Bộ sưu tập bút kỷ lục châu Á của một bác sĩ

Chủ Nhật, 10/02/2019, 10:00
Sau nhiều lần thẩm định thực tế, ngày 6-5-2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục cho bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - người sở hữu bộ sưu tập bút viết với số lượng và chủng loại nhiều nhất...

Tiếp PV Báo CAND tại nhà riêng ở phố Quang Trung, phường Vạn Thắng, TP Nha Trang, chủ nhân bộ sưu tập hơn 2.500 cây bút là bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tâm sự: “Tôi sinh ra ở Thừa Thiên – Huế nhưng gia đình vào Nha Trang khi tôi 8 tuổi. 

Tốt nghiệp PTTH, tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 2 và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1978. Cuối năm đó tôi bị thương nhưng đến năm 1980 mới xuất ngũ rồi thi đậu Đại học Y Huế. 7 năm sau, tôi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Khánh, đến khi tỉnh Khánh Hòa tái lập do chia tách từ Phú Khánh, tôi được đào tạo sau đại học và làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho đến nay.

Trong chuyến tu nghiệp tại Bệnh viện Strauden ở Berlin – Cộng hòa Liên bang Đức năm 1995, tôi được Giáo sư Axhausian tặng đèn clar và cây bút bi. Cũng từ đó ý tưởng sưu tập bút đã hình thành trong tâm trí của tôi”.

Bác sĩ Xáng chia sẻ rằng, cây bút có một vị trí, giá trị trong đời sống văn hóa và là phương tiện chuyển tải ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết. Thời xưa, những cụ đồ nho người Việt làm lễ “khai bút” và “cho chữ” trong ngày đầu năm mới, còn cụ Đồ Chiểu ví von cây bút như vũ khí “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. 

Trong đời sống, cây bút là công cụ để con người gửi gắm tình cảm qua những trang thư, cam kết trong giao dịch dân sự… và cũng là người bạn thân thiện của các thế hệ học sinh – sinh viên, người lao động trí tuệ viết nên “nét chữ, nết người”. Khi công nghệ máy tính ra đời, cây bút vẫn đồng hành con người ký kết văn bản hội nghị, hợp tác, giao dịch, phê duyệt, chỉ đạo…

Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng xác lập kỷ lục bộ sưu tập bút cho bác sĩ Nguyễn Văn Xáng.

Khởi đầu hành trình sưu tập bút, bác sĩ Xáng không chỉ tìm đến bạn bè, người thân và những nơi bán đồ cổ, vật phẩm lưu niệm trong nước, mà hàng chục chuyến đi du lịch, hội thảo, hội nghị chuyên ngành y học ở nước ngoài, ông tìm mua những cây bút lạ lẫm về màu sắc, kiểu dáng, nguồn gốc, độ tuổi…

Mở tủ kính, bác sĩ Xáng giới thiệu: “Với chiều dài 60cm, đường kính 9cm, cây bút Jambo có hai màu xanh – trắng là vật phẩm “khổng lồ” nhất trong bộ sưu tập của tôi. Tôi mua cây bút Jambo nhân chuyến đi dự hội nghị kháng sinh do Hiệp hội Kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á tổ chức tại Hồng Kông năm 2005. 

Cây bút nhỏ nhất như chiếc kẹp caravat do người bạn của tôi ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng”. Dừng một lát, bác sĩ Xáng bê ra những cây bút lá tre chấm mực lọ từ thời xa lắc, trong đó có ngòi bút đã hoen gỉ đang được ông bảo quản cẩn trọng vì đó là kỷ vật của người bạn học thời lớp 2 tặng ông trong cuộc gặp tình cờ cách đây 20 năm, khi ông về thăm xứ Huế.

Quan sát bộ sưu tập của bác sĩ Xáng, tôi nhận ra kỷ vật “già tuổi” nhất là cây bút Calo ra đời năm 1942. Sản phẩm sản xuất có giới hạn này được ông mua về sau một ngày tìm kiếm ở TP Hồ Chí Minh. 

Cây bút Mont Balance cũng là một kỷ vật hiếm hoi do một vị thiền sư trao tặng sau chuyến đi Ấn Độ. Cạnh đó là cây bút có hình tượng Obama – vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Kế bên là hàng loạt cây bút bằng chất liệu gỗ – nhựa có hình tượng búp bê Nga, phù điêu thiếu nữ, bàn tay con người, động vật sơn dương, voi, dê, chim két, chuồn chuồn… đậm chất hoang dã và hình dáng cá thu, cá lóc, cá mòi, cá trích… có vây, vảy lấp lánh nhiều màu sắc, rồi những cây bút có hình dáng quả chuối no tròn, miếng táo Mỹ, miếng dưa hấu với lát cắt bén ngọt, hạt đậu phộng, lá cây, quả bầu, trái đậu ve, khổ qua… rõ nét gân, da; bút bi có in thương hiệu các khách sạn, viện nghiên cứu, hãng dược, trường đại học, bệnh viện quốc tế, địa danh lịch sử, địa lý vùng miền và bút bằng sứ có in hoa hình rồng…

Với giọng dí dỏm, bác sĩ Xáng chia sẻ thêm, không chỉ sưu tập từ bạn bè, người thân, cửa hiệu trong nước và nước ngoài, mà ông còn sưu tập bút trên… máy bay ở không phận quốc tế trong chuyến đi tìm hiểu mô hình Làng an dưỡng ở Thụy Sĩ giữa tháng 10-2018. 

“Khi ngồi trên chuyến bay của Hãng Qatar Airways từ Doha - Qatar đến Rome – Italia, tôi nhìn thấy nữ tiếp viên người Pháp cầm cây bút bi rất đẹp nên khơi chuyện làm quen rồi bày tỏ mong muốn có thêm những cây bút mới trong bộ sưu tập, nữ tiếp viên đó đã tặng tôi 5 cây bút có in tên Qatar Airways và những khách sạn quốc tế nổi tiếng trên thế giới đã kết nối dịch vụ với hãng hàng không này”, bác sĩ Xáng cho biết.

Đứng bên tủ kính trưng bày bộ sưu tập hơn 2.500 cây bút, bác sĩ Xáng tiết lộ thêm: “Đã có người đặt câu hỏi vì sao không tạo lập một bộ sưu tập y khoa mà tôi đã hành nghề 32 năm qua, tôi cảm nhận đó cũng là ý tưởng tốt đẹp, nhưng bộ sưu tập bút của tôi khởi đầu từ một động thái nhân văn sâu sắc của Giáo sư Axhausian đã gợi lên trong tôi rất nhiều suy tưởng về nét đẹp văn hóa và triết lý từ cây bút. 

Khi khởi đầu hành trình sưu tập bút, tôi không hề nghĩ đến danh hiệu kỷ lục gia, mà chỉ muốn gửi gắm thông điệp văn hóa người Việt với con cháu, bạn bè và đồng nghiệp. Mỗi lần có thêm cây bút mới, tôi như bị cuốn hút vào hành trình sưu tập nên mỗi chuyến đi trong và ngoài nước tôi đều tìm kiếm bút, vì thế trong chuyến đi du lịch Nhật Bản gần đây, tôi mua được nhiều cây bút lạ lẫm ở Tokyo, Kyoto, Osaka. Và điều đáng mừng là hành trình sưu tập bút của tôi luôn có sự động viên, chia sẻ của người vợ cùng cậu con trai đang công tác ở Công an TP Nha Trang và cô con gái sắp trở thành bác sĩ”.

Sau nhiều lần thẩm định thực tế, ngày 6-5-2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục cho bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - người sở hữu bộ sưu tập bút viết với số lượng và chủng loại nhiều nhất. Hơn một năm sau đó, bộ sưu tập bút của ông được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng xác lập kỷ lục châu Á vào ngày 18-8-2018.

Trước lúc tiễn khách, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng nói thêm rằng  ông vừa gửi hồ sơ hành trình sưu tập bút đến Viện Đại học kỷ lục thế giới (World Records University) để tổ chức này xem xét trước khi công nhận Kỷ lục gia thế giới.      

Hữu Toàn
.
.
.