Cấm bán nước có ga trong trường học: Cần thêm những chế tài cụ thể

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:59
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg2017 về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới. Điểm đáng lưu ý trong chỉ thị này là Thủ tướng yêu cầu không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe của học sinh trong trường học.


Chủ trương này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận trong xã hội song nhiều ý kiến cho rằng, để quy định này có thể thực thi hiệu quả trong thực tế, cần có thêm những chế tài cụ thể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay rất nhiều các căng tin trong trường học đều có bán nhiều loại nước ngọt có ga. Nếu như có căng tin nhà trường nào không bán thì học sinh cũng hoàn toàn có thể dễ dàng mua tại các hàng quán san sát trước cổng trường. 

Hàng quán bán thực phẩm, đồ ăn nhanh “bủa vây” trước cổng trường Tiểu học Tân Mai-Hà Nội.

Điều đáng nói là không chỉ những loại đồ uống có thương hiệu, được các hãng có uy tín sản xuất, mà tại các hàng quán này còn bày bán nhiều loại nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có các thông tin về thành phần, hạn sử dụng cũng như những cảnh báo độc hại trên bao bì. 

Trong đó, rất nhiều loại nước ngọt sử dụng phẩm màu và đường hóa học với hàm lượng lớn song đây vẫn là thức uống “khoái khẩu” của rất nhiều học sinh vì uống “dễ vào”, dễ “lừa miệng” và giá cả lại rất phù hợp với túi tiền của học sinh, thường dao động từ 5 đến 10 nghìn đồng. 

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Chủ trương cấm quảng cáo và bán các loại nước uống có cồn, có ga trong trường học theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Trường Việt Đức cũng có căng tin cho học sinh nhưng chỉ phục vụ các em ăn sáng những món như xôi, bánh mỳ, bánh bao... chứ không bán các loại đồ uống có cồn, có ga. 

Tuy vậy, ông Bình cũng thừa nhận, dù các loại nước có cồn, có ga không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, thậm chí những loại không rõ nguồn gốc có thể còn gây ngộ độc thực phẩm song trong các buổi liên hoan hay đi dã ngoại, nhiều phụ huynh vẫn chuẩn bị cho con những thức uống này. Đây chính là thói quen chưa thể thay đổi ngay trong một sáng một chiều, cần tăng cường việc tuyên truyền cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh về vấn đề này trong thời gian tới.

Việc quy định cấm bán nước có ga trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ảnh mang tính minh họa.

Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết: Trong bếp ăn của nhà trường hầu như không có các loại nước có ga, nhà trường cũng không cho phép quảng cáo hay bán các loại này để đảm bảo an toàn cho các em học sinh đang trong độ tuổi còn non nớt. 

“Trong nhà trường chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng các hàng quán san sát tại các cổng trường có bày bán các loại sản phẩm này thì rất khó kiểm soát. Cũng có những thời điểm, đội trật tự của phường đã ra quân dẹp các hàng quán này nhưng do đây chủ yếu là các điểm bán hàng di động nên hôm nay dẹp, ngày mai đã có thể “mọc lại”. Để cấm triệt để vấn đề này, ngoài việc tăng cường tuyên truyền cho học sinh trong nhà trường, cũng cần thêm những chế tài cụ thể khác ngoài nhà trường”, vị hiệu trưởng này đề xuất. 

Còn theo đại diện phòng giáo dục một số quận nội thành, hiện phòng vẫn chưa nhận được chỉ đạo hay hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT Hà Nội về vấn đề này. Song quan điểm chung của các phòng giáo dục là đều ủng hộ chủ trương này của Thủ tướng. Vấn đề là để chỉ thị này phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có những chế tài cụ thể đi kèm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Các đồ uống có ga hiện nay hầu như không có tác dụng dinh dưỡng gì. Thành phần chính của các loại nước ngọt có ga thường có đường Carbonhydrat, trẻ em không cần uống nhiều loại đường này vì năng lượng này không phải năng lượng đi từ những chất dinh dưỡng mà đi từ các chất đường. Cơ thể mà có quá nhiều đường thì sẽ gây nguy cơ béo phì. Tương tự, nếu ta cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt sẽ tạo ra hiện tượng “dinh dưỡng lệch” và không tốt cho sức khỏe của trẻ. 

Cũng theo ông Thịnh, học sinh phổ thông, nhất là ở bậc tiểu học và THCS thì chỉ cần ăn uống các chất dinh dưỡng để phát triển cơ thể chứ không phải chỉ là những thứ nước ngọt có ga, chỉ phục vụ nhu cầu giải khát. Trong khi đó, để giải khát thì học sinh chỉ cần uống nước lọc không cần pha chế gì thêm, kể cả nước chè hay cà phê cũng đều không cần vì không phù hợp với lứa tuổi của các em.

Huyền Thanh
.
.
.