Cá nóc xuất hiện nhiều bất thường, cắn phá ngư lưới cụ ngư dân

Thứ Bảy, 19/08/2017, 08:28
Tình trạng cá nóc xuất hiện dày đặc trên vùng biển Thừa Thiên- Huế đã khiến ngư dân các xã ven biển tại địa phương này lo lắng, do cá nóc cắn phá ngư lưới cụ, làm giảm năng suất đánh bắt hải sản của ngư dân…

Vừa trở về sau chuyến câu cá hố, ngư dân Nguyễn Văn Mười (40 tuổi, trú thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) không giấu được sự thất vọng. Ông Mười cho biết: “Hôm nay tàu của tôi có 7 lao động ra khơi làm nghề nhưng vừa bủa câu xuống biển thì cá nóc xuất hiện dày đặc, đớp lấy mồi câu và cắn đứt lưỡi câu lẫn chì. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, tàu của tui bị cá nóc cắn đứt cả trăm lưỡi câu nên tui và bạn thuyền phải cho tàu chạy qua hướng khác, nhưng cũng bị tình trạng tương tự nên đành nổ máy vào bờ để tránh thiệt hại nặng”.

Ngư lưới cụ của ngư dân thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị cá nóc cắn phá gây thiệt hại nặng.

Gần 20 năm làm nghề câu các loại hải sản trên biển, ông Mười hiểu rất rõ mùa nào câu được mực lớn, mùa nào câu cá hố, cá ngừ đại dương. Tuy nhiên theo lời ông Mười thì đây là lần đầu tiên ông thấy cá nóc xuất hiện nhiều như thế, nhất là trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến nay.

Ngư dân Trần Văn Thơ (42 tuổi, bạn thuyền ông Mười) cho biết thêm: “Trên vùng biển Thừa Thiên-Huế xuất hiện từng đàn cá nóc nghệ, nóc thu to bằng cổ tay người, chỉ cần thả mồi câu xuống là cá đớp sạch ngay. Nếu lúc trước mỗi chuyến đi câu, ngư dân chúng tôi còn thu được ít vốn sau khi bán hải sản thì nay không đủ tiền xăng dầu. Thậm chí chuyến biển vừa rồi phải bỏ thêm gần 30 triệu đồng để mua lưỡi câu, cước và huy động nhân công làm nhiều ngày mới khôi phục lại toàn bộ số câu bị hư hỏng do cá nóc cắn”.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, thị trấn có gần 400 tàu thuyền từ 20CV đến gần 1.000CV, với hơn 1.700 lao động, trong đó có 50% số tàu thuyền và ngư dân hành nghề lưới vây và câu chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng cá nóc xuất hiện dày đặc trên biển.

“Nếu 1 tàu đánh bắt được 10 tấn hải sản như cá nục, cá trích, cá hố... thì trong đó có gần 1 tấn cá nóc. Cá nóc cắn phá ngư lưới cụ khiến nhiều tàu thiệt hại vài chục triệu đồng sau mỗi chuyến đi biển. Tình hình này kéo dài nhiều tháng qua khiến cho sản lượng khai thác thủy sản của địa phương năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước”, ông Đủ khẳng định.

Ngoài ngư dân thị trấn Thuận An, ngư dân các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, huyện Phú Vang và một số xã biển thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Lộc của Thừa Thiên- Huế cùng chung cảnh khốn đốn tương tự do cá nóc gây ra.

Các ngư dân bày tỏ lo lắng bởi không biết nguyên nhân vì sao năm nay cá nóc xuất hiện nhiều như thế. Đặc biệt, nhiều ngư dân tại xã Phú Thuận chuyên đánh bắt trung bờ với nghề vây rút chì bị thiệt hại nặng nề sau mỗi chuyến ra khơi nên hiện nhiều hộ dân buộc phải “nằm bờ”.

“Cá nóc thường xuất hiện vào mùa biển tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Tuy nhiên có thể năm nay do thay đổi khí hậu, thời tiết nên cá nóc xuất hiện nhiều với thời gian kéo dài. Sau khi chúng tôi bủa lưới, cá nóc vào lưới rồi cắn phá liên tục, đến khi mình kéo lưới lên thì lưới đã thủng một lỗ rất lớn, thế là bao nhiêu hải sản cũng theo lỗ này tuồn lại ra biển nên việc đánh bắt không hiệu quả...”, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Tân An, xã Phú Thuận trình bày trong lo lắng.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế khẳng định, cá nóc xuất hiện nhiều trên vùng biển địa phương là hiện tượng tự nhiên bất thường. Hiện Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân.

Được biết, cá nóc sống ở tầng đáy, sát đáy biển, hoặc vùng cửa sông, nước lợ có thân dài từ 4 đến 40cm, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Độc tố cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tập trung cao nhất ở gan và trứng, độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản.

Trước tình trạng cá nóc xuất hiện nhiều trên vùng biển, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên- Huế khuyến cáo người dân không được chế biến, sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới mọi hình thức để tránh các trường hợp ngộ độc, tử vong đáng tiếc xảy ra.

Anh Khoa
.
.
.