Bán rượu có giờ và khoảng cách giữa các điểm không dưới 500m

Thứ Năm, 12/04/2018, 10:36
Đó là một trong số các qui định của Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà Bộ Y tế vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị trình Quốc hội và thông qua vào năm 2019.


Việt Nam đứng nhóm đầu thế giới về uống rượu bia

Việc ra đời Luật rượu bia là rất cần thiết ở Việt Nam trước tình trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức báo động: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới. Một nam giới Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất/năm, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Năm 2015 Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia và gần 70 triệu lít rượu, 3/4 số người uống rượu, bia đang sử dụng ở mức có hại. Tỷ lệ uống rượu bia ở cả nam và nữ ngày càng tăng: 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới, đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia đang diễn ra.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại đang là thách thức lớn ở Việt Nam. Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Hầu hết các hộ gia đình đều có người uống rượu bia, trong đó 40% gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại.

Trong khi đó, sử dụng rượu, bia gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe, cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội và ngày càng trầm trọng hơn. Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế; gây rối loạn tâm thần kinh, bệnh tim mạch, tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính; suy giảm miễn dịch và có thể gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ở nữ còn thêm ung thư vú.

Tại Việt Nam, rượu, bia cũng là yếu tố gây ra 2,9% số trường hợp tử vong và 2,2% gánh nặng bệnh tật quốc gia. Năm 2012, 8,3% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, mỗi năm có hàng trăm vụ ngộ độc rượu và tử vong do rượu. Trong đó, ngộ độc do rượu thủ công hoặc rượu không kiểm soát được nguồn gốc chiếm tỷ lệ cao.

Theo số liệu mới nhất, trung bình mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia . Tại Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 4 ngày tết Mậu Tuất 2018 có gần 500 ca tai nạn giao thông nhập viện, trong đó hơn 60% có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu, bia.

Nạn nhân bị ngộ độc rượu phải cấp cứu.

Quản lý chặt quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ 

Từ thực tế này, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng rượu, bia. Một trong các quy định là cấm sử dụng rượu, bia với những người là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc; không được uống rượu, bia tại nơi không được bán rượu, bia; cấm người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông, người dưới 18 tuổi uống rượu bia.

Cấm các nhóm đối tượng này sử dụng rượu, bia vì theo Bộ Y tế, việc sử dụng rượu bia của họ không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác, đến chất lượng lao động và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi.

Đặc biệt, sẽ có các biện pháp kiểm soát việc khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, trong đó tập trung quy định các biện pháp hạn chế quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ. Đây là thay đổi mạnh mẽ so với quy định trước đây vì hiện chỉ cấm quảng cáo với sản phẩm rượu từ 15 độ trở lên, trong khi ngành công nghiệp rượu, bia ở Việt Nam có tốc độ gia tăng rất nhanh cùng với cơ chế quảng bá rượu, bia được đầu tư rất nhiều. 

Mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 300 triệu lít rượu nhưng chất lượng lại không được quản lý và quá trình sản xuất, kinh doanh cũng không được kiểm soát. Điều này nên đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Vì thế những qui định mới sẽ hy vọng khắc phục được các hạn chế trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và quy định mật độ điểm bán rượu, bia: Với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, tuy không phải cấp giấy phép nhưng người sản xuất phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất, cam kết về một số chỉ tiêu chất lượng, an toàn. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý rượu thủ công.

Các cơ sở bán lẻ rượu, bia phải bảo đảm khoảng cách bán kính giữa các địa điểm từ 500m trở lên trừ các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, du lịch, phù hợp với kinh nghiệm của quốc tế. Thời gian được phép bán rượu, bia cũng được qui định rất cụ thể.

Thanh Hằng
.
.
.