Bảo hiểm y tế bội chi lớn, nhiều bất cập

Thứ Bảy, 28/04/2018, 09:19
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, số tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) phải chi trả cho tiền giường bệnh nhân điều trị nội trú tăng gần 1 nghìn tỷ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, các vấn đề liên quan đến BHYT vẫn còn nhiều bất cập, nợ đọng BHXH vẫn tiếp tục tăng…

Tiền giường tăng gần 1 nghìn tỷ

Theo BHXH Việt Nam, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 4 tháng đầu năm 2018, tính đến 24-4-2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán: 26.120 tỷ đồng. 

So với cùng kỳ 2017 số lượt khám bệnh, chữa bệnh tăng 12,08%; chi khám chữa bệnh BHYT tăng 19,21%, bằng 28,93% dự toán được giao. 

Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, vấn đề đáng chú ý trong thanh toán BHYT 4 tháng đầu năm là tỷ lệ điều trị nội trú tăng cao. 

Tỷ lệ chung toàn quốc 8,6%. Các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao hơn tỷ lệ chung: Phú Thọ (17,72 %); Hà Giang (17,46%); Thanh Hóa (16,5%); Sơn La (16,46%), Vĩnh Phúc (16.19%). 

Ông Trung cho biết chi phí tiền ngày giường điều trị cao nhất trong quí I/2018, với tổng số tiền là  3.711 tỷ đồng, gia tăng cao hơn so với quý I/2017 gần 1 nghìn tỷ đồng. Các tỉnh có gia tăng chi tiền giường cao như Thừa Thiên Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ (tăng 16,52%)… 

Theo ông Đàm Hiếu Trung, có một số tiêu chí giảm là bình quân ngày điều trị chung toàn quốc cũng có thay đổi giảm từ 7,12 ngày/ đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày tương đương với số ngày điều trị giảm   866.971 ngày.

Bội chi BHYT đang rất lớn và nhiều bất cập. Ảnh minh họa: CTV

Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Bằng, Phó ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXHVN) cho rằng, tiền giường cho ngày điều trị tăng gần 1.000 tỷ là vấn đề cần phải được quan tâm. Ông Bằng lý giải, vì số lượng người vào điều trị nội trú tăng cao nên đã đẩy tiền giường tăng bất thường. 

“Ngày điều trị bình quân thấp xuống, chúng ta phải lưu ý rằng vì bệnh nhẹ quá chưa đáng phải vào nội trú nhưng chúng ta cũng cứ đẩy vào. 

Bệnh nhân đáng phải vào nội trú thì phải điều trị 7, 8 thậm chí 10 ngày, nhưng bệnh sơ sơ chỉ cần điều trị vài ba ngày là ra viện. Như thế rõ ràng ngày điều trị bình quân thấp xuống, nhưng chúng ta phải lưu ý lượt vào tăng cao, dẫn đến ngày giường tăng cao. 

Có những địa phương chi phí cho tiền giường lên đến 60%, thế thì bệnh nhân được cái gì? Tiền thuốc được bao nhiêu, tiền dịch vụ kỹ thuật được bao nhiêu. Chính ta phải nhìn vào khía cạnh bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. Do đó tiền giường như hiện nay là có vấn đề”, ông Bằng phân tích.

Nợ BHXH tiếp tục tăng

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu (BHXHVN), công tác thu rất khó khăn. 4 tháng đầu năm thu gần 100 nghìn tỷ, đạt 29% so với kế hoạch. 

Tuy nhiên, thời gian này, nợ BHXH lại tăng cao. So với quý I-2017, thì nợ đọng năm nay tăng cao hơn. Tính đến tháng 4-2018, số nợ là 10 nghìn tỷ đồng, tăng so với tháng 3- 2018 khoảng 1 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông Thắng, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã có hiệu lực từ 1-1-2018, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị cố tình chây ỳ, nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, trước mắt BHXHVN sẽ tiến hành thanh tra kiểm tra, sau đó mới tính đến khởi tố hình sự. 

“Việc khởi tố hình sự có thể giải quyết vấn đề nợ BHXH, nhưng nó sẽ có tác động rất lớn đến công ăn việc làm của người lao động trong doanh nghiệp. Khi đã khởi tố hình sự thì đương nhiên các doanh nghiệp đó không làm ăn gì được nữa, người lao động sẽ mất việc làm. Chúng tôi cũng rất băn khoăn điều này. Chính vì thế ở các địa phương những doanh nghiệp nào quá chây ỳ thì mới chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra”, ông Thắng nói.

Bội chi BHYT đang rất lớn và nhiều bất cập.

Liên quan đến tình hình nợ đọng BHXH, bà Hoàng Kim Dung, Phó trưởng Ban Thanh tra, kiểm tra (BHXHVN) cho biết, tính đến hết tháng 3- 2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 943 đơn vị, trong đó: 443 đơn vị được thanh tra chuyên ngành, 348 đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành và 152 đơn vị được kiểm tra. 

Qua thực hiện thanh tra đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, toàn ngành đã phát hiện 1.487 lao động chưa được đóng hoặc đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền truy đóng là hơn 6,5 tỷ đồng; 33 lao động đã được đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền thoái thu, hoàn trả là gần 230 triệu đồng. 

Các đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 67 đơn vị; đã ban hành 65 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt phải thu là hơn 2 tỷ đồng, trong đó đã thu được 567 triệu đồng.

Một bệnh nhân được BHYT chi trả hơn 1,3 tỷ đồng

Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, từ đầu năm đến nay, một bệnh nhân được BHYT chi trả hơn 1,3 tỷ đồng. 

Đây là bệnh nhân N.M.H mã thẻ BHYT GT422 quê ở Vân Đồn, Quảng Ninh khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 2-3 đến 10-4-2018. 

Ngoài bệnh nhân nói trên, trong 4 tháng đầu năm có 359 bệnh nhân được BHYT thanh toán mỗi người trên 300 triệu đồng. Ngoài ra còn hơn 1.231 bệnh nhân được BHYT thanh toán với số tiền từ 100 đến 200 triệu đồng/người.

Phan Hoạt
.
.
.