Bất an với chất lượng thực phẩm tại chợ đầu mối

Chủ Nhật, 29/10/2017, 08:49
Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ đầu mối hiện vẫn làm đau đầu các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, tại Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh, chợ đầu mối vẫn là các điểm cung cấp phần lớn lượng lương thực, thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng trên địa bàn. Quản lý ATTP ở các chợ này như thế nào vẫn là câu hỏi đến nay chưa có lời đáp.

70% chưa cam kết thực phẩm an toàn

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến tháng 12-2016, tổng số chợ cả nước là 8.513 chợ. Trong số đó, có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hội, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định: “Các mặt hàng được bày bán trong chợ rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi được bán tại các chợ. Song hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm. Chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc từ các trang trại. Tuy nhiên, việc mua bán còn mang tính chất cổ điển không có hợp đồng mua bán cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cũng  cho thấy, 70%  chợ đầu mối, chợ hạng 2 chưa cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn. 

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Do quy mô nhỏ nên các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối chưa đảm nhận được chức năng đầu mối để tập trung các mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội. Việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh ATTP tại chợ còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ kinh doanh, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc trong trường hợp cần thiết”. 

Theo báo cáo sơ bộ của các quận, huyện, thị xã, tỷ lệ cấp các loại giấy tờ về ATTP tại chợ trên toàn địa bàn TP Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 30%, 70% còn lại chưa cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, một mặt do các quy định của pháp luật về ATTP tại chợ còn chưa rõ ràng, chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ ngỏ; công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ và chính quyền địa phương chưa quyết liệt; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về ATTP còn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng cao. 

Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của người kinh doanh chưa cao. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp. 

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ nhiều khó khăn. Việc thực hiện kiểm tra sản phẩm gia súc, gia cầm chủ yếu bằng hình thức cảm quan, không đảm bảo độ chính xác, gây khó khăn về nhiều mặt.

Quản lý ATTP tại các chợ đầu mối vẫn là vấn đề nan giải.

Xây dựng Đề án mô hình chợ đầu mối

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng, thí điểm, duy trì các mô hình ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến gắn với việc chứng nhận điều kiện ATTP, chứng nhận hợp quy hoặc chứng nhận phù hợp quy định ATTP. 

Việc phát triển điểm bán sản phẩm an toàn cũng sẽ được Hà Nội đẩy mạnh, trên cơ sở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đăng ký, cam kết thực hiện các Tiêu chí kinh doanh thực phẩm an toàn để phát triển các cửa hàng, điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn.

Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, tới đây, Bộ Nông nghiệp sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương và một số địa phương để có kế hoạch và xây dựng Đề án về xây dựng hệ thống mô hình chợ đầu mối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với những thành phố trung tâm và một số tỉnh vệ tinh để kết nối từ đó nhân rộng. 

“Vấn đề xây dựng chợ đầu mối ở Việt Nam còn nhiều vấn đề do đó chúng ta cần tiến hành từng bước chậm nhưng chắc, làm sao xây dựng được chuỗi liên kết từ các địa phương, từ vùng nguyên liệu đến các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối để cung cấp và lan tỏa rộng đến các thành phố đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo lợi nhuận của người kinh doanh và người sản xuất”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay. 

Còn ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giao vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương, cần tách nguồn vốn đầu tư phát triển chợ thành mục riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản. 

Diệp Linh
.
.
.