Vụ ngộ độc khí làm 4 người chết ở huyện Gia Lâm, Hà Nội:

Cảnh báo những cái chết do ngạt khí từ máy phát điện

Thứ Ba, 20/09/2016, 09:15
Liên tục xảy ra các vụ ngộ độc khí do chạy máy nổ, máy phát điện thương tâm như vậy, nhưng dường như các công tác phòng ngừa chưa được mọi người quan tâm phòng tránh, thậm chí chủ quan với sức khỏe của chính mình và người thân. Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, đa phần các nạn nhân đều do thiếu hiểu biết.

Ngày 19-9, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, gần 18h ngày 18-9, anh Trần Văn Sáng, 18 tuổi, trú tại Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An – nạn nhân trong vụ ngạt khí do chạy máy phát điện ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, đã tử vong. Anh Sáng là nạn nhân thứ 4 bị tử vong trong vụ này. 

Vụ việc xảy ra vào đêm 16-9, do bị mất điện nên 6 người làm thuê cho gia đình anh Lý Duy Hải, ở xóm 1, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội đã sử dụng máy phát điện để lấy ánh sáng rồi đóng cửa phòng đi ngủ. 

Đến khoảng 6h10 ngày 17-9, anh Hải đến kho thì thấy khóa trong, nghe tiếng máy phát điện nổ nhưng gọi không ai trả lời nên đã phá cửa vào, phát hiện bên trong cả 6 người đều bất tỉnh. 

Anh Hải hô hoán nhờ mọi người đưa các nạn nhân đi cấp cứu nhưng 3 người gồm chị Nguyễn Thị Vui, 44 tuổi, trú ở Nghĩa Đại, Thuận Thành, Bắc Ninh; anh Bùi Văn Giáp, 22 tuổi và em ruột là Bùi Văn Hoàng, 16 tuổi, trú tại Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An đã tử vong. Anh Sáng chết tại bệnh viện, còn hai nạn nhân là chị Đậu Thị Hằng và chị Nguyễn Thị Nhung vẫn đang được cấp cứu.

Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra đã xác định trong phòng đậm đặc khí CO2 và CO, các nạn nhân tử vong do ngạt khí CO. Được biết, căn phòng trên khoảng hơn 30m², là nơi ăn ở, sinh hoạt của các nạn nhân. Vì vậy, ngoài các vật dụng cá nhân còn có xe máy của các nạn nhân để trong phòng. 

Dù số lượng người ở khá đông, diện tích hẹp, lại chỉ có một lỗ thông gió nhưng do mất điện, quạt thông gió không chạy được. Chính vì vậy, khi các nạn nhân đóng kín cửa, chạy máy phát điện bên trong, khí thải của máy phát điện đã khiến họ hít phải gây ngộ độc, dẫn đến tử vong.

Trung tá Lê Việt Dũng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, kết quả khám nghiệm bước đầu xác định, các nạn nhân trong vụ việc này bị tử vong do ngạt khí CO. Khí CO sản sinh ra trong quá trình vận hành máy nổ (máy phát điện, các loại động cơ xe máy, ôtô...), trong môi trường kín thiếu không khí, khí CO ngăn cản quá trình vận chuyển ôxy lên não, gây tổn hại hệ thần kinh, tim mạch của nạn nhân; những trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời, để thiếu ôxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ khó hồi phục tri giác do não bị tổn thương.

Trước vụ việc thương tâm này xảy ra, cả nước cũng đã xảy ra rất nhiều vụ chết tập thể các khiến mọi người không khỏi xót xa. Đau xót nhất là vụ 10 người chết, 2 người bị thương tại 1 quán karaoke ở Hải Hà, Quảng Ninh. Nguyên nhân cũng tương tự như vụ ngộ độc khí ở huyện Gia Lâm, Hà Nội bởi do trời mưa gió, mất điện nên 4 nhân viên phục vụ quán karaoke đã bật máy phát điện phục vụ 8 người khách. Khi được phát hiện, 6 người đã tử vong tại chỗ, 4 người tử vong tại bệnh viện.

Theo kết quả khám nghiệm của Công an Quảng Ninh thì toàn bộ nạn nhân tử vong đều ở  tư thế  nằm, không có xáo trộn gì trong các phòng hát. Trong quán có bố trí 2 quạt thông gió dọc theo hành lang của quán, khi mất điện, 2 quạt gió này không hoạt động, trong khi đó cửa cuốn lại bị đóng kín nên khí độc thải ra trong quá trình chạy máy nổ đã khiến các nạn nhân ngộ độc, tử vong.

Trước đó, tại TP Hải Phòng cũng đã xảy ra vụ chết tập thể 9 thanh niên tại phường Cát Bi, quận Hải An. Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng cũng đã xác định 9 nạn nhân trên bị chết do suy hô hấp, thiếu ôxy, trong đó nồng độ khí CO cao vượt chỉ tiêu cho phép nhiều lần. 

Sáng sớm 7-7-2015, người dân ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định) phát hiện Bí thư Huyện ủy huyện Hoài Nhơn Nguyễn Thanh Bình cùng 1 cô gái chết trong ôtô tại khu vực gần đập Lại Giang. Lực lượng chức năng cũng xác định 2 nạn nhân chết do ngạy khí CO…

Liên tục xảy ra các vụ ngộ độc khí do chạy máy nổ, máy phát điện thương tâm như vậy, nhưng dường như các công tác phòng ngừa chưa được mọi người quan tâm phòng tránh, thậm chí chủ quan với sức khỏe của chính mình và người thân. Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, đa phần các nạn nhân đều do thiếu hiểu biết.

Trung tá Lê Việt Dũng cho biết: "Trong các vụ ngộ độc khí chúng tôi từng khám nghiệm, “thủ phạm” gây nên tử vong ở trong phòng kín có chạy máy phát điện ngoài khí CO, còn có khí CO2. Khí CO2 không mùi, không vị, nhưng nhanh chóng gây ngạt. Hít nhiều CO2 sẽ sốc do thiếu oxy, nạn nhân sẽ chết bị động bởi ngay khi vừa cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi thì đã rơi vào tình trạng hôn mê, nạn nhân không có thời gian để phản kháng". 

Trung tá Lê Việt Dũng khuyến cáo, mọi người không nên tập trung nhiều người trong phòng kín, tầng hầm đậu xe vì dễ dẫn đến thiếu ôxy, ảnh hưởng đến não; không dùng than, củi, gas để sưởi. Không nên để xe hơi hoặc xe máy còn đang nổ máy trong nhà, trong garage. Máy phát điện phải được đặt ở nơi thoáng khí. 

Khi phát hiện các nạn nhân bị ngộ độc khí, cần nhanh chóng mở các cửa để không khí tràn vào, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nếu bệnh nhân thở yếu hoặc bất tỉnh cần phải hà hơi thổi ngạt rồi đưa ngay đến bệnh viện.

Đại diện một nhà phân phối máy phát điện cũng cho biết, khi sử dụng máy phát điện trước hết nên tính toán đến vị trí đặt máy, cần phải lựa chọn nơi đặt máy phù hợp, không nên đặt ở những nơi khép kín như trong nhà, tầng hầm, gần sàn … mà nên chọn nơi bằng phẳng thông thoáng, khô ráo có mái che và thiết bị nối đất, không nên sử dụng vượt quá công suất định mức của máy, không đụng vào máy phát điện khi còn tay ướt; để trẻ nhỏ, vật nuôi tránh xa nơi đặt máy phát điện. 

Khi một thời gian dài không dùng máy phát điện, thỉnh thoảng bạn nên khởi động máy từ 5-10 phút để máy hoạt động ổn định và an toàn. Sử dụng đúng nhiên liệu theo hướng dẫn trên thân máy hoặc của nhà sản xuất và khi tiếp nhiên liệu phải tắt máy để tránh cháy nổ…

Phương Thủy
.
.
.