Các nhà khoa học đưa ra ra nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai

Thứ Năm, 22/11/2018, 16:38
Tại diễn đàn “Khoa học công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 22-11, nhiều nhà KH tên tuổi của Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Nguyên-Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng …đã chia sẻ những giải pháp phòng chống thiên tai hữu ích. 


Tại diễn đàn, GS. TS. Nguyễn Đình Công -Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẳng định: “Ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, đòi hỏi nghiên cứu toàn diện, khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và vận dụng kinh nghiệm của thế giới. Diễn đàn này là cơ hội để các nhà KH chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và khuyến cáo các cấp quản lý về các giải pháp hiệu quả để ứng phó với thiên tai.”

GS. TS. Nguyễn Đình Công 

Năm nào, Việt Nam cũng phải hứng chịu những trận thiên tai tàn khốc càn quét, có trận lũ quét cuốn cả bản vào dòng lũ xoáy, nhiều gia đình bị xóa sổ, tang thương không nói hết. Đặc biệt, năm 2017 thiên tai dồn dập và xuất hiện nhiều kỷ lục các loại thiên tai như rét hại, nắng nóng, mưa lũ, bão quét vv… Đó là lý do các nhà KH tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp KH&CN trong phòng tránh thiên tai.

Đặc biệt, nhiều kết quả nghiên cứu KH đã được ứng dụng trong công tác cảnh báo sớm và ứng phó với thiên tai. Các nhà KH của Viện Vật lý địa cầu đã ứng dụng kiến thức chuyên môn để phát hiện và cảnh báo kịp thời các trận động đất và sóng thần có khả năng gây thiệt hại ở lãnh thổ Việt Nam, đồng thời, mô phỏng hàng trăm kịch bản sóng thần phát sinh trên biển Đông, phục vụ công tác cảnh báo sóng thần; tư vấn cho Chính phủ về công tác cảnh báo thiên tai. Hơn 10 năm qua, Viện đã phát hiện và cảnh báo 370 trận động đất, góp phần quan trọng trong phòng chống và ứng phó thiên tai ở Việt Nam.

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu chủ trì hoạt động quan trọng này

TS. Hoàng Thanh Sơn (Viện Địa lý) đã nghiên cứu ra bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định trong kiểm soát thiên tai (DSS) cho lưu vực Vu Gia-Thu Bồn, được dự dùng để trợ giúp các cấp trong vấn đề quy hoạch về sử dụng nguồn nước, phòng chống và giảm thiểu tác động của thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Đây cũng là nền tảng để các nghiên cứu sau này tập trung tiếp tục cải thiện độ chính xác của các mô hình khí tượng thủy văn, thủy lực và các loại hình thiên tai.

Từ những khó khăn trong hoạt động cứu nạn khi thảm họa xảy ra, nhất là thiết bị giả lập BTS của nước ngoài rất đắt, trong khi các giải pháp công nghệ lại bí mật hoàn toàn, PGS.TS.Nguyễn Huy Hoàng (Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã nghiên cứu xây dựng hệ thống giả lập BTS phục vụ tìm kiếm, cứu nạn bằng nguồn vật tư có sẵn trên thị trường.

 Kết quả thử nghiệm đã khẳng định thiết bị của Việt Nam có đầy đủ tính năng như yêu cầu của trạm lập giả BTS, có thể phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn.  Việc nghiên cứu công nghệ mới để tự chủ chế tạo thiết bị giả lập trạm BTS trong nước nhằm đáp ứng các mục tiêu an ninh-quốc phòng và sử dụng trong tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam có giá trị quan trọng.

Các nhà KH và nhà quản lý trao đổi các giải pháp ứng phó với thiên tai

Các nhà KH của Viện địa chất và Địa vật lý biển đã sử dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu lũ lụt và mang lại kết quả trong việc cảnh báo phạm vi và mức độ ngập lụt tại mọi thời điểm với mọi mức ngập khác nhau. Đây là một công cụ hỗ trợ việc ra quyết định một cách nhanh chóng, giúp các nhà quản lý có những hành động kịp thời để hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Tại buổi trao đổi giữa nhà khoa học - nhà quản lý do GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu chủ trì sau diễn đàn, các nhà KH cũng cho rằng: Dù không dự báo được động đất nhưng việc đưa tin phải kịp thời để chính quyền và nhân dân biết được. 

“Truyền thông trong cảnh báo thiên tai rất quan trọng, cả báo chí chính thống lẫn mạng xã hội.” – đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định.

Ông Đinh Văn Mạnh - Viện trưởng Viện cơ học cho rằng, muốn cảnh báo sạt lở đất, lũ quét, phải dự báo mưa. Nhưng dự báo hiện không đủ cung cấp thông tin cho cảnh báo.

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đánh giá cao những giải pháp hữu ích cho công tác ứng phó thiên tai tại diễn đàn, đồng thời lưu ý phải có cái nhìn tổng thể và hành động mang tính chiến lược với hoạt động này. Việc cảnh báo, đặc biệt là cảnh báo sớm và chính xác khu vực, thời gian xảy ra thiên tai là vô cùng quan trọng, để tránh cách làm hiện nay là "chạy theo", khi xảy ra rồi mới bắt đầu phòng chống, thì đã muộn. 

Đại diện BTC diễn đàn, TS. Vũ Thị Thu Lan – Phó Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết ý kiến của các nhà KH tại diễn đàn sẽ được đệ trình lên các cơ quan có thẩm quyền trong việc tham mưu và xây dựng chiến lược cho công tác ứng phó thiên tai tại Việt Nam.


Thanh Hằng
.
.
.