Biến mít non thành mít chín bằng... hóa chất

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:42
Anh Lê Đình K. ở xã An Bình (huyện Phú Giáo - tỉnh Bình Dương) thật thà: “Làm nghề mít mà không sử dụng hóa chất là không thể trụ được. Do vậy, ai cũng phải dùng. Riêng ở đây, tôi đang sử dụng luân phiên hai loại thuốc có tên là “Hoa quả thúc chín tố” và “chín trái”. Khi đổ hóa chất vào trái mít, mình phải xem, nếu trái mít càng non thì phải đổ hóa chất càng nhiều hơn."

Thời gian gần đây, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện hàng trăm cơ sở chế biến mít múi. Về quy trình, các chủ cơ sở này bỏ tiền mua lại từ những người đi mua mít dạo với giá từ 3.000 – 5.000/kg. Để những quả mít xanh hoặc non chóng chín, họ bơm hóa chất vào rồi mang ủ. Khi mít chín, họ thuê người lột múi mang bán với giá từ 15.000 – 20.000/kg. 

Anh Trần Hữu Nam – một người ở xã An Tây (TX Bến Cát, Bình Dương) cho biết: “Để mua được nhiều mít, hằng ngày chúng tôi phải chạy xe gắn máy hàng trăm km, đến nhiều địa phương, hễ thấy nhà nào có mít là dừng hỏi mua. Mua quen, nhìn là biết quả nào nhiều múi, mít ngon hay dở, không cần cân, chỉ mua phỏng chừng. Hôm nào mua được nhiều, về giao cho chủ, trừ tiền xăng cũng kiếm được vài trăm ngàn. Có hôm đi cả ngày, không mua được, lỗ vốn”.

Chị Nguyễn Thị H. – chủ một cơ sơ chế biến mít xã An Lập (huyện Dầu Tiếng) không giấu giếm: “Thời này làm mít thì phải có thuốc ủ, không có thuốc, lấy gì mà ăn, lỗ chết!”. 

Như để chứng minh cho lời nói của mình, chị H. đi vào trong nhà lấy ra một bịch ni-lông bóc hộp lấy ra mấy ống thuốc rồi nói: “Đây là loại thuốc có tên: “Hoa quả thúc chín tố”, có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được bày bán đầy ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật. Muốn sử dụng, mỗi lần lấy 6 típ thuốc pha với nước cất đổ đầy vào vỏ chai loại 50ml. Lấy cây sắt nhọn dùi một lỗ vào trái mít, đổ thuốc vào rồi mang ủ, mít xanh, mít non đến mấy cũng phải chín”.

Những trái mít xanh, mít non thế này rất dễ bán cho cơ sở chế biến.

Cơ sở chuyên chế biến mít múi của anh Lê Đình K. ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) có hàng chục người địa phương đến bóc mít thuê. Địa điểm chế biến mít là khu đất rộng khoảng 20 – 25m², có vài lùm cây nhỏ che khuất. Bên cạnh đó là một chuồng nuôi heo còn nhầy nhụa vì chủ nhà bận việc nên chưa kịp dọn. Trong cái nắng mùa khô, mùi phân heo và mùi mít thối bốc lên nồng nặc. Việc chế biến mít được tiến hành ngay trên nền đất bụi bẩn. Trên đống phế liệu bao gồm vỏ, múi, hạt, cùi, xơ…mít có hàng bầy ruồi nhặng bay vo ve qua lại. 

Anh K. thật thà: “Làm nghề mít mà không sử dụng hóa chất là không thể trụ được. Do vậy, ai cũng phải dùng. Riêng ở đây, tôi đang sử dụng luân phiên hai loại thuốc có tên là “Hoa quả thúc chín tố” và “chín trái”. Khi đổ hóa chất vào trái mít, mình phải xem, nếu trái mít càng non thì phải đổ hóa chất càng nhiều hơn. Tất nhiên, múi mít ép chín không được ngon bằng mít chín cây nhưng khi mang bán, có ai phân biệt đâu mà phải lo ngại. Chín cây hay ép chín cũng giá như nhau, từ 15.000 – 20.000/kg vào từng thời điểm”.

Trong vai một chủ cơ sở chế biến mít ở xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật nằm bên QL 13 tìm mua loại thuốc có tên “Hoa quả thúc chín tố”. 

Chị chủ cửa hàng tươi cười: “Đúng chỗ rồi. Em bán giá rẻ lại không phải thuốc giả nên rất nhiều người ở đây tìm đến mua. Có đợt không đủ thuốc để bán, phải hẹn khách vài ngày mới có. Nhiều khách quen đến mua, người ta gọi tắt là “thần dược” chứ không dài dòng, khó nhớ như đúng tên của nó”. 

Bóc hộp “thần dược” ra, mỗi hộp có 20 ống típ, to bằng ngón tay út, dài khoảng 3cm. Trên bao bì hộp thuốc có ghi rõ “Thuốc này ít độc, có công dụng tăng chín nhanh cho hoa trái, quả tươi đẹp, cải thiện chất lượng cho hoa quả. Cách sử dụng: pha lẫn thuốc với nước cất theo tỷ lệ rồi phun đều lên mặt hoa quả”. 

Theo nhiều người dân ở xã Lai Uyên. Trước đây, người ta thường sử dụng loại thuốc này phun lên vỏ trái sầu riêng để trái chóng chín. Dần dần, người ta mua sử dụng cho mít, nhưng thấy nếu phun đều lên vỏ mít, mít sẽ rất lâu chín. Do vậy, để mít chóng chín, người ta nghĩ ra cách dùng cây sắt nhỏ chọc vào quả hoặc lấy dao nhọn khoét lỗ rồi đổ thuốc vào.

Nói về tác dụng từ việc sử dụng hóa chất, ông Đào Trọng M. – chủ cơ sở chế biến mít Minh Hiền ở xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng) không hề giấu giếm: 

“Cơ sở của tôi bình quân mỗi ngày sản xuất được 60kg mít múi. Giao cho đại lý giá 20.000 đồng/kg, thu được 1.200.000đ. Nếu mua mít đã chín, phải mất từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng, trừ vốn và tiền công, lợi nhuận chẳng là bao. Nếu mua mít xanh (hoặc chín non) cộng cả tiền thuốc cũng chỉ tốn từ 600 – 700 ngàn đồng, lợi nhuận cũng được 5-6 trăm ngàn đồng. Biết rằng dùng thuốc để ép cho mít chóng chín theo kiểu như chúng tôi đang làm ít nhiều cũng có hại sức khỏe cho người ăn nhưng đã nhiều năm nay, chưa thấy ai bị ngộ độc do ăn phải mít có chứa hóa chất nên chúng tôi vẫn cứ làm. Bao giờ Nhà nước cấm thì tính.”

Theo một số cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, các loại thuốc  như “hoa quả thúc chín tố” và “chín trái” không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù cho đến nay, trên địa bàn Bình Dương chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào do mít chứa độc tố nhưng lâu dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ngọc Ánh
.
.
.