Bất chấp cảnh báo, nhiều nông dân “đánh cược” với thời tiết

Thứ Ba, 09/03/2021, 07:44
Thời điểm này, tại nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ đang sắp bước vào cao điểm nắng nóng; dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra khá gay gắt. Nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, đến giữa tháng 3/2021, nước mặn sẽ tăng, xâm nhập sâu vào các sông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.


Tại Sóc Trăng, hạn mặn năm 2020 đã làm thiệt hại nặng nề trên 4.000ha lúa Đông Xuân muộn (còn gọi là lúa vụ 3) ở các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề... Vì thế, năm 2021, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3. Tuy nhiên, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn bất chấp, tiếp tục xuống giống lúa vụ 3 và đang đối mặt với khó khăn khi lúa đang phát triển, còn xâm nhập mặn ở mức báo động.

Ở huyện Long Phú, theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, đến thời điểm này, toàn huyện có trên 2.290ha lúa vụ 3, tập trung nhiều ở các xã Trường Khánh (833ha), Tân Hưng (420ha), Long Đức (246ha), thị trấn Đại Ngãi (155ha)… Trong khi đó, độ mặn ngày 8-3 trên một số địa điểm ở huyện này rất cao, từ 1,9 - 4,6‰. Vì thế, ngành chức năng đã đóng hoàn toàn hai cống Bà Xẩm và Cái Quanh để ngăn nước mặn không xâm nhập vào nội đồng.

Ở huyện Mỹ Xuyên, nông dân xã Thạnh Quới xuống giống lúa vụ 3 lên đến 920ha. Dù địa phương khuyến cáo không xuống giống lúa vụ 3 nhưng một phần do giá lúa vụ trước cao, một phần do xã Thạnh Quới nằm giáp với vùng trũng thị xã Ngã Năm và huyện Thạnh Trị, thấy nguồn nước kênh rạch còn nhiều nên nông dân xuống giống vụ 3.

Hiện, độ mặn ở các điểm đo của xã Thạnh Quới chưa tới 1‰ nhưng khả năng trong những ngày tới sẽ diễn biến phức tạp hơn khi hạn, mặn đang gia tăng. Ngành nông nghiệp Mỹ Xuyên đang tích cực hỗ trợ nông dân trong việc kiểm tra độ mặn, điều tiết nước nhằm giúp người dân tránh thiệt hại.

Một cánh đồng lúa ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trước nguy cơ bị mặn xâm nhập.

Nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ đã hiện hữu, khi các dòng sông, kênh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang dần cạn nước, trong khi mùa khô đang bước vào cao điểm... Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, đối với những diện tích lúa đã thu hoạch xong, khuyến cáo bà con nông dân không làm vụ 3. Vì theo dự báo của ngành chức năng, hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm năm vẫn tiếp tục khốc liệt. Do đó, với những vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của hạn mặn, nông dân tuyệt đối không sản xuất lúa vụ 3 để tránh thiệt hại.

Trước đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương quan tâm thực hiện tốt giải pháp về thời vụ trong vụ Đông Xuân 2020-2021 để né hạn, mặn. Đặc biệt, đẩy sớm thời vụ, gieo sạ sớm ngay trong tháng 10/2020. Về cơ cấu giống lúa, cần ưu tiên chọn sản xuất nhóm giống chất lượng cao, ngắn ngày để giảm rủi ro do hạn mặn, nhất là các địa phương ven biển…  

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 ở  châu thổ Cửu Long diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sâu cần đề phòng khả năng có khoảng 40.000 ha cây ăn trái; 5.000 ha lúa có thể bị ảnh hưởng. Xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sâu vào các kỳ triều cường trong các ngày 11/3 - 15/3; ngày 27/3 - 31/3; ảnh hưởng từ 50-55km, sâu hơn năm 2016 từ 2-5km, thấp hơn năm 2020 từ 6-10km. Vùng bị ảnh hưởng nhất của đợt mặn này là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Trà Vinh…


Cơ chế hỗ trợ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn mặn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cụ thể, chỉ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với những địa phương đã xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng (Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị), khó khăn về ngân sách, có đề nghị bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối tượng hỗ trợ gồm: Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và các đơn vị khác liên quan được giao thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được giao tổ chức thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiền điện, dầu thực hiện bơm nước vượt định mức; nạo vét các cửa lấy nước của các công trình đầu mối thủy lợi và hệ thống kênh mương; lắp đặt trạm bơm dã chiến (trường hợp thực sự cần thiết).

Đối với địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ thêm kinh phí khi phải thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sạch; mua thiết bị trữ nước hỗ trợ cho người dân, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt. Riêng khu vực Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ bổ sung kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt.

Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đối với các địa phương thuộc các tỉnh khu vực miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 70% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Các địa phương có tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương từ 50% trở lên: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 50% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các địa phương có tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương dưới 50%: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 30% mức thực chi để thực hiện các giải pháp trên.

Tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi cân đối ngân sách địa phương xác định theo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Với các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. 

Dương Anh Tùng

Đ.Văn – C.Xuân
.
.
.