Rắn lục đuôi đỏ liên tục “tấn công” người dân:

Biết sơ cứu có thể tránh được hậu quả xấu

Chủ Nhật, 07/12/2014, 18:28
Sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân bị rắn cắn vô cùng quan trọng. Bệnh nhân bị rắn cắn thường là hốt hoảng, lo sợ nên cần trấn an bệnh nhân, và yêu cầu hạn chế vận động.

Ngày 7/12, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP HCM cũng cho biết, riêng trong tháng 11/2014, số trường hợp bị rắn lục cắn phải nhập viện gia tăng, có khi mỗi ngày có từ 7-8 ca. Chưa có ca nào tử vong, nhưng theo PGS-TS Phạm Quang Bính, trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới của BV,  nhiều trường hợp sơ cấp cứu ban đầu sai lầm, rất cần được cảnh báo.

Theo PGS-TS Bính, hằng năm, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn chàm quạp cắn (cũng gần với họ rắn lục) do vậy người dân nên cảnh giác vì tại khu vực Đông Nam bộ có rất nhiều rắn chàm quạp sinh sống tại các khu vực trồng Điều và cao su, nhất là ở Bình Phước, Đồng Nai, và phía Nam tỉnh Bình Thuận. Khi bị loài rắn này tấn công còn đáng sợ hơn là rắn lục do vết sang thương gây ra rất nguy hiểm. Trong đó có khuyến cáo vô cùng quan trọng mà hiện người dân cần biết, đó là không nên tìm cách ga rô vết thương, chỉ tạm cố định vết thương vừa đủ chặt, hạn chế thấp nhất nọc độc chạy vào máu của người bị nạn. Cũng như không cố gắng chạy chữa thuốc nam, mà nên tới cơ sở y tế nhanh nhất, trong vòng 24-48 giờ đầu, để bảo đảm được cứu sống.
PGS-TS Nguyễn Quang Bính thăm khám cho bệnh nhân bị rắn lục tấn công đang điều trị tại Chợ Rẫy (ngày 7/12/2014).
Rắn lục phía Nam cũng có 2 loại: rắn lục đuôi đỏ và rắn lục đuôi trắng. Tại TP HCM, những khu vực thường có rắn lục trú ngụ như: Củ Chi, Bình Chánh, Linh Xuân-Thủ Đức. Các khu vực lân cận là Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, và Bình Thuận. Theo các bác sĩ, khi cắn người, cả rắn lục đuôi đỏ, đuôi trắng và rắn chàm quạp (đều có 2 cái móc độc ở vùng miệng), các móc độc này sẽ quặp vào da thịt người bị nạn, túi nọc ở phía trên đầu rắn sẽ tự động bơm vào vết thương của nạn nhân. Khi khám cho bệnh nhân, căn cứ vào khoảng cách giữa 2 dấu răng rắn cắn mà bác sĩ chẩn đoán được bệnh nhân bị rắn lớn hay nhỏ cắn, theo đó cho thuốc và liều lượng. Vết cắn càng cách xa nhau, chứng tỏ con rắn càng lớn, nọc độc vào người nạn nhân sẽ càng nhiều. Đa số ở những ca nhẹ thì vết thương rắn cắn sẽ gây sưng, phù nề. Ở bệnh nhân nặng là chảy máu chân răng, tiểu ít, tụt huyết áp, sung huyết nơi bị cắn, có ca tiểu ra máu.
Một trường hợp bị rắn lục cắn phải cắt bỏ một chi do sơ cấp cứu ban đầu không đúng cách (ga rô gây hoại tử).
PGS-TS Bính cho hay, khi thăm khám các bệnh nhân bị rắn cắn phải xem vết thương có sưng, đau, nóng hay lan ra xung quanh không, nổi bóng nước, có xuất huyết không, chảy máu từ vết cắn không. Rắn lục thường có chảy máu ở vết cắn, chàm quạp thì gây chảy máu trong bóng nước rất nhiều, có khi bệnh nhân bị hoại tử chi do làm ga rô sai cách, dẫn tới tổn thương nặng hơn. Việc xử trí “lòng vòng” bằng thuốc Nam là không nên. Có trường hợp sau khi bị rắn lục cắn, khi tới BV Chợ Rẫy thì đã biến chứng xuất huyết não, giống như người bị đột quị, do tai biến rối loạn đông máu vì mất 2 tuần bệnh nhân đi chữa bằng thuốc Nam. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân cũng bị một di chứng nặng nề như bệnh cảnh của người đột quị.
Rắn lục đuôi đỏ ngoài môi trường.

Ngoài ra, những trường hợp đang mang thai, hay sốt xuất huyết mà bị rắn lục cắn cũng làm tăng nguy cơ chảy máu hơn, hay bệnh tim mạch, gây rối loạn nhịp tim, gây suy thận.

Cũng theo TS Bính, sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân bị rắn cắn vô cùng quan trọng. Bệnh nhân bị rắn cắn thường là hốt hoảng, lo sợ nên cần trấn an bệnh nhân, và yêu cầu hạn chế vận động. Vì vận động nhiều, chất nọc độc rắn trong máu di chuyển nhanh hơn vào hệ tuần hoàn, càng nguy hiểm. Và cần nhất là “bất động chi” bằng cách băng ép cho bệnh nhân nhưng vừa đủ, không làm chặt quá khiến tắc nghẽn mạch máu, gây hoại tử. Không nên tìm cách rạch vết thương cho chảy máu ra sẽ  làm cho bệnh nhân mất máu nhiều hơn nhất là nếu có rối loạn đông máu.

Sau khi bị rắn cắn, nọc độc trong vòng vài chục phút đã vào trong máu nạn nhân. Nên mọi sơ cứu chỉ làm giảm, làm chậm hơn quá trình này, nhưng cần làm đúng cách. Cũng không nên lấy lá cây rửng, nhai, đắp lên vết thương, ở BV Chợ Rẫy đã có trường hợp phải cắt cụt chi cho một bệnh nhân bị rắn lục cắn bị hoại tử vì nhiễm trùng do sơ cứu sai cách.

Cũng theo TS Bính, cách phòng ngừa hiện tại để tránh rắn cắn  là người dân  khi vào những khu vực nghi có rắn trú ngụ như rừng cao su, rừng điều, nơi có bụi rậm, hoang vu, thì nên đội mũ rộng vành, đi giày, ủng cao cổ tránh bị rắn cắn phải cơ thể, hay khua gậy đuổi chúng đi trước khi tiến hành các công việc phát cây, rẫy cỏ… Trừ rắn hổ mang chúa là có cơ chế tấn công con người, còn các loại rắn khác như rắn lục đuôi đỏ không tự nhiên tấn công con người, chúng chỉ cắn nạn nhân khi không may bị giẫm phải, hay con người tấn công chúng.

Huyền Nga
.
.
.