Trọn cuộc đời với dân ca Tây Nguyên

Chủ Nhật, 29/01/2017, 11:12
Chị còn sống là còn hết mình với tình yêu, với dân ca Tây Nguyên. Hạnh phúc nghèo bên bờ tre, khe suối, mái nhà sàn đơn sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên... nhưng dễ có mấy ai sánh được với cuộc đời thật lãng mạn của chị. Chị là nghệ sĩ H’Ben, người con yêu thương của buôn làng Tây Nguyên...


Biết tuổi chị ngày một càng cao, phải lo toan việc chăm nuôi hai người đàn ông bệnh tật nên hầu như năm nào có dịp tôi cũng ghé về thăm chị. Gần đây, chúng tôi đến thăm chị cùng gia đình trong mái nhà nghèo ở vùng ven huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Nhà có 3 người, dù chị tuổi cao sức yếu nhưng hàng ngày còn phải gánh gồng 2 người đàn ông bệnh tật là chồng và người con trai đặc biệt. Sở dĩ tôi cho “đặc biệt”, bởi người con trai dị tật ấy là sự gắn bó giữa cuộc đời nghệ sĩ H’Ben với anh hùng Đinh Núp.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo CAND thăm H’Ben và người con trai tật nguyền.

Thuở xưa, khi làng Đe Dơng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai còn có nhiều cây rừng và hoa rừng đẹp lắm, nước sông Ba cũng réo rắc vút cao trong vẻ đẹp tự nhiên của nó. H’Ben sinh ra và lớn lên ở buôn làng Tây Nguyên này nhưng lại thấm nỗi đau bởi chiến tranh xâm chiếm của giặc Pháp.

Chị không cầm được nước mắt khi mỗi ngày thấy thêm một người dân của làng mình bị giặc Pháp bắn giết, hoặc bắt đi làm phu, bỏ xác ở bãi tha ma. Tuy chưa tròn 12 tuổi nhưng khi nghe lời cán bộ ở đồng bằng lên Tây Nguyên vận động dân làng theo cách mạng đánh Pháp thì cô bé H’Ben tự so thân mình vào cột nhà, thấy mình đã lớn nên xin cha mẹ lên đường theo bộ đội.

Đêm đầu tiên lên rừng, H’Ben gùi theo hai bao thóc tiếp sức cho bộ đội đánh Pháp. Hết tải lương thực, H’Ben tập vót chông, đêm biểu diễn văn nghệ… Như có năng khiếu của trời cho nên càng lớn giọng hát H’Ben thanh trong như tiếng suối reo, ngân vang bất tận cùng núi rừng Tây Nguyên theo bước chân bộ đội. Đêm đêm, ngày ngày theo bộ đội, H’Ben hát hay, múa dẻo.

Thấy năng khiếu bẩm sinh của cô bé Bah Nar cần được nuôi dưỡng, phát huy nên năm 1955, H’Ben được cấp trên đưa ra miền Bắc vừa làm công tác văn công vừa học văn hóa. Hai năm sau (1957), H’Ben là một trong những học sinh tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được dự Đại hội Thanh niên thế giới tại Moskva (Nga).

Sau lần đi Nga trở về, H’Ben ghi nhớ sâu sắc lời dạy của Bác Hồ khi đến thăm và căn dặn: “Các cháu phải cố gắng học tập thật tốt để sau này giúp ích cho quê hương đất nước”. Khắc ghi lời Bác, H’Ben càng học giỏi, càng hát hay. Tiếng hát trong veo như tiếng suối reo của H’Ben đã vượt bao đại dương đến với các nước bạn Đông Âu, Đông Á…

Rồi tiếng hát ấy lại mang cả hơi ấm nồng nàn, ấm áp của núi rừng Tây Nguyên ăn sâu vào lòng người anh hùng Đinh Núp trong những năm tháng công tác, học tập ở miền Bắc. Đó cũng là khoảng thời gian 1958, khi vợ đầu của anh hùng Đinh Núp, chị H’Liêu đã mất ở quê.

Theo phong tục Bah Nar, người em gái của H’Liêu là Chrơ sẽ kế thiếp, làm vợ anh hùng Đinh Núp thay chị đã mất. Nhưng do chiến tranh cách trở, lúc này bặt tin Chrơ ở làng nên Đinh Núp cưới H’Ben làm vợ.

Tình duyên của đôi trai tài gái sắc mặn nồng hơn 6 năm chung sống hạnh phúc ở miền Bắc, anh hùng Đinh Núp và nghệ sĩ H’Ben đã có với nhau một người con trai đặt tên là Đinh Trung Kiên. Nhưng không may, cậu con trai này đã bị bại liệt từ nhỏ và đã theo mẹ H’Ben cho đến tận bây giờ. Mỗi lần đến thăm, tôi thấy anh rất vui, nói chuyện tươi tỉnh nhưng giọng cứ lơ lớ không tròn tiếng, mẹ H’Ben phải dịch ý mới hiểu...

H’Ben có cái lạ là không muốn làm phiền ai. Dường như chị sống trên cuộc đời này là để cho chứ không cần được nhận. Cũng vì lẽ ấy mà khi hay tin người em gái của vợ đầu anh hùng Đinh Núp là Chrơ còn sống ở làng thì H’Ben đã tình nguyện nhường hạnh phúc của mình với anh hùng Đinh Núp lại cho Chrơ.

Rồi mãi đến năm 1964, một mối tình thầm lặng khác giữa H’Ben, người học trò cá tính, có giọng hát trong veo như tiếng suối reo đã bay bỏng thật nhẹ nhàng với một chàng trai “rin” Hà Nội. Đó chính là người thầy dạy kiến thức văn hóa cho H’Ben, cũng là người chơi đàn violon tài hoa mang tên Lê Đức Thịnh.

Tuy H’Ben lớn hơn Thịnh 2 tuổi, gái đã qua một đời chồng, có con đèo bồng, nhưng người con gái Bah Nar ấy của núi rừng Tây Nguyên đã “qua mặt” cả cô nữ sinh xinh đẹp của Trường Trưng Vương (Hà Nội) đã đem lòng yêu anh Thịnh. Để rồi H’Ben đã lọt vào “đôi mắt xanh” của chàng trai Hà Nội thật lãng mạn này.

Tình yêu như một lẽ tự nhiên, mặc cho gia đình bố mẹ Thịnh ngăn cản, hai người đã đến với nhau không thể tách rời. H’Ben nhớ nhất là có lần anh Thịnh lấy trộm bộ quần áo của bố mình đem cho chị mặc giả bạn trai để được đi chơi cùng, khỏi bị gia đình phát hiện.

Rồi anh Thịnh chọn đúng ngày mùng một Tết (năm 1964) để thưa với bố mẹ xin cưới H’Ben. Hai người nghĩ rằng, chọn mùng một Tết đầu năm để bố mẹ không nỡ lòng quát mắng con cái mình, nhưng chuyện vẫn không thành. Bố mẹ anh Thịnh vẫn ngăn cản nên chàng trai “si tình” đã quyết tâm lặng lẽ khăn gói rời nhà lên Hà Bắc tìm H’Ben trong ngày mùng một Tết năm ấy.

H’Ben ngỡ ngàng khi thấy anh Thịnh không thể ăn Tết thiếu mình nên hai người ôm nhau trong nước mắt hạnh phúc. Hai người xin phép cơ quan được kết hôn và nhận món quà 4 mét vải thưa cùng hai gói chè “Hồng Đào”.

Trọn cuộc đời nghệ sĩ H’Ben gắn với câu dân ca Tây Nguyên.

Sau những năm tháng sống chung ở miền Bắc hạnh phúc, khi H’Ben vào Nam, anh Thịnh cũng theo vợ lên Tây Nguyên đến giờ. Sau khi nghỉ hưu, rời phố núi Pleiku về tận quê nghèo ở Kông Chro để sống nhẹ nhàng với buôn làng.

Thường ngày, hai vợ chồng H’Ben vui với con suối, bờ tre... Đã hơn chục năm nay, anh Thịnh bị tai biến nằm một chỗ, chị H’Ben một tay lo cho chồng, một tay lo cho con trai tật nguyền. Hôm chúng tôi cùng Thiếu tướng Phạm Văn Miên đến thăm gia đình, chị đã rưng rưng cảm xúc. Chị kể, dù nghèo vật chất nhưng lòng mình thì không nghèo. Khi có việc cần sớm hôm, cán bộ chiến sĩ của Công an huyện Kông Chro đến giúp chị.

Dù nghèo nhưng trong căn nhà nhỏ của chị luôn đầy khúc dân ca Tây Nguyên. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị H’Ben về Tây Nguyên rồi đi dạy ở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên. Ngày đến lớp tối về chị giành thời gian chép nhặt dân ca Tây Nguyên. Rồi mỗi khi đi công tác hay về làng, bất cứ làm gì, lúc nào H’Ben cũng nghĩ đến việc sưu tầm dân ca Tây Nguyên để lưu giữ cho đời sau.

Hàng chục năm chị cùng chồng lẽo đẻo trên chiếc xe cà tàng lặn lội khắp núi rừng Tây Nguyên để sưu tầm những bản dân ca BaNa, Jơ Rai, Xê Đăng… còn sót lại trong dân gian. Sau khi “nhặt” dân ca về chị dịch, tu sửa cho hoàn chỉnh rồi chồng đàn, vợ hát với nhau nghe. Rồi H’Ben mang những bản dân ca ấy dạy cho học sinh của mình hát theo, cho in thành sách...

Và đến tận bây giờ chị đã bước sang cái tuổi 85 nhưng ngày ngày bên căn nhà sàn nhỏ bé nơi dòng sông Ba lãng mạn này, chị vẫn hát dân ca Tây Nguyên. Tiếng hát ấy của chị vẫn vút cao, bay xa trong veo, trong veo nhưng tiếng suối reo...

Thời gian trôi, cái tuổi xế chiều của cuộc đời đến nhanh như tía chớp, nhưng vợ chồng H’Ben cùng người con trai tật nguyền vẫn lặng lẽ sống âm thầm trong tình yêu đẹp có một không hai. “Hạnh phúc là được thả hồn mình bên dòng sông Ba thơ mộng với tình yêu, được “tắm” đời mình trong câu dân ca Tây Nguyên”, chị H’Ben chia sẻ.

Đặng Ngọc Như
.
.
.