Cần tạo điều kiện giúp dân vạn đò ở Phú Xuân an cư

Thứ Năm, 04/01/2018, 09:04
Đến nay, nhiều hộ dân vạn đò ở thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) vẫn chưa thể an cư, do thiếu đất ở xây nhà kiên cố.

Để có nơi sinh sống, người dân buộc phải dựng những căn nhà chồ bằng tre, gỗ trên diện tích ao hồ để ở tạm, dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa mưa bão.

Sau trận bão năm 1985, hàng chục hộ dân vạn đò sống trên đầm Sam - Chuồn được chuyển lên bờ tái định cư (TĐC) ở vùng đất nằm ven đầm phá thuộc địa bàn thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân, theo chính sách của Nhà nước. 

Ông Nguyễn Toàn, Trưởng thôn Thủy Diện cho biết, thôn có 270 hộ dân, chiếm đa số mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản nên cuộc sống rất khó khăn. Trong đó, có nhiều hộ dân đã lên bờ sinh sống gần chục năm trời nhưng vẫn chưa có chỗ ở ổn định… 

Ông Toàn dẫn chúng tôi đến xóm Đầm. Tại đây, rất nhiều hộ dân dựng nhà chồ làm nơi tá túc. Bên trong căn nhà chồ rộng hơn 30m², vợ chồng ông Trần Văn Vui (49 tuổi) và bà Trần Thị Đợn (48 tuổi) đang ngồi sửa mấy tay lưới và lừ xếp để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt thủy sản vào chiều tối. 

Nhìn căn nhà chật hẹp, nhưng là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Vui cùng 8 người con, trong đó có 2 người con út đang học Tiểu học mới thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân vạn đò ở vùng quê này. 

Ông Vui kể, do đông con cái, không thể tiếp tục sinh sống ở thuyền nên năm 2007, ông cùng nhiều hộ dân xin chính quyền địa phương chuyển lên bờ định cư. 

“Đất chật người đông nên tôi và 14 hộ dân vạn đò góp tiền tổng cộng được 150 triệu đồng để mua lại diện tích mặt hồ nuôi tôm bỏ hoang do 6 hộ dân ở cùng xã bán. Lo sợ mưa bão, lũ lụt nhà chồ không chống đỡ nổi nên tôi vay mượn được ít tiền để đổ cát san lấp mặt nước trên diện tích hơn 120m² đã mua trước đó để chuẩn bị xây nhà kiên cố thì cơ quan chức năng đến thông báo yêu cầu ngừng việc san nền. Từ đó đến nay, gia đình cứ sống trong căn nhà chồ này với nhiều khó khăn chồng chất”, ông Vui buồn bã nói.

Cách nhà ông Vui không xa là căn nhà chồ lụp xụp được dựng lên bằng mấy gốc tre của vợ chồng anh Trần Hội (35 tuổi). Từ nhỏ theo bố mẹ mưu sinh trên sông nước nên ước mơ lớn nhất của anh Hội là được lên bờ TĐC. 

Chăm chỉ làm việc, cuối năm 2016, vợ chồng anh góp 10 triệu đồng để mua lại một phần diện tích mặt nước ở xóm Đầm, thôn Thủy Diện, nhằm có chỗ... làm nhà. Tuy nhiên khi đang san đất đổ nền thì UBND huyện Phú Vang có thông báo diện tích mặt nước mà anh Hội và nhiều hộ dân chung tiền mua lại vốn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, không được phép xây dựng khiến các hộ dân vô cùng lo lắng. 

“Ước mong của chúng tôi là được xây nhà kiên cố để ở, chứ sống trong nhà chồ thế này đến mùa mưa bão rất bất an. Mặt khác đây là khu vực có hồ nước sâu nên rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đó là chưa kể đến tình trạng bèo, rác trôi nổi tràn vào nhà gây ô nhiễm khi nước dâng cao. Vì thế, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp mong được giải quyết để an cư”, anh Hội bày tỏ.

Theo ông Hồ Đình Tiển, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, mong muốn lên bờ TĐC ổn định cuộc sống là nguyện vọng chính đáng của người dân vạn đò. Tuy nhiên diện tích mặt nước mà người dân ở thôn Thủy Diện dựng nhà chồ và đổ cát san nền vốn thuộc Nhà nước quản lý. 

Sau khi phát hiện sự việc 6 hộ dân thôn Xuân Ổ được giao diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản nhưng những người này lại bán cho các hộ dân để thu số tiền 150 triệu đồng nên xã đã yêu cầu những người này phải trả lại tiền cho các hộ dân. 

“Hiện xã đang tham mưu cho UBND huyện giải quyết sự việc đúng theo quy định pháp luật. Theo đó, có thể sẽ di dời người dân đến khu TĐC mới; hoặc sẽ phân lô, đấu giá đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Tiển thông tin.

Liên quan đến vấn đề TĐC cho các hộ dân sinh sống ở nhà chồ tại thôn Thủy Diện, ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang khẳng định: “Sau khi nhận được sự phản ánh của người dân, huyện đã lập đoàn kiểm tra ghi nhận tình hình. 

Theo đó, sau khi giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan, huyện sẽ hoàn tất các thủ tục đất đai để tạo điều kiện TĐC cho các hộ dân vạn đò nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Anh Khoa
.
.
.