Xuân này Thiềng Liềng không còn cô đơn

Thứ Hai, 30/01/2017, 15:53
Nói tới địa danh Thiềng Liềng, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh chẳng biết ở đâu, càng không nghĩ rằng nó là một địa điểm thuộc TP Hồ Chí Minh...


Hiện trên địa bàn Thạnh An và Thiềng Liềng đã có 9 hộ nuôi tôm trên ruộng muối. Trong đó có 6 hộ đã thu  hoạch trên diện tích 4ha, sản lượng đạt khoảng 26 tấn, 3 hộ còn lại thả nuôi thí điểm tôm thẻ chân trắng; còn có khoảng 300 hộ nuôi hàu; có 10 hộ nuôi thí điểm cua tại ấp Thiềng Liềng đã thu hoạch đạt sản lượng trên 1 tấn. Ngoài ra còn có 7 hộ nuôi cá lòng bè (cá Bóp), với số lượng khoảng 10.000 con, có 4 hộ đã thu hoạch ước đạt 20 tấn.

Nói tới địa danh Thiềng Liềng, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh chẳng biết ở đâu, càng không nghĩ rằng nó là một địa điểm thuộc TP Hồ Chí Minh. Dẻo đất ở vùng "xa lắc”được gọi là “đảo ở trong đảo”, nơi càng nắng cháy da, gió càng bạt hơi thì người dân càng vui, nơi những giọt mồ hôi lăn dài còn mặn hơn những tinh thể muối tinh khiết do họ tạo ra. 

Xuân này ấp đảo Thiềng Liềng và xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đang vui hơn, vùng đất này đang thay da đổi thịt, đang “gần hơn” và không còn mặc cảm “cô đơn”giữa trùng khơi.

Có một Sài Gòn như thế!...

Sài Gòn có biển, điều này nhiều người biết. Sài Gòn có đảo, ít người biết; và Sài Gòn có đảo ở trong đảo thì rất ít người biết.

Thương hiệu muối Thiềng Liềng giờ đây ngày càng có uy tín hơn với việc áp dụng SX muối sạch trên bạt.

Xã đảo Thạnh An nằm kẹp giữa hai cửa sông Lòng Tàu và sông Thị Vải, hướng ra Vịnh Gành Rái. Ấp Thiềng Liềng là một bán đảo mà phần tiếp giáp với đất liền của nó là một màu xanh đậm của "khu dự trữ sinh quyển” thế giới.

Vậy nên đến với Thiềng Liềng theo hệ thống giao thông chính thức nối Thiềng Liềng với phần còn lại của thành phố chỉ có một cách đi đò từ bến đò Cần Thạnh sang xã đảo Thạnh An, sau đó nối chuyến, đi đò tiếp mới sang tới Thiềng Liềng.

Hai chuyến đò mất 90 phút với 10.000 đồng cho mỗi chuyến. Do vậy, tính tổng thời gian từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đến với Thiềng Liềng, thuận lợi đến phà gặp phà (Bình Khánh), đến đò gặp đò thì nhanh nhất cũng mất hơn 4 giờ đồng hồ. Ấp Thiềng Liềng tập trung khoảng 200 hộ chủ yếu sống bám vào nghề làm muối.

Nhưng làm muối "ăn" theo tiết trời, thuận thì hoạt động được trong 6 tháng. Bình quân thu nhập một ngày của mỗi lao động nghề muối ở đây, dù phải "vật lộn" với cái nắng gay gắt, cũng chưa được tới 100 ngàn đồng. Nhưng với dân ấp, niềm vui lớn nhất vẫn là được sử dụng điện và nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.

Năm 2011, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã lắp đặt hơn 80 tấm pin năng lượng mặt trời đủ để cung cấp điện cho các hộ dân và các cơ quan trong xã. Tuy nhiên, phải từ tháng 4-2016, khi đã có  điện quốc gia, đời sống của người dân mới được cải thiện hẳn, trước hết là nhu cầu xóa mù thông tin, trẻ em không còn phải chịu cảnh học cái chữ dưới ánh đèn dầu leo lét.

Hiện, ở ấp nay đã duy trì được một phòng vi tính để các em học sinh và người dân được tiếp xúc với công nghệ thông tin và internet (thông qua 3G). Khó khăn nên ở ấp chỉ có một trường mẫu giáo và một cơ sở tiểu học. Nhiều học sinh vẫn phải "vượt biển" vào Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh học. Nhưng các em đều được miễn tiền học phí, được hỗ trợ tiền đò hàng năm, song việc phải ngồi thuyền hàng giờ trên biển, với chi phí đi lại, ăn ở trở thành nỗi vất vả khi đi học.

Chuyến thăm của bất ngờ của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tới với xã đảo Thạnh An vào tháng 4-2016 đã mang tới thêm một nguồn sáng. Đó là xúc động trước cảnh học sinh Thạnh An và Thiềng Liềng cứ phải dậy từ 4-5h sáng để kịp đò đi học, để chấm dứt tình trạng này, Bí thư đã chỉ đạo phải nhanh chóng xây dựng trường cấp III trên đảo Thạnh An.

Và đầu năm học mới 2016-2017, khối học đầu tiên của hệ THPT, thuộc Phân hiệu trường cấp III-Cần Thạnh đã ra đời, được bố trí học tạm tại THCS Thạnh An với 8 lớp 10, trong khi chờ đợi ngôi trường cấp III chính thức đang thi công.

Nguồn thực phẩm cho ấp thiềng Liềng cũng thật đặc biệt. Toàn ấp chỉ trông vào một chiếc ghe chở rau củ, thịt cá từ Thạnh An ra. Chợ ấp chỉ họp từ 5-6h sáng. Do vậy, thực phẩm vẫn rất khan hiếm. Những khi biển động, cứ cá khô và rau vườn nhà có gì ăn nấy.

Buổi tối đầu tiên khi ở đảo, chúng tôi được mời tá túc tại nhà anh Trưởng ấp Nguyễn Văn Yến. Bữa cơm dọn ra, chị Loan - vợ anh Yến nói: "Mình ăn cực chút nghe! Sáng chưa kịp đi chợ". Bữa cơm chỉ có tô canh rau ngót. Đĩa trứng vịt chiên hành lá nhỏ xinh. Song tình người nơi ấy ngọt như tô canh rau ngót nấu với con ruốc Thiềng Liềng mà chúng tôi được chị mời vậy!

Có chiếc giường thì nhường cho khách nằm ngủ, chị còn tận tay mắc chiếc mùng cho chúng tôi ngủ ngon giấc, tránh muỗi. Chị bảo: "Đây là chiếc mùng cưới của anh chị. Giữ tới tận giờ này…".

Bước ngoặt để ấp nghèo đi lên

Các hộ dân có mặt tại Thiềng Liềng chủ yếu từ miền Tây tới “định cư” vào năm 1973. Đa số làm nghề đánh bắt cá và làm muối. Với những kinh nghiệm truyền thống, họ đã nhìn thấy những điều kiện đặc biệt phù hợp với nghề muối của vùng đất này.

Đó là độ mặn của nước biển, ánh nắng gắt, quanh năm lộng gió và cứ thế, nghề muối truyền thống đã tạo nên một vùng dân cư với "thương hiệu" muối Thiềng Liềng có tiếng. Thế nhưng điệp khúc được mùa-mất giá cứ làm những giọt mồ hôi đổ xuống ruộng muối thêm mặn chát.

Nhưng gần đây, mô hình muối truyền thống trên nền đất được Hội Khuyến nông của địa phương hướng dẫn, bà con đang thay thế dần bằng mô hình làm muối sạch trên bạt cho năng suất cao hơn lại có tia hy vọng cho một đầu ra ổn định. Theo như ông Huỳnh Anh Tuấn - Chủ tịch xã Thạnh An, năm 2016, UBND xã đã phối hợp với Chi cục PTNT hỗ trợ cho bà con, và cấp phát 8.400m2 bạt nhựa cho các hộ trong địa bàn làm muối sạch.

Nuôi tôm trên chính cánh đồng muối. Ấp đảo Thiềng Liềng đang tự thay đổi thân phận, đi lên bằng những sáng tạo trong sản xuất.

Sản lượng muối tại đây đã đạt 30.000 tấn (bình quân 75 tấn/ha). Trong đó sản lượng muối bạt đạt khoảng 6.100 tấn. Ngoài ra, một thỏa thuận bao tiêu sản phẩm đã được ký kết giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam với HTX Nông nghiệp dịch vụ muối Thiềng Liềng đã giúp bà con bán được 18.914 tấn muối, giá bán từ 500-520đ/kg, sản lượng muối tồn kho hiện chỉ còn 2.277 tấn. Kế hoạch hỗ trợ cho Diêm dân sẽ tiếp tục được thực hiện.

Cái ấp Thiềng Liềng vốn im lìm quạnh quẽ giờ vui hẳn với tiếng máy chạy sản xuất, tiếng tivi, cả karaoke nữa. Có một tin sốt dẻo ngay khi chúng tôi tới đây, ấy là có hộ dân vừa trúng cả 1 tỉ đồng/vụ nuôi tôm. Tôm được làm ngay trên chính ruộng muối mới “oách”. Ông Nguyễn Hồng Huỳnh, Bí thư Chi bộ ấp phấn khởi khoe: “Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Đổi đó".

Chia sẻ về thành tích này, ông Đổi nói: "Tranh thủ 6 tháng mùa mưa, ruộng muối bỏ không, chúng tôi phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ngay trên ruộng muối. Vụ tôm năm nay thí điểm nhưng tôi đã thu được 6 tấn tôm thẻ. Bỏ mối cho chợ Bình Điền với giá 120 triệu đồng/tấn.

Cả vốn, công, hết chừng 350 tới 450 triệu đồng. Thu lại được 720 triệu đồng/vụ tôm". Ông cho biết thêm: "Có điện về lại giảm khói bụi ô nhiễm do không phải dùng máy chạy bằng dầu. Dùng mô tơ điện chạy máy. Làm 1 tấn muối trước kia tốn cả 7 triệu tiền dầu, bây giờ chỉ tốn chừng 3 triệu".

Có ánh sáng điện là một sự kiện đặc biệt, ghi nhận khoảnh khách Thiềng Liềng thực sự bừng sáng. Để có được khoảnh khắc này, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư số vốn trị giá 51 tỷ. Nếu chia đều cho 200 hộ dân và khoảng 1.000 nhân khẩu ở Thiềng Liềng thì con số đầu tư trung bình sẽ vào khoảng 255 triệu/hộ dân.

Nguồn chính sách lớn lao này khiến người dân nơi đây đang cảm thấy ấm lòng, xúc động. Xoá dần đi cái cảm giác chạnh lòng về một vùng "ốc đảo", hay “vùng sâu, vùng xa". Nhịp sống nơi đây đang thực sự gần hơn với trung tâm thành phố, bởi hệ thống giao thông đang ngày một cải thiện. Các tuyến đường xuống cấp được duy tu; các phương tiện đò khách vận chuyển tăng hơn, những kế hoạch thi công nạo vét luồng lạch tại Thiềng Liềng, khiến tàu thuyền đi lại thuận lợi hơn. Mọi cầu an sinh được đáp ứng. Xuân này Thiềng Liềng từ xuân này không còn cô đơn...

Huyền Nga
.
.
.