Cả làng khóc vì... rắn

Thứ Tư, 02/03/2016, 21:27
Được xem là xứ sở nuôi rắn có tiếng nhưng từ năm ngoái trở lại đây, người dân thôn Tứ Xã, Lâm Thao (Phú Thọ) lâm vào tình trạng khốn đốn vì thương lái Trung Quốc mua ít mà giá thành giảm, chỉ còn được 1/3 so với hai năm trước.


Từ nhiều năm gần đây, xã Tứ Xã đã nổi tiếng với thương hiệu làng nghề rắn và nhanh chóng “phất” lên từ nghề “tử thần” này. Những ngôi nhà tầng đua nhau mọc lên, khang trang rộng rãi nhờ truyền kinh nghiệm nuôi rắn cho nhau. 

Tuy nhiên, do giá rắn rớt thê thảm nên ở xã Tứ Xã hiện tại không còn nhiều hộ nuôi rắn. Những nhà chuồng được dựng cũng dần đập bỏ, chỉ một vài gia đình quyết bám trụ với nghề để mong mỏi ngày thời hoàng kim sẽ trở lại.

Ông Nguyễn Văn Huyến đang bắt những con rắn hổ mang còn lại trong chuồng.
Những con rắn có cân nặng khoảng 1,6kg vẫn được ông Huyến nuôi để hy vọng có ngày thương lái tới mua.

Vào ngôi nhà nuôi rắn của gia đình ông Nguyễn Văn Huyến ở Khu 12, ông cho biết, từ năm 2014 thương lái bắt đầu ít mua rắn, giá tụt giảm nhưng vẫn ở mức không lỗ tuy nhiên cũng từ đó, các đầu mối mua ngày một kém và bị ép giá thành. Nếu như ở thời điểm cao nhất của các năm trước, giá rắn hổ mang phì lên tới 1,2 triệu/ kg, bây giờ chỉ còn 350.000 - 400.000/kg nhưng cũng khá ế ẩm.

Lâu rồi người dân không còn phải đi bắt, mua gom cóc nhái làm thức ăn cho rắn, thay vào đó là thịt gà thải loại (khoảng 30.000 đồng/kg). Ông Huyến cho hay, với mỗi con rắn từ lúc mới mua về khoảng 0,5kg, để nuôi tới 2kg/con cần tới 7 – 8kg gà, vịt thải loại. Mặc dù, thức ăn cho rắn có giảm so với trước nhưng giá mua rắn con cùng công chăm sóc , bán ra vẫn không đủ vốn thậm chí còn phải bù lỗ.

“Mua rắn con để nuôi là 600.000/ kg, cộng tiền thức ăn hàng ngày, chăm sóc, thuốc thang mà khi bán ra, loại cao nhất cũng chỉ được 400.000/ kg. Đến mức này nếu không chịu được cảnh thua lỗ triền miên thì chúng tôi phải đập bỏ chuồng thôi” - ông Huyến buồn bã nói.

Trong đợt vừa qua, gia đình ông Huyến chỉ nuôi hơn 500 con trong tổng số 1.000 chuồng rắn. Ông cho biết, với giá trung bình là 380.000/ kg, gia đình ông coi như không có lãi. Dù mất giá và không có nhiều người mua nhưng ông vẫn duy trì công việc này vì hi vọng giá rắn sẽ tăng lên chút ít để kiếm thêm vài đồng.

Anh Khổng Đức Hạnh vẫn phải bám trụ với nghề dù nhiều gia đình đã bỏ chuồng.
Chuồng rắn bị “bỏ quên”, không được chăm chút như trước.

Cũng như nhiều nhà dân ở Tứ Xã, anh Khổng Đức Hạnh ở Khu 6 cho biết, dù biết lỗ nhưng anh vẫn quyết theo nghề truyền thống. “Duy trì tới đâu hay tới đấy, có khi vài tháng nữa, thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt như dạo trước thì sao” anh Hạnh lạc quan.

Được biết, nguyên nhân rắn tụt giá và không có người thu mua là do phía Trung Quốc không tiêu thụ hàng mạnh như trước. Ông Nguyễn Quang Trúc, chủ tịch Hội làng nghề nuôi rắn Tứ Xã cho hay, hầu hết rắn được tiêu thụ ở Trung Quốc, còn các nhà hàng Việt rất ít hoặc chỉ trên số lượng đầu bàn tay vì giá thành cũng khá cao với khách hàng bình dân.

Ông Trúc nói: “Ngày trước giá cao thì mọi người ồ ạt nuôi, phất lên nhiều, vay mượn hàng trăm triệu để xây chuồng, đầu tư nuôi rắn, nhưng bây giờ thương lái không mua, trong làng cũng không biết tìm đầu ra ở đâu nên đành chuyển nghề thôi”.

Được biết, các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở huyện Lâm Thao đã có nhiều lần họp bàn tìm ra hướng đi mới cho người dân nuôi rắn làng Tứ Xã nhưng chưa tìm thấy đầu ra hiệu quả. Chính vì vậy, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn đang hàng ngày khóc ròng vì… rắn!

Đoàn Huyền – Đặng Huyền
.
.
.