Vụ cháy xe chở dầu khiến 148 người chết ở Pakistan:

Giật mình nghĩ về cách hành xử của nhiều người Việt

Thứ Tư, 28/06/2017, 09:05
Hành vi a dua, ùa theo đám đông nêu trên cũng đã xuất hiện trong xã hội ta. Nhìn lại vụ tai nạn kinh hoàng cháy xe ô tô bị lật cướp đi sinh mạng của 148 người "hôi dầu" ở Bahawalpur, Pakistan mà giật mình....


Như Báo CAND đưa tin, sáng 25-6, tại thành phố Bahawalpur, Pakistan, một chiếc xe chở dầu trong quá trình di chuyển bị lật úp, dầu tràn ra ngoài gặp lửa và bùng cháy dữ dội. Khi có nhiều người lao đến “hôi dầu”, ngọn lửa bùng lên, bao trùm một khu vực rộng lớn, khiến nhiều người trong lúc tranh thủ thu vét số dầu tràn ra từ chiếc xe trên cùng không ít người đi đường bị thiệt mạng.

Theo giới chức Pakistan, khi chiếc xe chở dầu trên bị lật úp, dầu tràn ra ngoài, đã có rất đông người dân tranh thủ thu vét số dầu tràn ra từ chiếc xe. Trong lúc thu vét dầu, một số người chủ quan hút thuốc và đánh rơi tàn thuốc, khiến ngọn lửa bùng lên bao trùm của một vùng, làm khoảng 80 ôtô, xe máy bị bắt lửa, bốc cháy dữ dội. Hậu quả, bước đầu xác định có 148 người thiệt mạng và hàng chục người bị bỏng nặng.

Người dân Hà Tĩnh giúp tài xế thu gom cá bị đổ ra đường. Ảnh: Đ.H

Tuy không phải là hiện tượng phổ biến, song hành vi a dua, ùa theo đám đông nêu trên cũng đã xuất hiện trong xã hội ta. Ở đây, nhiều người biết đến hành vi a dua theo kiểu đám đông đó với cụm từ “hôi của”. Như vụ “hôi của” xảy ra vào ngày 4-12-2013 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) là một ví dụ.

Trước đó, anh Hồ Kim Hậu, ở huyện Hoài Ân (Bình Định) có điều khiển xe ôtô tải mang BKS: 79N-134x vận chuyển 110 két bia Tiger chai, 1.120 thùng Tiger lon và 120 thùng bia Heineken… đi từ quận 12, TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Thuận. Khi đến gần khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa thì xe gặp sự cố làm hàng trăm thùng bia bị văng đổ xuống đường. Thay vì hỗ trợ tài xế gặp nạn, nhiều người đã ùa vào lấy bia. Cơ quan chức năng sau đó đã vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp “hôi của” này.

Để hiểu rõ hơn về hành vi “hôi của”, ngày 26-6, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tiến sĩ Trần Thu Hương cho rằng hành vi, tâm lý “hôi của” nêu ở trên xuất phát từ tâm lý đám đông.

Đây là một hiện tượng của đám đông. Khi con người ta gia nhập vào một đám đông, rất dễ xuất hiện hiện tượng hành động theo một xu hướng bản năng. Lúc này, lý trí, cảm xúc của người đó sẽ khó được kiểm soát và hiện tượng này còn được gọi là “mất mình”.

Trong tình huống lật xe tải chở bia ở TP Biên Hòa, thay vì có hành động giúp đỡ tài xế thì bản thân một số người lại có hành động tư túi, lợi dụng sự cố đó để nhặt bia đem về. Lúc bấy giờ, trong số này sẽ có nhiều người có suy nghĩ rằng: “Tôi thấy người khác nhặt, không có lý nào tôi lại đi giúp, làm ngược lại với đám đông trên (?!)”, nên sinh ra a dua, có hành động “hôi của” bất chấp sau đó, hành vi này có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chứ thực chất, chưa chắc, bản chất người vào “hôi của” – lấy bia, lấy tài sản ấy là người xấu, là người tham lam. Nói vậy cũng bởi, giả dụ, nếu trong đám đông chứng kiến vụ xe tải lật bia hôm ấy, có những người xông xáo hỗ trợ, phụ giúp tài xế thu gom bia thì ngay lúc đấy, có thể cả đám đông sẽ ùa vào làm theo.

Lúc này, sẽ là câu chuyện về hành động tích cực chứ không phải tiêu cực nữa. Tất nhiên, nguyên nhân khởi nguồn chính là sự kiểm soát hành vi, cảm xúc và hiệu ứng của tâm lý đám đông.

Còn nhớ vào khoảng 13h ngày 26-3, chiếc xe tải chở cá đông lạnh khi lưu thông trên tuyến QL1A (theo hướng Nam – Bắc), đến đoạn thuộc thị trấn Can Lộc (huyện Can Lộc – Hà Tĩnh) bất ngờ gặp một xe máy cùng chiều đột ngột chuyển hướng. Thấy vậy, tài xế xe tải phải bẻ lái, phanh gấp khiến chiếc xe bị lật đổ.

Khoảng 2 tấn cá trên thùng xe văng tung tóe dưới lòng đường. Chứng kiến sự việc trên, khoảng 20 người dân đi đường, sinh sống gần đó đã xúm lại thu gom giúp số cá trên cho tài xế. Hành động ý nghĩa trên khiến tài xế, chủ hàng cũng như dư luận đồng tình, mến phục.

Chia sẻ về những giải pháp căn cơ đẩy lùi tâm lý “hôi của” cũng như sự vô cảm tạo hình ảnh xấu về bản thân và cộng đồng, Tiến sĩ Trần Thu Hương cho rằng, cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ ngay từ nhỏ.

Chúng ta đừng có quan điểm, việc dạy trẻ chỉ là dạy chữ, dạy con số, mà chúng ta cần dạy trẻ nhận diện được những hành vi phù hợp với giá trị, chuẩn mực của cộng đồng, cuộc sống mà ở đó, trẻ là thành viên.

Cùng với đó, song song với việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta như: “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”…, các cơ sở giáo dục đào tạo cũng nên nghiên cứu, tăng cường hơn nữa nội dung, các bài học về giáo dục kỹ năng sống, sự tự kiểm soát hành vi, cảm xúc bản thân mình trước những hiện tượng, sự việc tiêu cực; để trẻ thấy rằng, bất kể hành vi nào của mình cũng sẽ làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Dưới góc độ an toàn cháy nổ, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội nhấn mạnh rằng, hành động mọi người xúm lại hiện trường chiếc xe chở dầu gặp nạn để thu vét dầu ở Pakistan vừa qua cũng như hiện tượng đám đông “hôi của” các xe chở hóa chất, chất nguy hiểm như: xăng, dầu, gas… là rất nguy hiểm. Bởi đây là những chất gây cháy, nổ trực tiếp, nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao.

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng khuyến cáo, khi gặp các trường hợp xe chở hóa chất, chất nguy hiểm (xăng, dầu, gas…) hay các phương tiện giao thông chở hàng hóa gặp nạn, để phòng ngừa cháy, nổ gây hậu quả đau lòng xảy ra, người dân cần báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 cũng như các đơn vị chức năng gần nhất để có phương án bảo vệ hiện trường, hỗ trợ người gặp nạn.

Trần Huy
.
.
.