Cảnh giác trước tin đồn thả rắn lục đuôi đỏ vào các khu dân cư

Thứ Sáu, 28/11/2014, 11:51
Trong những ngày qua, người dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng, không khỏi lo lắng vì rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường. Một số kẻ vô công rỗi nghề lợi dụng tung tin đồn nhảm rằng, có nhóm người xấu đã thả rắn lục đuôi đỏ vào các khu dân cư, làng xóm để gây hại; hoặc đó đây người dân đã bắt một số đối tượng thả rắn lục đuôi đỏ… Theo xác minh, điều tra của cơ quan chức năng thì đây là những tin đồn thất thiệt; thực tế không có sự việc trên. Việc rắn lục đuôi đỏ sinh nở nhiều là do một số nguyên nhân khách quan liên quan đến thời tiết, tận diệt chim bìm bịp…
Đi tìm câu trả lời về sự xuất hiện bất thường ở vùng đồng bằng, ven biển của loài rắn lục đuôi đỏ chuyên sống ở rừng núi cao, chúng tôi được nhiều người dân ở phường Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và xã Hòa Tiên, Hòa Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, trước đây, cứ sau mỗi trận lũ, trong vườn nhà cũng xuất hiện một số con rắn lục đuôi đỏ, do nước lũ cuốn trôi từ thượng nguồn về theo những cành cây, củi, gỗ...

Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều hơn, dường như tháng nào họ cũng thấy ở các khu vườn, bãi đất trống nhiều cây cỏ. Những người dân sống ven khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng còn cho biết, năm nào họ cũng thấy vài con rắn lục đuôi đỏ, thậm chí có người bị rắn cắn từ 2-3 lần.

Bác sĩ Đông y Nguyễn Thị Kim Duyên (ở phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) cho hay: “Vùng Hòa Xuân này trước đây là vùng rốn lũ, cây cối và ruộng vườn ngút ngàn, đầy chim muông và rắn. Giờ bị san lấp làm khu đô thị và khu dân cư hết, chỉ mới trồng vài bóng cây thưa thớt. Do vườn nhà tôi rộng và trồng nhiều cây nên có nhiều chim về đậu; trong đó có chim bìm bịp nhưng bị người ta đến săn bắt miết để ngâm rượu. Tôi thấy rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở vườn nhà mình từ đầu năm 2014 và để ý thấy xuất hiện thường xuyên hơn”.

Theo Bác sĩ Duyên và một số cụ già sống ở vùng ven TP Đà Nẵng, có thể là do cuối năm 2013, vì biến đổi khí hậu, xuất hiện quá nhiều trận bão, lũ lớn, đặc biệt là trận lũ lụt lịch sử vào giữa tháng 11/2013 kết hợp với việc các nhà máy thủy điện xả lũ với lưu lượng nước lớn, đã khiến một số lượng lớn rắn ở trên các cây rừng bị cuốn trôi về hạ du; trong đó có rắn lục đuôi đỏ và chúng ẩn nấp trong cỏ, cây, bụi rậm rồi sinh sôi. Trước đây, loài chim bìm bịp thường bay về tìm kiếm thức ăn trong các khu vườn, ruộng. Món ăn ưa thích của loài chim này là rắn lục đuôi đỏ con. Nhưng, gần đây, tình trạng săn bắt chim bìm bịp để ngâm rượu uống cho bổ dương, hoặc buôn bán loại “rượu quý” này gia tăng nên đã tận diệt loài chim này. Đây cũng là nguyên nhân góp phần cùng với thời tiết khô nóng  làm loài rắn lục đuôi đỏ sinh sôi nhanh chóng.
Một bác sĩ bắt rắn lục đuôi đỏ để làm thuốc chữa bệnh.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiều cử tri kiến nghị thành phố kiểm tra thông tin về việc có người thả rắn lục đuôi đỏ, đồng thời, khẩn trương có biện pháp ứng phó tình trạng này. Theo Thượng tá Đặng Văn Khuôn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an TP Đà Nẵng, đến thời điểm này, việc có người thả rắn lục đuôi đỏ trong các khu dân cư chỉ là tin đồn thất thiệt, thực tế đơn vị cử nhiều tổ công tác bám cơ sở xác minh, điều tra, song không phát hiện trường hợp nào có hành vi trên. Thượng tá Khuôn cũng khuyến cáo người dân không nên nghe theo tin đồn và thêu dệt của các đối tượng xấu để “phóng đại” sự việc càng thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của mọi người…

Bên cạnh hướng dẫn các biện pháp sơ cấp cứu, chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Cấp cứu TP Đà Nẵng cũng đã khuyến cáo rộng rãi đến người dân các biện pháp đề phòng rắn cắn. Theo đó, cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch, không nên cho trẻ ngủ dưới nền đất. Không tạo điều kiện cho rắn lưu trú gần mình như: các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình. Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay, đi qua bụi rậm cần dùng gậy khua trước, mang ủng cao khi đi vào rừng hoặc khu vực nhiều cỏ, dùng đèn nếu di chuyển trong vườn, rừng vào ban đêm...

UBND TP Đà Nẵng còn ban hành công văn chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống rắn lục đuôi đỏ trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng ra quân vệ sinh, phát quang xung quanh nơi ở, làm việc trên địa bàn quản lý nhằm hạn chế sinh trưởng, phát triển của rắn lục đuôi đỏ. Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch hướng dẫn phòng và xử lý khi bị rắn cắn. Sở NN&PTNT theo dõi kết quả triển khai thực hiện của các địa phương và diễn biến sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ, kịp thời tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý.

Ngày 27/11, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều nơi và một số người cũng bị rắn cắn phải nhập viện. Ngành Kiểm lâm tỉnh đã gửi văn bản đến các địa phương khuyến cáo việc phòng tránh rắn lục đuôi đỏ; đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc tham mưu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về cách phòng tránh và cách xử lý ban đầu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn; phối hợp với các ban ngành có liên quan ở địa phương tăng cường hướng dẫn cho người dân, nhất là khu vực có nhiều cây cối, dây leo, bụi rậm… tiến hành phát quang khu vực sinh sống, vệ sinh vườn nhà sạch sẽ để rắn không có nơi trú ngụ; đeo găng tay, ủng khi làm đồng, làm vườn… để tránh bị rắn cắn. Ông Tuấn cũng khẳng định, tin đồn có người thả rắn lục đuôi đỏ là tin đồn thất thiệt, mọi người nên cảnh giác, không “thổi phồng” sự việc gây hoang mang trong nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giá bán hạt nén cũng “đội lên” gấp nhiều lần vì người dân đổ xô mua về giã rắc xung quanh nhà tránh rắn lục đuôi dỏ bò vào nhà theo kinh nghiệm dân gian; hiện một ký nén hạt đạt mức 320 nghìn đồng, trong khi trước kia giá chỉ từ 160-180 nghìn đồng.  (An Khang)
Viết Nam
.
.
.