Ban nhạc “đặc biệt” trong trại giam Vĩnh Quang

Thứ Năm, 05/12/2019, 23:28
Mỗi thành viên trong tổ guitar phạm nhân của Trại giam Vĩnh Quang (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an) có những cuộc đời, tội lỗi khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung tìm đến âm nhạc như một cách để vượt qua mặc cảm, những ngày tháng tối tăm của cuộc đời tập trung cải tạo tốt dưới sự dìu dắt trực tiếp của cán bộ quản giáo.

Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, phạm nhân đều phải chấp hành các quy định của pháp luật, đó là  các bản án mà tòa án các cấp đã tuyên. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, các phạm nhân cũng cần sự sẻ chia, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, Đảng ủy Ban Giám thị luôn tạo điều kiện, mua sắm trang thiết bị để phục vụ tổ văn nghệ.

Đây là sợi dây kết nối, tạo cho phạm nhân động lực trong quá trình chấp hành án, trong lao động cải tạo, nguồn động viên khích lệ tinh thần thi đua cải tạo tiến bộ sớm trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội.

Tổ văn nghệ tập nhạc để biểu diễn vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Tại phân trại số 1, sau những giờ lao động, cải tạo, những phạm nhân có năng khiếu âm nhạc tại Trại giam Vĩnh Quang được tập hợp ở nhà học tập cùng nhau tập luyện guitar, sáo, trống…

Cán bộ quản giáo, Trung úy Phạm Tiến Quỳnh được giao nhiệm vụ quản lý tổ văn nghệ phân trại cho biết, khi được Ban Giám thị đồng ý thành lập tổ văn nghệ, lúc đầu chỉ có 4 phạm nhân. Sau đó, nhiều phạm nhân khác xin tham gia, chọn được từ 10 đến 15 phạm nhân cải tạo tốt, có năng khiếu âm nhạc, chơi được các nhạc cụ guitar, trống, sáo…

Trong đội văn nghệ Trại giam Vĩnh Quang, phạm nhân Lê Thanh Tú là một nhân tố nổi trội với giọng hát trầm ấm cũng như khả năng chơi nhạc cụ đàn guitar khá điêu luyện. Trước đây, Lê Thanh Tú mở công ty chuyên về xây dựng và đảm nhiệm vai trò giám đốc. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tú phải chấp hành bản án tù, cải tạo tại trại Vĩnh Quang.

Theo Trung úy Phạm Tiến Quỳnh, sau khi vào trại giam, Tú sống lặng lẽ, không tham gia vào các hoạt động của trại. Sau đó, được Ban Giám thị, cán bộ quản giáo động viên, Tú đã dần cải tạo tích cực. Với khả năng biết chơi nhạc cụ guitar khá tốt từ thời sinh viên, lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện cho vào tổ văn nghệ. Cũng từ đấy, tư tưởng của Tú đã cải thiện rõ rệt.

“Tôi nhận thức rõ hành vi mình gây ra, đang từng ngày cải tạo tốt để trở về với gia đình”. Có thể nói, nhờ có âm nhạc, chúng tôi xích lại gần nhau hơn, nhất là khi có tâm trạng buồn, suy nghĩ có phần tiêu cực thì qua các hoạt động văn nghệ, được động viên, chia sẻ bằng lời ca, tiếng hát, bằng tiếng đàn guitar, giúp thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn, dần dần yên tâm cải tạo…” - phạm nhân Lê Thanh Tú chia sẻ.

Nếu cây đàn guitar đối với Lê Thanh Tú gắn bó từ thủa sinh viên thì với Nguyễn Đức Tuấn Anh, guitar lại là niềm đam mê được khơi nguồn sau khi bước chân vào trại giam. Chỉ vì một phút mất bình tĩnh trên bàn nhậu, lời qua tiếng lại, Tuấn Anh tước đoạt mạng sống của người khác và tước đoạt đi cả tuổi trẻ, tương lai của chính mình với mức án chung thân.

“Tôi ân hận về hành vi của mình, thương bố mẹ ở nhà... Khi biết tin có tổ văn nghệ, tôi đã xin tham gia vì sau những giờ cải tạo, lao động, tôi có suy nghĩ tích cực hơn, tâm lý được giải tỏa sau những ngày chán nản…”.

Với phạm nhân Phùng Văn Phúc, đã thụ án sang năm thứ 15 năm, sau nhiều lần giảm án do cải tạo tốt, hết năm 2020, Phúc sẽ được về. Trước khi gây án, Phúc cũng từng biết chơi đàn guitar. Sau khi vào trại giam, ngoài thời gian lao động, vào ngày thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ nhàn rỗi hay suy nghĩ vẩn vơ, tiêu cực nên khi biết có tổ văn nghệ, Phúc đã xin tham gia.

Đa phần tổ văn nghệ biểu diễn các ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước tại các buổi giao lưu trong phân trại và trại giam trong các dịp lễ, Tết… Phúc cho hay, đây là sân chơi rất ý nghĩa, không chỉ giúp bản thân bớt buồn phiền mà còn giúp các phạm nhân khác thấy lạc quan hơn trong cuộc sống.

Mong muốn Ban Giám thị tiếp tục tạo điều kiện, phát hiện, động viên kịp thời nhiều phạm nhân có đam mê, năng khiếu xóa bỏ ngại ngùng tham gia… Phạm nhân Nguyễn Tất Đạt, quê ở TP Hồ Chí Minh, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vào Trại giam Vĩnh Quang từ năm 2016. Trước là sinh viên Trường Cao đẳng Tài chính Đạt rất đam mê âm nhạc, tích cực tham gia tập luyện sau mỗi giờ cải tạo, lao động.

Đạt tâm sự, âm nhạc không chỉ giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà mà là động lực để bản thân mình cố gắng cải tạo tốt hơn, sớm về với gia đình. Sau mỗi buổi biểu diễn, không chỉ Đạt mà các anh em ở tổ văn nghệ luôn cảm thấy vui nhất vì được Ban Giám thị quan tâm, động viên vào buổi chào cờ; được nhiều phạm nhân ra gặp riêng các anh em trong tổ văn nghệ đề xuất được nghe, tặng bài hát…

Cũng theo Trung úy Phạm Tiến Quỳnh, mới đây, có 2 phạm nhân trong tổ văn nghệ do chấp hành án tốt đã được giảm án về trước thời hạn. Âm nhạc là phương tiện ngôn ngữ tuyệt vời nhất để kết nối cảm xúc, đánh thức những rung cảm sâu thẳm nhất trong mỗi người và âm nhạc khi đưa vào trại giam, nơi tưởng rằng chỉ có kỷ luật, răn đe, trừng phạt… lại là cách để hướng thiện cho những người lầm lỗi, giúp họ cải tạo tốt hơn, sớm trở về với gia đình.

Minh Hiền – Xuân Trường
.
.
.