Cần nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ tại các khu công nghiệp

Thứ Hai, 13/11/2017, 08:57
Thời gian qua, hàng loạt công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương đã để xảy ra tình trạng mất trộm tài sản. Đáng lo ngại, kẻ trộm lại chính là các nhân viên bảo vệ. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn Công an KCN Việt Nam - Singapore (thị xã Thuận An, Bình Dương), cho biết: “Cùng với Công an, bảo vệ trong công ty có vai trò rất quan trọng bảo vệ ANTT và tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số bảo vệ nảy sinh lòng tham nên trộm tài sản của công ty bán lấy tiền tiêu xài.

Cách đây không lâu, một nam bảo vệ trong Công ty Đ. (KCN VSIP) đã lấy trộm tài sản của mục tiêu bảo vệ là Công ty C. mang ra ngoài bán. Sự việc bị phát hiện, Công ty Đ. đã chấm dứt hợp đồng lao động với nam bảo vệ, ngoài ra đối tượng còn phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tương tự, Công ty CMC (tọa lạc KCN Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, Bình Dương) có bảo vệ chuyên nghiệp trông giữ tài sản cả ngày lẫn đêm nhưng hàng chục tấn vải đã “bốc hơi”. Do vậy, lãnh đạo Công ty CMC gửi đơn đến Công an thị xã Dĩ An trình báo sự việc.

Qua điều tra, Công an thị xã Dĩ An xác định các đối tượng liên quan: Võ Tá Hiến (31 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Hồ (20 tuổi), Bùi Văn Tuấn (30 tuổi), Trần Văn Khấn (30 tuổi, cùng quê Hà Tĩnh) và Võ Tá Trọng (26 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu), đều là nhân viên của một công ty dịch vụ bảo vệ có trụ sở tại phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một. Các đối tượng được công ty điều đến bảo vệ mục tiêu tại Công ty CMC.

Thời gian làm việc tại đây, cả nhóm phát hiện việc quản lý vải của công ty có nhiều sơ hở. Lợi dụng lúc làm ca đêm, nhóm này lấy trộm các cây vải vận chuyển bằng xe máy hoặc thuê Phạm Đức Thống (41 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An) dùng taxi chở vải ra ngoài công ty để bán. Trong khi đó, Nguyễn Thị Mỹ (31 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Khắc Lê (40 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) biết vải do trộm mà có nhưng vẫn mua.

Công an thị xã Thuận An phối hợp cùng bảo vệ khu công nghiệp tuần tra đảm bảo ANTT.

Hiện thị xã Thuận An có 60 công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ (DVBV). Có thể nói lực lượng bảo vệ không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu trong doanh nghiệp, mà còn có đóng góp bảo đảm ANTT chung cho địa phương. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ với đồn Công an còn hạn chế.

Để phát huy vai trò của bảo vệ, các công ty cần nâng cao chất lượng bảo vệ thông qua công tác tuyển chọn và đào tạo nghiệp vụ. Cùng với đó, công ty cung cấp DVBV nên thường xuyên trao đổi thông tin với Công an địa phương để sớm nắm tình hình, cũng như có biện pháp xử lý các tình huống xảy ra.

Trung tá Nguyễn Văn Tường, Trưởng đồn Công an KCN Sóng Thần nêu kinh nghiệm: “Để phòng ngừa tội phạm trộm tài sản trong công ty nói riêng và KCN nói chung, ngoài việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đồn Công an còn chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả các Đội Công nhân xung kích (CNXK) tự quản về ANTT.

Việc tập hợp công nhân, nhất là lực lượng bảo vệ trong công ty tham gia Đội CNXK sẽ góp phần phát huy vai trò của người lao động trong việc bảo vệ ANTT và thành quả lao động trong công ty. Thông qua phối hợp tuyên truyền pháp luật giữa Đội CNXK với các ban ngành, đoàn thể sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong công nhân”.

Ông Phạm Văn Sơn, đại diện Đội CNXK Công ty TNHH Nam Đông, cho rằng: “Để giữ môi trường làm việc an toàn trong công ty, chúng tôi đã tập hợp công nhân và lực lượng bảo vệ tham gia Đội CNXK. Các thành viên phải thường xuyên được cơ quan chức năng tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Từ đó, Đội CNXK công ty đã phát huy được vai trò trong việc phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động công nhân của đơn vị chấp hành các quy định pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các loại tội phạm, nhất là trộm cắp tài sản. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia tuần tra bảo đảm ANTT trong và ngoài công ty; phối hợp với Công an địa phương truy bắt đối tượng trộm, cướp tài sản”.

Công an tỉnh Bình Dương đánh giá, có rất nhiều yếu tố, tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng DVBV chuyên nghiệp, như: quy trình làm việc của công ty bảo vệ, pháp luật, các quy định liên quan, chi phí dịch vụ... Tuy nhiên, về chất lượng DVBV thì rất nhiều đơn vị chưa có các tiêu chí đánh giá hiệu quả. Nguyên nhân khách quan do các công ty DVBV hình thành và phát triển ngày càng nhiều nên xảy ra vấn đề cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ và thái độ ứng xử của nhân viên đối với khách hàng cũng bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, các DVBV giá rẻ thì chi phí đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên chưa được quan tâm tốt. Do đó, kỹ năng trong nghiệp vụ bảo vệ còn chưa tốt, một vài tình huống xảy ra khi làm nhiệm vụ sẽ không xử lý được.

Mặt khác, các công ty kinh doanh, cung cấp DVBV với chi phí, giá thành dịch vụ thấp được khách hàng ưu tiên quan tâm, lựa chọn nhiều hơn nhưng khách hàng lại không để ý đến các điều khoản dịch vụ trong hợp đồng. Thế nên, những quyền lợi mà khách hàng được hưởng thì các công ty bảo vệ có thể bỏ qua để giảm chi phí dịch vụ. Để khắc phục được vấn đề này phải bắt đầu từ phía khách hàng sử dụng DVBV.

Cần chú ý, cân nhắc lựa chọn một DVBV chuyên nghiệp, đảm bảo uy tín và chi phí dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Lưu ý các điều khoản, quyền lợi của khách hàng được hưởng khi ký kết hợp đồng bảo vệ tránh bị các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ giảm bớt; có cơ chế quản lý chặt chẽ tài sản của công ty...

C.Bình
.
.
.