Cách xử trí khi bị say nắng

Thứ Hai, 01/06/2015, 20:04
80% người phơi nắng ngoài đường đều bị say nắng nhưng không nhận ra. Vì thế, theo các bác sĩ, nếu bị say nắng nhẹ, cần khẩn trương đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát, để nghỉ ngơi. Nếu bị nặng cần nhanh chóng gọi cấp cứu, trong lúc chờ đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo…
>>Người dân Huế ‘vật vã’ trong nắng nóng gay gắt
>>Nắng nóng, cẩn trọng với thức ăn đường phố
>>Nắng nóng kéo dài, quá tải trẻ nhập viện

Suốt những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, anh Lê Ngọc H. (47 tuổi, ở Phú Yên), vẫn đi gặt lúa thuê ở Ninh Bình, mỗi ngày “phơi” nắng 4 - 6 giờ, trong khi nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 390C -400C.

Vào khoảng 15h ngày 30/5, là thời điểm nắng gắt nhất, khi đang ở giữa đồng, anh Lê Ngọc H. đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê, dù trước đó anh chưa từng bị phát hiện mắc bệnh gì.

Nắng nóng gay gắt tiếp tục duy trì trên diện rộng. 

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu và được đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch.

Sau 12 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định nhưng ý thức không cải thiện, nên được chuyển lên khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi được điều trị tại khoa cấp cứu, ý thức bệnh nhân có cải thiện hơn.

Cũng trong ngày 30/5, bà Tạ Thị Vân H. (88 tuổi, ở Hai Bà Trưng - Hà Nội) đang đi chợ thì đột ngột bị mất ý thức, được người dân xung quanh sơ cứu và gọi cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

Bệnh nhân bị hôn mê, co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 400C, mạch nhanh, huyết áp rất cao (là người có tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa khớp). Ngay lập tức bệnh nhân đã được các y bác sĩ cho thở oxy, dùng thuốc chống co giật, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau vài giờ thì tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, không co giật nữa, ý thức có cải thiện, huyết áp giảm hơn.

Ngày 1/6, bệnh nhân tỉnh táo nhưng còn mệt, còn sốt nhẹ (380C), mạch và huyết áp ổn định và hiện đang dần hồi phục sau biến chứng tổn thương não do say nắng.

Đây là hai trường hợp biến chứng của say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) rất nặng nề và có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là đối với các biến chứng não.

Điều lo ngại là có tới 80% người phơi nắng ngoài đường đều bị say nắng nhưng không nhận ra. Vì thế, theo các bác sĩ, nếu bị say nắng nhẹ, cần khẩn trương đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát, để nghỉ ngơi. Nếu bị nặng cần nhanh chóng gọi cấp cứu, trong lúc chờ đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo, có thể chườm lạnh ở vùng trán và gáy bằng khăn ướt và cho nạn nhân uống nước mát.

Dạ Miên
.
.
.