Những chiêu trò lừa đảo được biến tướng trên Facebook

Thứ Ba, 14/07/2015, 10:10
Sau trò lừa nạp thẻ “ông chú Viettel” được xem là một trong những “hiện tượng” trên Facebook trong năm 2014, năm 2015, mạng xã hội có số lượng người dùng nhiều nhất Việt Nam lại tiếp tục “nở rộ” những chiêu trò lừa đảo mới, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau khiến nhiều người dùng “sập bẫy”.
Mất tiền triệu vì tin lời nhắn qua Facebook

Sáng 13/7, bà Lê Thị Liên ở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) nhận được tin nhắn từ Facebook của người bạn thân nhờ nạp thẻ cào vì đang bận rửa xe. Do nhà bán sẵn thẻ điện thoại nên sau khi nhận được yêu cầu của người bạn thân, bà M. đã cào liên tục gần chục thẻ điện thoại, trong đó có cả thẻ mệnh giá 500 ngàn đồng rồi nhắn tin số seri thẻ cho bạn.

Sau khi đã cào đến số thẻ thứ 10 với số tiền lên tới 3,9 triệu đồng, bà M. mới cảm thấy ngờ ngợ rồi bấm điện thoại cho bạn để kiểm tra thì mới phát hiện ra là mình đã bị lừa. Trước đó, vào cuối tháng 6/2015, chị Nguyễn Thị Linh ở Trần Quý Cáp (Hà Nội) cũng nhận được tin nhắn của đứa cháu gái đang du học bên Nga nhắn qua Facebook nhờ dì chuyển tiền vào tài khoản.

Thương cháu ở xa thiếu thốn nên chị L. đã ra ngân hàng chuyển vào tài khoản cho cháu gái 7 triệu đồng. Sau khi đã chuyển xong tiền, về nhà gọi điện thoại cho cháu để thông báo đã chuyển thì chị L. mới phát hiện mình đã bị lừa đảo.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách bộ phận An ninh mạng của Bkav cho biết: Ở cả 2 trường hợp trên, các đối tượng đã thực hiện hack nick Facebook với mục đích dùng chính nick của nạn nhân để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của những người có trong danh sách  bạn của nạn nhân. Đây là mục đích khá phổ biến và xảy ra nhiều.

Một đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao bị lực lượng Công an bắt giữ. Ảnh minh họa.

Kẻ tấn công thường dùng các thủ đoạn như nhờ nạp thẻ cào điện thoại, mượn tiền ATM để lừa người thân của người bị hack nick. Nghiêm trọng hơn, sau khi đi hack họ dùng những nick này đi spam, tag lên tường Facebook người khác những thông tin sai lệch, lừa đảo và cứ thế nó lan rộng ra và không có hồi kết.

“Do vậy, nếu nhận được những tin nhắn có yếu tố gây tò mò, hoang mang, thắc mắc để dụ người dùng click vào đường link đi kèm như: khuyến mãi thẻ nạp điện thoại, hình ảnh nhạy cảm, thông tin liên quan tới những người nổi tiếng, người dùng không nên truy cập ngay vào đó mà nên hỏi lại bạn bè hay tìm hiểu kỹ trên các diễn đàn, google về tính xác thực thông tin này. Khi người dùng bấm vào các đường link này, lập tức Facebook của người dùng sẽ thoát ra và yêu cầu đăng nhập lại. Trong quá trình đăng nhập lại, kẻ gian sẽ biết được thông tin tài khoản của chủ tài khoản Facebook, từ đó có thể tiến hành hack nick để phục vụ các mục đích cá nhân”.

Mạo danh Ban quản trị Facebook nhắn tin thông báo trúng thưởng

Bên cạnh thủ đoạn trên, từ đầu năm đến nay, người dùng Facebook còn liên tục nhận được các chiêu thức lừa đảo khuyến mại thẻ cào và trúng thưởng như “Chương trình tri ân khách hàng kỷ niệm 50 năm thành lập 3 mạng Viettel-MobiFone- VinaPhone khuyến mãi 500% giá trị thẻ nạp khi nạp tiền điện thoại tại sukiengiagoc.com; naptiennhandoi.com hoặc napthedienthoai24h.com theo hướng dẫn: Nhập số điện thoại cần nạp tiền, nhập số seri, nhập mã thẻ, bấm nạp tiền, hệ thống sẽ báo thành công”.

Hoặc giả mạo là quản trị viên của mạng xã hội Facebook nhắn tin thông báo đến người dùng với nội dung như  “xin chúc mừng tài khoản của bạn có mã số điện thoại CN 0079 đã may mắn trúng thưởng giải nhất của chương trình từ sự kiện “Tri ân khách hàng quý II-2015” của Công ty cổ phần Mạng xã hội Facebook Việt Nam. Truy cập vào địa chỉ trungtamphanthuong.com để được hướng dẫn làm theo thủ tục nhận thưởng. Số điện thoại hotline 0084.1638.912.270 để gặp nhân viên quản trị hệ thống”.

Tin nhắn trúng thưởng giả mạo từ Ban quản trị Facebook.

Mặc dù nhìn vào thông báo và giải thưởng trên, đa số người dùng Facebook đều dễ dàng nhận ra hành vi lừa đảo, tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít người dùng bị sa bẫy. Theo ông Ngô Tuấn Anh, bản chất của các trò lừa đảo trên Facebook từ đầu năm 2015 đến nay vẫn là lừa đảo trúng thưởng, lừa đảo khuyến mại nạp thẻ. Tuy nhiên, cách thức tiến hành cụ thể có những nét mới.

Thay vì nạp trực tiếp vào các tài khoản cụ thể, đối tượng chuyển hướng sang các website, rồi dựng các comment giả tạo là của người dùng khẳng định mình đã nạp thẻ thành công đúng theo hướng dẫn và đã được nhân đôi tài khoản “khủng” hoặc đã nhận được phần thưởng đúng như thông báo. Tuy nhiên, qua việc khảo sát thực tế của bộ phận kỹ thuật Bkav cho thấy, đa phần các tài khoản mà đối tượng “dụ” người dùng nạp thẻ cào đều là các tài khoản game online.

Còn đối với hình thức lừa đảo trúng thưởng, nếu người dùng ở Hà Nội, đối tượng sẽ thông báo địa điểm nhận phần thưởng sẽ thuộc về một tỉnh xa như Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh hoặc ngược lại, nếu người dùng ở TP Hồ Chí Minh, đối tượng sẽ thông báo địa điểm nhận thưởng là Hà Nội. Từ đó, chúng “dụ” người dùng chuyển tiền mặt hoặc nạp thẻ cào cho chúng trước để làm cước phí vận chuyển phần thưởng đến tận địa chỉ của người dùng. Kết quả là tiền đã chuyển nhưng phần thưởng thì vẫn bặt vô âm tín.

Tin nhắn trúng thưởng tràn lan trên Facebook là giả mạo

Facebook Việt Nam vừa phát đi thông điệp cảnh báo người dùng cẩn trọng với các tin nhắn thông báo trúng thưởng tràn lan trên mạng được cho là được gửi từ Ban quản trị Facebook. Những tin nhắn này đều là nội dung rác (spam) chứ không phải được gửi từ Ban quản trị Facebook. Do đó, người dùng khi nhận được nội dung rác hãy gửi báo cáo để Facebook xem xét, loại bỏ những thông tin không mong muốn qua liên kết báo cáo (report link).

Đối với tin nhắn rác, hãy ấn vào nút “Cài đặt” (Settings) kế bên tên người gửi tin nhắn rác và lựa chọn “Báo cáo là thư rác hoặc lạm dụng” (Report as Spam or Abuse). Hiện Facebook đang nỗ lực làm việc để nâng cao khả năng bảo vệ tài khoản của người dùng , đặc biệt là xây dựng những công cụ để ngăn chặn và loại bỏ nội dung rác, giúp bảo vệ người dùng trước những đường link độc hại. (PV)

                                                        

Huyền Thanh
.
.
.