Bốc bánh phở bằng tay và dạy thêm sai quy định sẽ bị phạt tiền

Thứ Năm, 04/10/2018, 08:13
Thông tin đáng chú ý đầu tháng 10 liên quan trực tiếp đến việc ăn và học. Đó là quy định trong việc xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực an toàn thực phẩm và giáo dục, trong đó có quy định rất chi tiết về hành vi vi phạm cũng như mức xử phạt, ví như việc bốc bánh phở bằng tay có mức phạt tối đa 1 triệu đồng, dạy thêm sai quy định 15.000.000 đồng.

Lâu nay, việc bốc thức ăn bằng tay của các bà chủ quán phở, bún, bánh đa… là “chuyện thường ngày ở huyện” và cũng quá quen thuộc với thực khách. Như tôi đây chẳng hạn, không ít lần đã nhìn như bị thôi miên vào đôi bàn tay trần điệu nghệ của bà chủ quán phở gà. Đôi bàn tay ấy nhanh thoăn thoắt chặt gà, thái thịt, bốc bánh, chần bánh,  rắc hành, tưới nước dùng và điều đặc biệt là khả năng “cân đo” chuẩn đến từng miligam.

Cũng với những đôi tay trần, người phục vụ nhanh nhẹn đón lấy bát phở đang nghi ngút khói và chuyển thật nhanh đến trước mặt thực khách. Tuần tự, chính xác, cái vòng tuần hoàn từ các khâu và hàng trăm bát phở mỗi buổi sáng được đưa đến cho khách. Khách đến, rồi khách đi, ai cũng ăn ngon lành mà tịnh không thấy một thắc mắc nào về việc thịt gà, rau thơm, bánh phở… được bốc bằng tay trần hay tay đeo găng.

Thế nên, việc Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó có quy định rất rõ, việc bốc thức ăn chín bằng tay sẽ bị xử phạt với mức phạt tối đa 1 triệu đồng khiến tôi nghĩ ngay đến hàng phở ruột của mình. Liệu rồi, sau ngày 20-10, khi Nghị định trên có hiệu lực, bà bán phở có đôi tay “thần kỳ” sẽ đeo găng khi bốc bánh, thái thịt? Hay khi đó, chính những thực khách đang ngồi trước bát phở bốc mùi thơm ngầy ngậy sẽ hỏi, phở này có được chế biến bằng những đôi tay đi găng không?

Nghị định 115/CP/2018/NĐ-CP quy định rất rõ về những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, từ thức ăn đường phố, sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm ngoại nhập… đến cả việc đậy thức ăn (hành vi không cách ly côn trùng, động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho chứa…).

Với thức ăn đường phố, Nghị định quy định, người bán không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay có mức phạt tối đa 1.000.000 đồng và thấp nhất 500.000 đồng. Được biết, đây không phải lần đầu tiên có quy định xử phạt đối với hành vi này, tuy nhiên, Nghị định lần này đã tăng mức phạt cao hơn (trước đây 300.000 đồng - 500.000 đồng). Như vậy, việc tôi trông ngóng đến ngày 20-10, khi Nghị định 115/2018/NĐ – CP có hiệu lực, bà bán phở gà ở quán ruột của mình sẽ sử dụng găng tay có vẻ như viển vông?!

Nghĩ như vậy nên khi đọc Nghị định này, ngoài chú ý đến các hành vi vi phạm và mức xử phạt, tôi rất lưu tâm đến thẩm quyền xử phạt. Tuỳ theo mức xử phạt, hành vi vi phạm, Nghị định quy định rất rõ thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND từ cấp xã/phường đến quận/ huyện, tỉnh/thành phố; Thanh tra; Hải quan, Bộ đội biên phòng; Công an… Chỉ “nghiên cứu” qua về thẩm quyền xử phạt cũng đủ thấy, cái chúng ta ăn hàng ngày liên quan đến rất nhiều cấp, ngành, lĩnh vực. Dù vậy, tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi, bà bán phở gà sẽ bị ai xử phạt nếu không đeo găng tay nhỉ? Tôi đem câu hỏi này ra hỏi bà, thì bà bảo, “đã bị phạt bao giờ đâu mà biết”!?

Chưa hết lăn tăn về việc bốc bánh phở bằng tay trần thì thông tin về quy định xử phạt thầy cô giáo dạy thêm sai quy định, giáo viên “mắng” học sinh được đưa ra trong dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tôi lại đứng ngồi không yên. Con tôi đang học lớp 8, hai năm nay cứ tuần một buổi lại đến nhà anh bạn đồng nghiệp có vợ là giáo viên dạy Văn ở một trường công lập học thêm.

Tôi cho con đi học thêm chẳng phải luyện thành tài năng văn học gì cả mà để củng cố thêm kiến thức nhằm đạt đến cái đích là thi đỗ vào lớp 10. Ai cũng biết, mấy năm nay kỳ thi vào THPT ở Hà Nội rất nóng bỏng, mức độ cạnh tranh và căng thẳng còn hơn cả thi đại học. Nếu thi trượt đại học thì còn có “cửa” khác là đi học nghề, đi làm, chứ thi trượt lớp 10 thì đi đâu!? Là phụ huynh chưa từng cho con đi học thêm ở cấp tiểu học, thế nhưng con vào lớp 7, rồi lớp 8, trước thông tin dồn dập về việc sẽ tổ hợp (thi 6 môn) vào năm 2018 - 2019, tôi vô cùng lo lắng.

Ngành giáo dục luôn nói giảm tải nhưng chương trình học rất nặng, kiến thức lại hàn lâm, thi thì số lượng môn lại tăng. Trước tình trạng tăng tải này, phụ huynh như tôi phải chủ động tìm giáo viên để cho con đi học thêm. Thế nhưng, dự thảo Nghị định này lại quy định, nếu giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng.

Tôi tự nhủ, nếu quy định này được thông qua thì tính khả thi sẽ thế nào nhỉ? Giá như chương trình học được giảm tải, việc thi cử ổn định thì đâu đến nỗi phụ huynh phải “tầm sư” cho con để rồi đẩy “sư” đứng trước nguy cơ bị xử phạt?!

Được ăn sạch, uống sạch là mong muốn của tất cả mọi người, chính vì thế những quy định liên quan đến “đầu vào” của cơ thể luôn được mọi người quan tâm. Vấn đề là làm thế nào để những quy định này đi vào đời sống. Với việc học cũng vậy, học sinh đáng được mỗi ngày đến trường là một ngày vui, phụ huynh thì an tâm gửi gắm tương lai của con vào nền giáo dục không mắc bệnh thành tích.

Cao Hồng
.
.
.