Cảnh giác trước thông tin sang Nhật Bản làm điều dưỡng với yêu cầu rất thấp

Thứ Tư, 04/10/2017, 10:59
Đây là khẳng định của đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tại buổi thông tin về chương trình đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản sáng 2-10. Không chỉ thị trường Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo, hiện nay có nhiều thông tin về việc đưa điều dưỡng đi làm việc tại thị trường CHLB Đức với yêu cầu rất thấp.

Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản (EPA) đến nay đã tuyển sinh 5 khóa và đang được Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo tuyển ứng viên khóa 6 năm 2017. Tuy nhiên để có thể sang Nhật Bản làm việc, các ứng viên phải có bằng đại học, cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng và phải được đào tạo một khóa học 1 năm tiếng Nhật. Chỉ khi nào ứng viên thi đạt chứng chỉ tiếng Nhật N3 mới đủ điều kiện để xuất cảnh.

Các ứng viên trúng tuyển sẽ được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật tập trung 12 tháng với những ưu đãi như: được miễn phí bữa ăn, chỗ ở, hỗ trợ sinh hoạt phí 8 USD/ngày. Mức lương theo chương trình EPA với điều dưỡng là khoảng 30-34 triệu đồng/tháng, hộ lý 34-40 triệu đồng/tháng.

Đối với những ứng viên đã được xuất cảnh sang Nhật, trong quá trình học tập và làm việc 3-4 năm tại Nhật Bản, nếu thi đạt chứng chỉ Quốc gia Nhật Bản có thể ở lại làm việc lâu dài.

Đánh giá về hiệu quả chương trình từ khi triển khai đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ứng viên Việt Nam được các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản thời gian qua đánh giá rất cao. Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, số lượng ứng viên các khóa đã đào tạo và đưa đi tăng chưa nhiều, vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách hỗ trợ từ phía Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam. Đây là chương trình duy nhất ở Việt Nam khi ứng viên tham gia được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Đến nay, chương trình đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 5 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý, với tổng số 960 ứng viên.

Người lao động cần thận trọng trước thông tin tuyển điều dưỡng đi làm việc tại Đức và Nhật Bản do doanh nghiệp tuyển và có thu phí.

“Ứng viên không phải mất một khoản chi phí nào. Phía Việt Nam đóng góp một phần chi phí thuê cơ sở đào tạo, phía Nhật Bản chi phí toàn bộ phần mời giáo viên từ bên Nhật sang, ăn ở, sinh hoạt phí của các ứng viên khi tham gia chương trình. Lợi ích của chương trình rất cao, cho nên trách nhiệm của các ứng viên khi tham gia chương trình cũng cao tương ứng. Sang Nhật, các bạn cũng phải học tập và làm việc nỗ lực trong vòng 4 năm để có thể đạt được chứng chỉ Quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài ở Nhật Bản. Đây là mục đích cao nhất của chương trình”, bà Trịnh Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết.

Bà Hà cho biết thêm, chất lượng ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được phía cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận của Nhật Bản luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa. Điển hình như khóa 4 có 210 ứng viên đang trong thời gian đào tạo tiếng Nhật 1 năm tại Việt Nam, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản thông báo cho Việt Nam là 760 người, hay như khóa 6 đang thông báo tuyển 240 ứng viên nhưng phía Nhật Bản đang có nhu cầu lên đến gần 2.000 người.

Trước việc hiện nay đang có rất nhiều thông tin về việc đưa điều dưỡng đi làm việc ở Nhật Bản với tiêu chí tuyển chọn rất thấp, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đã cảnh báo rất nhiều lần về việc các ứng viên Việt Nam không thể sang Nhật làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, y tế với tiêu chuẩn thấp hơn. Hiện nay, chỉ có chương trình này là chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ và do trực tiếp Cục Quản lý lao động ngoài nước phụ trách. Do đó, không doanh nghiệp nào được tuyển chọn đưa người đi.

“Đây là hình thức đưa đi làm việc trái phép. Nếu người lao động tham gia vào các chương trình như thế này cũng là làm việc bất hợp pháp. Các đơn vị này đưa người đi làm việc nhưng lại bằng visa du học, hoặc visa du lịch. Hiện nay, cả Nhật Bản và Đức đều xảy ra tình trạng này. Nếu đi theo con đường này sẽ không ai có giấy phép lao động hợp pháp. Phía Đức và Nhật Bản đang kiểm soát rất gắt gao tình trạng này”, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.

Hậu quả khi làm việc bất hợp pháp, khi bị cảnh sát truy quét hoặc các cơ quan chức năng phía bạn kiểm tra, người lao động có thể bị phạt tiền, bắt giữ và bị trục xuất về nước mà không ai có thể bảo vệ được. Nếu không có giấy phép lao động hợp pháp theo chương trình EPA thì không ai có thể được làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, y tế ở phía nước bạn với tư cách điều dưỡng và hộ lý.

“Ngoài việc cảnh báo trên các trang thông tin của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phía Đức và Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ loại hình đưa lao động này đi làm việc ở các thị trường trên. Phía Nhật Bản cũng đang tăng cường kiểm tra thực tập sinh cũng như du học sinh để biết được các đối tượng này làm việc chính thức hay không. Thời gian qua nhiều du học sinh Việt Nam đã bị phát hiện không tham gia quá trình học mà lợi dụng chính sách làm thêm của Nhật Bản để đi làm”, bà Trịnh Vân Hà cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.