Cần làm rõ nguyên nhân cá ở khe Đá Mài chết hàng loạt

Thứ Bảy, 06/05/2017, 09:22
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, tại khe Đá Mài chảy ra sông Thu Bồn, thuộc xã Đại Thắng (Đại Lộc, Quảng Nam) xảy ra tình trạng cá tự nhiên chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng thôn Phú Xuân Nam, xã Đại Thắng, cho biết, tình trạng các loại cá tại khe Đá Mài chết hàng loạt diễn ra từ ngày 25-4, đỉnh điểm là ngày 27-4, khi cá chết nổi trắng mặt nước, sau đó trôi ra sông Thu Bồn. Đến ngày 28-4, tình trạng cá chết vẫn còn diễn ra, kéo dài trên đoạn khe hơn 2.000m.

Để người dân không vớt cá chết mang về dùng hoặc bán, Công an xã Đại Thắng và Thôn đội Phú Xuân Nam đã được huy động ra canh gác dọc theo khe Đá Mài. Theo quan sát của chúng tôi, tại ngã ba khe Đá Mài và sông Thu Bồn, các loại cá như rô phi, chép, bống… chết tấp vào cát rất nhiều.

Cá tự nhiên ở khe Đá Mài chết bất thường.

Nhiều người dân xã Đại Thắng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cá ở khe Đá Mài chết hàng loạt là do nước khe bị ô nhiễm từ hoạt động xả thải của các nhà máy đặt ở thượng nguồn, trong đó có Nhà máy ethanol Quảng Nam đóng tại xã Đại Tân.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, đơn vị chủ đầu tư Nhà máy ethanol Quảng Nam, khẳng định, nhà máy đã được UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận và điều chỉnh một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nhà máy hoạt động hoàn toàn theo các quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hoàn toàn không có chuyện xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Việc có thông tin cho rằng nhà máy xả thải gây ô nhiễm khiến cá chết trên khe Đá Mài là hoàn toàn sai sự thật.  Ông Tỉnh giải thích rằng, nguồn tiếp nhận nước thải của nhà máy là khe Cừa (đoạn trên của khe Đá Mài).

Dọc theo chiều khe ra đến sông Thu Bồn là gần 10km có rất nhiều trang trại chăn nuôi và các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, có rất nhiều nguồn thải trực tiếp ra khe Cừa đến sông Thu Bồn.

Thực tế, dọc theo khe Cừa và khe Đá Mài có nhiều trang trại chăn nuôi đang hoạt động, trong đó quy mô nhất là Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản siêu nạc của Công ty TNHH Tiến Đại Hưng và Công ty Thái Việt. Hỏi chuyện, ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đại Hưng, cho hay, trang trại công ty có diện tích 6,6ha, hiện nuôi 700 lợn nái, 4.000 lợn hậu bị.

Trang trại này chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2013 với khối lượng nước thải theo thiết kế vào khoảng 70-80m3/ngày, song một điểm đáng chú ý là đến thời điểm này trang trại vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cho phép xả thải ra môi trường (?!).

Song ông Tiến bảo, trang trại có 6 hồ sinh học để xử lý nước thải nên hoàn toàn đảm bảo về công tác vệ sinh môi trường, thậm chí có thể nuôi cá trong các hồ sinh học này.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết, sau khi có thông tin cá chết hàng loạt trên khe Đá Mài, đích thân ông cùng một số cơ quan chức năng huyện Đại Lộc đã đến khảo sát tại hiện trường.

Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện cùng các cơ quan hữu quan vào cuộc điều tra, lấy mẫu cá chết, mẫu nước mang đi kiểm nghiệm để tiến hành làm rõ nguyên nhân.

Theo thông tin chúng tôi có được, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo Sở TN&MT cùng các cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn diện việc xả thải của các đơn vị đang hoạt động xả thải ra khe Cừa và khe Đá Mài.

Ngọc Thi
.
.
.