Thuốc và thực phẩm chức năng giả - báo trước cái chết thật: Biện pháp nào để ngăn chặn?

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:13
Từ những vụ việc mà chúng tôi thu thập được trong quá trình tìm hiểu thông tin về vấn đề thuốc giả, TPCN giả, buộc phải đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã kiểm soát được việc kinh doanh thuốc, TPCN giả ngoài thị trường hay chưa? Vẫn liên tiếp các vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả bị bắt giữ, các đối tượng lại khai đã hoạt động trong một thời gian, thì thử hỏi, bao nhiêu loại thuốc giả đã và đang lưu hành chưa bị thu giữ?
>> Những hệ lụy khó lường

Trong môi trường khám, chữa bệnh như ở Việt Nam, việc người tiêu dùng tự bảo vệ được bản thân mình là rất khó khăn, khi việc tiêu thụ thuốc, TPCN giả có thể diễn ra ngay ở các quầy thuốc, thậm chí ở những trung tâm phân phối thuốc lớn và như trước đây phát hiện cả ở bệnh viện (vụ Quách Thị Lành năm 2006).

Một chiều cuối tháng 3/2015, chúng tôi có mặt ở Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapulico ở số 1 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây có thể được coi là chợ thuốc lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Đa số ở đây là mua, bán buôn các mặt hàng thuốc nên các nhân viên bán hàng khá bận rộn trong việc đóng gói từng thùng hàng giao cho khách. Theo ông Ngô Quốc Doanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS Hapulico, đơn vị quản lý Trung tâm thuốc cho biết, hiện có 200 quầy thuốc ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh.

Các quầy kinh doanh thuốc tại Trung tâm Hapulico nếu bị phát hiện kinh doanh thuốc, TPCN giả sẽ phải chấm dứt hợp đồng.

Khi vào đây, các hộ đều có giấy phép thẩm định của Sở Y tế Hà Nội. Về hoạt động kiểm tra chất lượng của các cơ quan chuyên môn tại chợ thuốc, ông Doanh cho biết, thường khi các đoàn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đến Trung tâm, họ sẽ báo trước khoảng 5-10 phút để cùng phối hợp đảm bảo an ninh khi đoàn công tác làm việc. 

Còn đối với cán bộ Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, họ tự đến để mua mẫu về kiểm nghiệm theo quy định mới. Công ty chỉ quản lý về mặt hành chính, tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh, buộc họ phải cam kết không buôn bán hàng giả, hàng không đạt chất lượng. Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có sản xuất và kinh doanh hàng giả, Ban quản lý sẽ lập tức thanh lý hợp đồng. Trong 2 năm hoạt động, Ban quản lý đã buộc thanh lý hợp đồng với khoảng 5 trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc giả theo kết luận của các cơ quan chức năng. 

Hầu như ở con phố nào của các thành phố trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng có đến vài hiệu thuốc. Đối với các quầy thuốc tư nhân bên ngoài, theo quy định, người chủ quầy thuốc phải có bằng dược sĩ, quầy thuốc phải đáp ứng tiêu chuẩn GPP. Các cơ quan chức năng cũng có những đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất nhưng rõ ràng vẫn có những sản phẩm thuốc giả được phát hiện tiêu thụ ở một số quầy thuốc bên ngoài. 

Theo các trinh sát, đối với các hiệu thuốc bên ngoài, việc họ cố tình tiêu thụ thuốc giả cũng khó phát hiện. Bởi những mặt hàng thuốc giả thường không được bày bán công khai trên tủ kính, người bán hàng thường viện lý do hết thuốc để vào trong lấy. Trong khi đó, chức năng kiểm tra của các cơ quan chuyên môn chỉ có thể kiểm tra các mặt hàng bán tại quầy, chứ đâu được quyền khám cửa hàng?

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Trung tá Vũ Công Chí, Đội phó Đội chống hàng giả PC46 Công an TP Hà Nội cho biết, do lực lượng thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra còn quá mỏng về quân số, ngay cả lực lượng Công an làm nhiệm vụ này cũng rất ít (thường nằm trong Đội chống hàng giả của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các địa phương), trong khi đó thì thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết tâm phối hợp với các cơ quan chức năng làm sạch thị trường thuốc, cho dù công cuộc này rất khó khăn”- Ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết. Ông Chính cho biết thêm, năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch gửi Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, trong đó có nội dung trọng tâm thanh tra, kiểm tra về quản lý chất lượng thuốc; tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Trung ương và địa phương triển khai công tác phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không được phép lưu hành. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm TPCN, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, trong năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm về ATTP đối với TPCN. Hiện nay, chúng ta đã có đủ chế tài với các mức phạt khác nhau từ thấp đến cao, đối với một số hành vi thì mức phạt có thể được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Tức là số tiền phạt có thể lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai vi phạm lên các phương tiên thông tin đại chúng.   

Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng thuốc, TPCN giả và kém chất lượng lưu hành trên thị trường, theo ông Đặng Văn Chính, các cơ sở dược cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ và có bộ phận an ninh chuyên trách về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả. Đồng thời, cần phải tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các đối tượng có hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán và tàng trữ thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành. Điều 157 BLHS quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Luật đã quy định rất nghiêm, thế nhưng theo Trung tá Vũ Công Chí, trong thực tế, một số đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả khi bị xét xử chỉ bị tuyên mức án vài năm tù giam. Bởi việc xác định hậu quả thế nào là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì rất khó và từ trước đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Tăng cường nguồn nhân lực và đào tạo chuyên môn sâu cho lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra cũng như điều tra về vấn đề dược. Đồng thời, các lực lượng phải phối hợp và có những cách làm mới để kiểm tra đột xuất và tóm trúng các đối tượng kinh doanh thuốc giả, từ đó tìm ra các đường dây sản xuất thuốc và TPCN giả”, Trung tá Vũ Công Chí đưa giải pháp thêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất và mua bán hàng giả trong thời điểm nào cũng khó triệt tiêu hết. Nhưng vì thuốc, TPCN giả là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt nhất có thể. Còn đối với những kẻ đang sản xuất, tiêu thụ thuốc và TPCN giả, dù biết kêu gọi lương tâm ở họ là hơi xa xỉ, nhưng chúng tôi vẫn muốn họ hiểu rằng, “gieo gió ắt gặt bão”, hãy thức tỉnh khi chưa quá muộn!

Đối với người tiêu dùng, theo khuyến cáo của Thanh tra Bộ Y tế, không nên tự ý mua thuốc trôi nổi về sử dụng. Khi có nhu cầu dùng thuốc, tốt nhất nên đến các quầy thuốc có uy tín. Người mua cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn của thuốc, kiểm tra các thông tin đầy đủ ghi trên nhãn trước khi dùng. Thạc sỹ Nguyễn Đăng Lâm khuyến cáo thêm, hiện có hình thức bán hàng online, các đối tượng quảng cáo rằng hàng xách tay từ nước ngoài về, thực chất đây là những mặt hàng trôi nổi, rất khó kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng không nên mua loại hàng này mà chuốc vạ vào thân. Còn Trung tá Vũ Công Chí thì cho rằng, người tiêu dùng khi mua thuốc nên yêu cầu quầy thuốc phải viết hóa đơn ghi rõ mã số thuốc, nếu không phải ký nhận vào thuốc, như vậy sẽ khiến các nhà thuốc ngại tiêu thụ hàng giả. Đồng thời, chúng ta sẽ có chứng cứ buộc tội các nhà thuốc lưu hành thuốc giả nếu phát hiện ra.
T. Hòa - X.Mai
.
.
.