Cẩn trọng kẻo ngộ độc khi sử dụng nấm linh chi cảnh bonsai

Thứ Bảy, 07/02/2015, 14:39
Nét mới lạ, độc đáo của Tết năm nay là trên thị trường xuất hiện loại cây cảnh "độc" – nấm linh chi bonsai. Không chỉ là cây cảnh chơi Tết mà theo giới thiệu của người bán hàng thì nó còn được dùng như một sản phẩm dinh dưỡng, vì thế nó có cái giá khá đắt đỏ.

Bonsai nấm linh chi hiện được bày bán nhiều trên thị trường vào dịp giáp Tết này. Trông hình dáng một số loại thì nó giống như những cây nấm linh chi đang được nuôi trồng tại Trung tâm công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ khác là nó được tạo thế khá bắt mắt hơn.

Khảo sát quanh một vòng thị trường ở Hà Nội, chúng tôi được nhân viên cửa hàng số 282 Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho biết, nấm linh chi được làm thành bonsai này đều có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Chơi hết Tết 3 tháng thì cây sẽ khô nhưng vẫn chơi được thêm 1 đến 2 năm nữa. Còn không thì cắt ra ngâm rượu uống vẫn tốt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây bonsai nấm linh chi nhỏ nhất cũng có giá trên 1 triệu đồng, còn cây lớn, thế đẹp thì giá rất đa dạng, từ 3-5 triệu đồng.

Nhiều khách hàng mua loại cây này đem đi biếu vì tính độc đáo của nó, đồng thời nghĩ rằng đây là cây thuốc quý.

Chính vì "không bỏ đi tí nào" vì chơi xong vẫn có thể đun lên uống hoặc ngâm rượu được nên nhiều người gọi đây là quà Tết độc đáo.

Những chậu bonsai nấm linh chi thế tùng có giá từ 700.000 đến 5 triệu đồng ở cửa hàng 282 Thủy Khuê, Hà Nội.

Không chỉ có bonsai nấm linh chi thế sừng hươu mà trên thị trường còn có cả loại bonsai nấm linh chi thế tùng với giá vài trăm nghìn tới vài triệu đồng/cây tùy loại.

Sự thực thì những bonsai nấm linh chi này sau khi chơi Tết có sử dụng được như một sản phẩm dinh dưỡng hay không thì đến nay chưa ai dám khẳng định, mà chỉ có người bán hàng kêu "dùng được".

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Ngô Xuân Nghiễn, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì người ta có thể lấy một số quả thể linh chi gắn keo để tạo thế dạng bonsai.

Nhưng bản chất của linh chi khi phơi bày ra ngoài thì nó sẽ hút ẩm và mốc rất nhanh. Muốn không bị mốc, để chơi được lâu, người kinh doanh có thể dùng thủ thuật tạo ra lớp dầu bóng hoặc tráng một lớp bảo quản trên bề mặt của nấm. Về việc này thì không ai dám chắc nó không có chất độc hại.

Ông Nghiễn cảnh báo: "Thời tiết ẩm, nhất là mùa xuân thì nấm linh chi mốc rất nhanh và càng nấm thật thì càng nhanh mốc. Do vậy, nếu đã xác định nấm linh chi tạo bonsai thì chỉ nên chơi cây cảnh, không nên sử dụng làm dinh dưỡng". 

Theo Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp thì hiện Việt Nam mới chỉ nhập khẩu giống nấm linh chi sừng hươu từ Hàn Quốc, Nhật Bản đem về trồng và nhân giống, còn nấm linh chi thế tùng thì do người kinh doanh tạo dáng mà ra.

Linh chi thuộc họ nấm nên không dễ tạo thế bonsai và để tạo được thế, người kinh doanh dùng kỹ thuật cấy ghép, dính, dán keo, dùng chất bảo quản... và tốt nhất không nên sử dụng.

Những cây nấm linh chi đã chết sẽ bị mốc nên khi ngâm rượu, đun nước uống, người dùng phải quan sát thật kỹ để không gây hại cho sức khỏe.

Nhật Minh
.
.
.