở lại nếu trời không có mưa trong thời gian tới. 

Đưa chúng tôi ra khu vực ruộng dưới thung lũng, chỉ tay những thửa ruộng đang khô cạn, trưởng xóm Bản Khoong nói: “Vào dịp này, mọi năm người dân đã nô nức ra đồng, làm nương rẫy, nhưng năm nay, nước không có, đồng khô nứt nẻ, ai trong xóm cũng ngóng trời mưa, bởi nước trên khe giờ cũng cạn. Ở đây, thiếu nước sản xuất đã đành, người dân còn thiếu nước sinh hoạt”.

Người dân Bản Khoong ngóng chờ nước mưa từng ngày.

Bản Khoong nằm dưới thung lũng, vốn được ưu đãi về nguồn nước từ trên khe, ít khi bị khô hạn. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, nhiều cánh đồng, nương rẫy bậc thang của người dân cũng trở nên khô cằn với đá núi. 

Bà Vi Thị Síu cho biết, thời tiết ngày càng bất thường, trước Tết thì sương muối, mưa tuyết, không có mưa dẫn tới không có nước, dưới vùng trũng còn không có nước thì những xóm biên giới ở trên cao còn khó hơn gấp bội phần. Khô hạn, người dân không làm đồng được, không xuống giống được. Mỗi năm mưa thuận gió hoà thì người dân trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ ngô. “Năm nay, giờ vẫn chưa xuống giống được thì không biết vụ mùa này có trồng được gì không”, bà Síu băn khoăn.

Cũng lo lắng như bà Síu, bà Hoàng Thị Rí vừa ngóng trời vừa buồn bã nói: “Không biết bao giờ mới có mưa, có nước để tra, trồng bắp đây. Không trồng được là đói đấy. Người già ở bản không đi kiếm tiền được chỉ phụ thuộc vào nương, rẫy không tra được bắp là không có ngô, không có gạo ăn là đói lắm!”. 

Cạnh đó, ông Vi Văn Thào cho biết, nhà ông có 5 khẩu, ở khu vực này, mỗi hộ có một ít ruộng, nương, người dân sống phụ thuộc vào việc canh tác 2 vụ mùa, chăn nuôi và đi rừng. Giờ vẫn chưa có nước, không biết bao giờ mới có mưa. Nhà nào còn ngô, gạo dự trữ thì đỡ, nhà nào ít ruộng là vất vả lắm.

Cũng như Bản Khoong, bản Rạc, Nà Thúng (xã Cô Ngân); xóm Nà Hoạch (xã Thái Đức) của huyện Hạ Lang, người dân cũng đang trong cảnh ngóng chờ những cơn mưa giải hạn. Xóm Nà Hoạch cũng là một xóm giáp biên giới. Xóm có 34 hộ với 137 khẩu. Ở đây, người dân không khoan được giếng, mà chủ yếu sử dụng nước mỏ, nước mưa để phục vụ sinh hoạt, do vậy không có mưa là không có nước.

Ông Nông Văn Hùng, Trưởng xóm Nà Hoạch cho biết, không có nước, người dân ở đây chỉ làm được 1 vụ mùa, còn lại chủ yếu là làm nương, rẫy. Từ đầu năm 2016 đến giờ, ở đây không có mưa, nên ngô, đậu tương cũng không trồng được. Hạn hán đã hiện hữu ở vùng đất này.

Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNN tỉnh Cao Bằng Phạm Văn Trình cho biết, do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, ngay từ đầu năm, Sở đã có văn bản chỉ đạo các huyện chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Như một số huyện vùng cao chuyển đổi sang các cây trồng cạn như ngô, đậu tương, lạc. Theo kế hoạch, trong vụ Xuân, dự kiến tỉnh Cao Bằng trồng 25.110ha ngô; trong đó huyện Hạ Lang trồng 1.610ha ngô; 45ha đậu tương; 30ha lạc…

Theo dự báo, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều vùng của Cao Bằng dự báo có nguy cơ hạn hán vụ Xuân như Hạ Lang, vùng Lục Khu - Hà Quảng; Bảo Lạc; Bảo Lâm… Để đảm bảo sản xuất kịp thời, hiệu quả, người dân tại các huyện đã chủ động nạo vét, sửa chữa kênh mương; đảm bảo kỹ thuật sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt về khung lịch thời vụ.

Theo ghi nhận tại một số huyện vùng cao như vùng Lục Khu - Hà Quảng, Hạ Lang, Bảo Lạc, Bảo Lâm từ khoảng gần 2 tháng nay chưa có mưa. Nhiều nơi có mưa nhưng mang tính cục bộ, rải rác không đáp ứng được sản xuất, có nước mới gieo trồng được vụ Xuân. 

Theo ông Trình, hạn hán ở Cao Bằng tập trung cao điểm vào các tháng 2-3-4. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 bắt đầu có mưa thì thường có mưa đá… Do vậy, người dân ở đây thường dựa vào thời tiết, có mưa lúc nào là gieo trồng lúc đó.

Thiếu tá Phạm Văn Hoan - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Long (Hạ Lang) cho biết, năm ngoái có thời điểm nước khe cạn kiệt, đồn phải xin xe téc trở nước về đồn và phục vụ sinh hoạt cho dân. Nước ở vùng cao quý lắm, nhất là những vùng như Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm… nơi đây, người dân không chủ động được nguồn nước, lượng mưa ít. Vì thế, những cơn mưa được người dân ví như những cơn mưa vàng, đem lại sự sống.

Quả thật, có mặt tại những xã biên giới Hạ Lang, Cao Bằng những ngày tháng 3, nhìn những cánh đồng, nương rẫy nứt nẻ không khỏi xót xa. Theo quy luật, ít nhất phải 2 tháng nữa mới có mưa, nhưng theo dự báo năm nay tình trạng hạn hán có thể sẽ kéo dài hơn. Vì thế, hàng ngàn người dân nơi đây vẫn đang từng ngày đối mặt với khô hạn.

Lưu Hiệp- Hà Ly
.
.
.