Bao giờ mới hết cảnh vứt rác bừa bãi?

Thứ Sáu, 01/11/2019, 07:25
Thời gian qua, rác thải luôn là đề tài nóng ở TP Hồ Chí Minh, trong nhiều kỳ họp HĐND thành phố cũng bàn về vấn đề này nhưng kết quả chưa được như mong muốn, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Rác vẫn được xả khắp nơi từ trung tâm thành phố đến vùng ngoại ô, từ trên bờ đến dưới sông, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, tắc dòng chảy…

Tại hẻm 27 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), nơi có rạch Xuyên Tâm đi qua, rác thải đầy trên kênh, nước đen kịt bốc mùi hôi thối. Đây là một trong những con rạch ô nhiễm nặng ở TP Hồ Chí Minh. Con rạch này bị gánh trên mình “chức năng” chứa rác của nhiều hộ dân sinh sống hai bên kênh. Rác thải xuống đây gây ô nhiễm và chính những người dân này “lãnh trọn” sự ô nhiễm. 

Chính quyền địa phương cho biết thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân không vứt rác ra kênh rạch… nhiều người đã nâng cao ý thức, tuy nhiên vẫn còn một số người ý thức bảo vệ môi trường chưa cao nên vẫn còn vứt rác xuống kênh. Cái khó trong việc xử lý là bắt quả tang khi người dân vứt rác, bởi đêm khuya người dân mới lén lút vứt rác xuống rạch nên chính quyền rất khó phát hiện.

Rác lấp đầy con rạch phía sau chợ Bình Tây (quận 6).

Còn tại kênh Nước Đen và kênh Tham Lương (quận Bình Tân), kênh 19-5 (quận Tân Phú), Rạch Sa (ở KCN Vĩnh Lộc giáp ranh Bình Chánh và Hóc Môn), rồi một con rạch nằm phía sau chợ Bình Tây (quận 6), con rạch Tô Hiệu nằm trên đường Tô Hiệu và Phan Anh (quận Tân Phú)… rác ngập lấp kín cả dòng kênh.

Anh Nguyễn Hoàng Nhân, cán bộ về môi trường của xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) dẫn chúng tôi đi dọc Rạch Sa, rạch này nối với kênh Tham Lương nhưng một đoạn giáp với KCN Vĩnh Lộc và xã Bà Điểm bị cỏ mọc cùng với việc xả chất thải làm tắc dòng chảy. 

“Mỗi khi mưa lớn nước tràn lên khu dân cư ngập lên đến đầu gối, ô nhiễm môi trường. Khu vực cầu Sa có chợ tự phát người dân buôn bán gà xả chất thải xuống rạch càng làm cho ô nhiễm trầm trọng. Mặc dù xã đã tăng cường tuyên tuyền, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp xả rác xuống kênh rạch và ra môi trường nhưng nhiều người vẫn lén lút đổ rác vào đêm khuya”, anh Nguyễn Hoàng Nhân nói.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực môi trường, quy định hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định ra môi trường bị xử phạt rất cao, từ 5-7 triệu đồng. Tuy  nhiên, theo một số lãnh đạo ở xã, phường đây cũng là bất cập. Bởi người vi phạm chủ yếu là người bán hàng rong, vé số, lao động phổ thông... Lập biên bản vi phạm nếu người vi phạm không đến nộp phạt thì không có chế tài nào khác và khi đã lập biên bản mà không thu được số tiền phạt thì chính quyền địa phương lại “mắc nợ” ngân sách.

Để nâng cao ý thức người dân trong lĩnh vực môi trường, vào tháng 10-2018, Thành uỷ TP Hồ Chí Minh đã bàn hành Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, giảm ngập nước gắn với việc vận động hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết trong 500 mô hình đăng ký thi đua từ các cơ sở đến thành phố thì hơn 50% mô hình về môi trường. Tuy việc thực hiện Cuộc vận động ở nhiều nơi còn chưa đồng bộ, song cũng phải ghi nhận sự lan tỏa của Chỉ thị 19 trong nhân dân là rất sâu rộng.

Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác tuyên truyền vận động thực hiện Chỉ thị 19 đã được quan tâm, nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, thiếu các hình ảnh tuyên truyền trực quan sinh động… Do đó, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Đây cũng là tiêu chí để phân loại đảng viên, đánh giá cán bộ. 

Để thực hiện tốt Chỉ thị 19, Thành uỷ TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương cần lưu ý đối với những nơi có rác tập trung thì phải xử lý ngay, có giải pháp thu gom một cách căn cơ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. 

Đồng thời nhân rộng những mô hình, cách làm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để trở thành việc làm thường xuyên được duy trì và phát huy trong cộng đồng dân cư, tạo thành thói quen bảo vệ môi trường cho mỗi người dân.

Nhân Sơn
.
.
.