Các tỉnh Tây Nguyên triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả lợn

Thứ Tư, 12/06/2019, 07:47
Theo Cơ quan Thú y vùng V - Bộ NN&PTNT cho biết, tổng đàn lợn trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông lên đến hơn 1,4 triệu con. Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại là rất lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

=

 “Bão” dịch hoành hành

Gia Lai là một trong những tỉnh thành phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, từ ngày 14-5 đến 23-5, tại huyện Chư Pưh đã có 135 con lợn của 35 hộ dân ở xã Chư Don bị chết. 

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh từ Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai cho thấy, số lợn chết này dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 25-5, tại địa bàn các làng Klã, xã Ia Mơr và một hộ ở thôn Yên Hưng, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông cũng bắt đầu xuất hiện lợn chết hàng loạt. 

Ngày 27-5, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông đã ký quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện. Ngày 3-6, hàng chục hộ dân tại 3 làng Sung Kép, Sung Le Kắt và Sung Le Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ phát hiện lợn chết rải rác chưa rõ nguyên nhân. 

Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai lấy mẫu bệnh phẩm của đàn lợn gửi xét nghiệm. Đến ngày 7-6, Chi cục Thú y vùng V thông báo kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Nông là tỉnh thứ hai tại Tây Nguyên công bố có ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. 

Theo đó, vào ngày 15-5, đàn lợn của hộ gia đình Phạm Văn Thuyết (trú tại thôn Easnô, xã Đắk Drồ, huyện Krông Nô) có 11 con có nhiều biểu hiện bất thường nên gia đình đã báo cho cơ quan quản lý thú y lấy mẫu đi xét nghiệm. 

Tiếp đó, đến ngày 21-5, 4 con lợn nái của hộ gia đình ông Lê Văn Quyền (trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) bỗng nhiên bị nhiếm bệnh rồi chết. Ngày 22-5, một con lợn nái của gia đình ông Phạm Đức Lan (trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mâm) cũng bị ốm rồi lăn ra chết. 

Ngay sau khi liên tiếp xảy ra sự việc trên, cơ quan quản lý thú ý của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm. Theo kết quả cho thấy, cả 3 trường hợp có lợn ốm, chết đều có mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Tại Đắk Lắk, từ một ổ dịch trên đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Bán (thôn 11, xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột) được phát hiện thì đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 6 ổ dịch tả lợn châu Phi tại TP Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, với 139 con mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. 

Ngoài những ổ dịch trên, huyện Cư Mgar cũng ghi nhận trường hợp lợn bị bệnh ở một trang trại trên địa bàn xã Cư Suê và ở xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) cũng có hiện tượng lợn chết, lực lượng chức năng đã khoanh vùng và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và đều cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk tiến hành tiêu huỷ một ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Cơ quan Thú y vùng V - Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, chỉ tính riêng tổng đàn lợn trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông lên đến hơn 1,4 triệu con. Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi là rất lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Lê Chí Kiên, Phó Giám đốc Cơ quan Thú y vùng V cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, diễn biến phức tạp trong thời gian qua là do bước đầu công tác chống dịch tại các địa phương đã thể hiện sự lúng túng trong khâu xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh. Lực lượng tham gia tiêu hủy vừa thiếu, vừa yếu khiến công tác xử lý mất rất nhiều thời gian. 

“Đặc biệt, quỹ đất phục vụ công tác tiêu hủy ở nhiều địa phương chưa được bố trí sẵn sàng dẫn đến tình trạng lợn bệnh, chết ở nơi này phải mang sang địa bàn khác để tiêu hủy khiến người dân chưa đồng thuận. Việc kiểm soát các phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xe khách chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn lây bệnh”, ông Kiên cho biết.

Cũng theo ông Kiên, bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh đến người dân còn nhiều hạn chế. “Đơn cử như ổ dịch đầu tiên phát sinh tại hộ gia đình ông Lê Văn Bán ở xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho thấy, gia đình này có người kinh doanh thịt lợn tại chợ Hòa Phú và đã nhập lợn từ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, nơi đang xảy ra dịch bệnh về tiêu thụ tại địa phương. Điều này cho thấy, ngay cả người chăn nuôi vẫn còn chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ chính đàn lợn của gia đình”, ông Kiên nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Kiên, dịch tả lợn châu Phi đang là đại dịch toàn cầu, khiến cả thế giới phải “gồng mình” đối phó. Các chuyên gia dự báo, phải mất đến 5 năm nữa mới có thể nghiên cứu ra vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.

Theo nhận định của Cơ quan Thú y vùng V, trong thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan sang các địa phương chưa có dịch bệnh là rất cao. Dịch bệnh chủ yếu phát triển theo 3 hướng gồm: Phát tán và lây lan sang các địa phương chưa có dịch; phát sinh những ổ dịch mới ở các địa phương đang có dịch và dịch xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ xâm nhiễm vào những cơ sở chăn nuôi heo tập trung, quy mô lớn. 

Theo bà Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì cần phải huy động toàn hệ thống chính trị cùng thực hiện phòng, chống dịch, tham gia các điểm chốt chặn kiểm soát dịch bệnh. Các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi cũng phải vào cuộc chung tay thực hiện những biện pháp an toàn sinh học, triển khai tiêu độc, khử trùng trên diện rộng để bảo vệ sản xuất của mình và cả cộng đồng. 

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Gia Lai cho biết thêm, trước tình hình dịch bệnh xuất hiện trên đại bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như yêu cầu các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cấp huyện, xã; lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin dịch bệnh kịp thời, đúng quy định; tổ chức thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn chết, bệnh; không tiêu thụ thịt lợn chết, mắc bệnh; không vứt xác lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý.

TP Hồ Chí Minh phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên

Chiều 11-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã công bố thông tin về ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, ổ dịch này được ghi nhận tại 1 hộ chăn nuôi lợn tại phường Phú Hữu, quận 9, có triệu chứng điển hình của bệnh vào ngày 10-6. Cơ quan thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 6, kết quả được trả ngày 11- 6 xác định các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. Bà Lê Thị Ngọc Cẩm là chủ đàn lợn 163 con (23 con nái sinh sản, 112 con lợn thịt, 28 con lợn sữa). Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND phường Phú Hữu và UBND quận 9 tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và thức ăn thừa. Đồng thời, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý lợn bệnh. Toàn xã Phú Hữu hiện đang có 7 hộ chăn nuôi với tổng đàn 506 con, những hộ này sẽ được triển khai cấp phát thuốc sát trùng liên tục 7 ngày kể từ ngày 11-6 và tiêu độc khử trùng 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo và tạm thời trong 30 ngày các hộ này không được xuất bán. Đối với vùng uy hiếp (bán kính 3km từ ổ dịch) có 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng UBND quận 9 và quận 2 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày 11-6.

Tính đến nay đã có 55 tỉnh, thành trong cả nước có bệnh tả lợn châu Phi với số lượng lợn buộc tiêu hủy lên đến 2,3 triệu con.

 T.Hà

Thêm nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh miền Trung

Ngày 11-6, tỉnh Quảng Trị phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở huyện Triệu Phong, nâng địa điểm xảy ra dịch bệnh trên địa bàn huyện này là 5 địa điểm, bao gồm thị trấn Ái Tử và 4 xã là Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài và Triệu Thượng. Số lượng lợn bị bệnh đến thời điểm hiện tại bị tiêu hủy là gần 100 con, với tổng trọng lượng 3,4 tấn. Theo ngành Nông nghiệp địa phương, bệnh DTLCP đang có chiều hướng lây lan nhanh và ở phạm vi rộng. Triệu Phong là địa phương thứ 5 của tỉnh Quảng Trị xuất hiện các ổ DTLCP, sau các huyện Hải Lăng, Gio Linh, TP Đông Hà và huyện miền núi Hướng Hóa. Tính đến ngày 11-6, bệnh dịch này đã xảy ra ở 172 hộ, 46 thôn, 24 xã, phường của các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong và TP Đông Hà, với tổng số 1.152 con lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy, với tổng trọng lượng tiêu hủy 51.468kg.

Cùng ngày, UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam đã công bố bệnh DTLCP trên địa bàn. Vùng có DTLCP được xác định tại thị trấn Thạnh Mỹ và xã Tà Bhing, với 20 con lợn bị nhiễm bệnh. Trong thời gian có dịch, UBND huyện Nam Giang yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ lợn tại 2 địa phương này; đồng thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêu hủy theo quy định toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết tại vùng dịch; tổ chức chốt chặn, kiểm tra liên ngành về việc giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn tại vùng dịch, vùng uy hiếp theo quy định. Tính đến nay, Nam Giang là địa phương thứ 13 của tỉnh Quảng Nam xuất hiện DTLCP.

Thanh Bình - Ngọc Thi

Văn Thành
.
.
.