Tai nạn do pháo gia tăng những ngày Tết: Bài học không thừa

Thứ Hai, 11/02/2019, 07:24
Trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trên cả nước có 287 người phải nhập viện do tai nạn pháo nổ, trong đó có những ca có nguy cơ bị mù, tổn thương nghiêm trọng ở vùng đầu, cổ, ngực, tay. Tai nạn do pháo nổ dịp Tết năm nay tăng mạnh so với Tết 2018. 


Điển hình là ngày 29-1, 4 học sinh ở xã Đức Xá, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) lên mạng mua thuốc nổ về nhồi pháo đốt trong dịp Tết thì bất ngờ phát nổ khiến 1 học sinh tử vong tại chỗ, 3 học sinh và 1 người khác bị thương nặng. Sau vụ việc đau lòng này, nhiều người vẫn không biết sợ, bất chấp tính mạng chơi pháo trong dịp Tết. 

Bị thương nghiêm trọng vì tự nhồi pháo

Chúng tôi gặp cậu bé Ngô Đức Đạt (13 tuổi, trú tại xã Vân Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) tại Viện Bỏng quốc gia với gương mặt bị bỏng nặng, cuốn gạc kín mít, trừ có đôi mắt. Vết thương khiến cậu bé nhức nhối, đau đớn và kêu khóc liên tục những ngày đầu vào nhập viện. Anh Cao Huy Trình, Điều dưỡng trưởng Khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng quốc gia) cho biết, cháu Đạt vào nhập viện trong tình trạng bị bỏng vùng mặt và viêm giác mạc nhẹ do pháo. 

Vết bỏng đã làm cả khuôn mặt cháu cháy sém, phồng rộp, đau đớn với nhiều vùng da bị loét. Theo lời kể của anh Ngô Hữu Đức (bố cháu Đạt) thì ngày 18-1, Đạt cùng với mấy người bạn mua thuốc về tự chế pháo để nổ trong dịp Tết. Khi cháu đang chế pháo trong ống bơ thì một người bạn cầm viên than đang cháy để nổ quả pháo vừa cuốn xong, nhưng không may rơi vào ống bơ của Đạt. Ngọn lửa bùng lên thiêu cháy toàn bộ vùng mặt khiến Đạt kêu khóc thảm thiết. 

Một bệnh nhân bị thương ở tay do pháo nổ.

Mọi người quanh đó nghe thấy tiếng kêu vội vã đưa cháu đến Bệnh viện Ba Vì sơ cứu, sau đó cháu được chuyển tới Viện Bỏng quốc gia. Theo anh Đức thì sau nhiều lần phẫu thuật cấy ghép da hoại tử ở mặt, vết bỏng của Đạt đã đỡ hơn trước, may mắn là hai mắt cháu không bị tổn thương nặng, ra Tết cháu sẽ tới Bệnh viện Mắt Trung ương để kiểm tra.

Mặc dù Chính phủ cấm sản xuất, buôn bán, đốt pháo đã nhiều năm, song Tết Nguyên đán năm nay số ca bị tai nạn do pháo lại gia tăng, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng đến tính mạng do tự chế pháo nổ. Điển hình nhất là 4 học sinh ở xã Đức Xá, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) lên mạng mua thuốc về chế pháo, trong quá trình nhồi thuốc đã phát nổ khiến một học sinh tử vong ngay tại chỗ, 3 học sinh khác và một người bị thương nặng. 

Đây là ca tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nhất về pháo nổ trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm nay. Không chỉ học sinh, nhiều ca tai nạn lại là người lớn, thanh niên tự chế pháo, đốt pháo dẫn tới mất tay, mù mắt, hỏng vùng mặt, cổ. Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Đăng Huân (Quảng Bình) nhập viện vào ngày 30 Tết do bị pháo nổ vào vùng mặt, mặc dù đã được mổ cấp cứu nhưng vẫn có nguy cơ mù mắt vĩnh viễn.

Bài học không thừa

Có mặt ở Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi được Ths.BS Phạm Gia Anh, Phó trưởng Khoa Ung bướu, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, trưởng kíp trực cấp cứu ngày mùng 4 Tết cho biết, trong những ngày Tết, bệnh viện cấp cứu nhiều ca tai nạn do nổ pháo. Có những ca tai nạn do pháo hết sức thương tâm, đa số là bị thương ở vùng cổ, mặt, ngực, tay. Đây đều là những ca bị thương nặng, có ca ở tuyến dưới chuyển lên, nhưng tựu chung khi bị nạn, người nhà cũng như nạn nhân đều tỏ ra hết sức ân hận vì ham vui nhất thời mà phải trả cái giá quá đắt.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết Kỷ Hợi có 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, tăng 32% so với cùng kỳ Tết 2018, không có ca tử vong. Ngày mùng 2 Tết có 18 trường hợp khám, cấp cứu do pháo, tăng 10 trường hợp so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. Hậu quả tai nạn do pháo thật khôn lường, song ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tình trạng đốt pháo trái phép, đặc biệt là pháo hoa trong đêm Giao thừa và các ngày sau Tết diễn ra nhức nhối.

Trong 3 ngày Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận 9 bệnh nhân bị thương do đốt pháo hoa, pháo nổ, pháo tự chế. Đặc biệt, trong đêm 30 Tết, có 6 bệnh nhân phải vào cấp cứu do pháo. Các ca trực cấp cứu phải thức trắng đêm để tiến hành sơ cứu, mổ vết thương cho các bệnh nhân, trong đó có những ca rất nặng.

Ngày mùng 2 Tết, có mặt ở phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), chúng tôi bị một nhóm thiếu niên ngăn đường để đốt pháo. Pháo được đặt trên bờ tường, nhóm thiếu niên châm lửa, tạo ra tiếng nổ chát chúa. Người lớn không nhắc nhở, trẻ mua và nổ pháo trái phép có thể gây ra thương tích bất cứ lúc nào, nhẹ thì bỏng, nặng thì có thể mất tay, mù mắt.

Mặc dù trước Tết, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn và bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép, nhưng pháo lọt vào nội địa vẫn rất nhiều. Trong đó nhiều vụ mua pháo từ Trung Quốc về để sử dụng như ngày 29 Tết, Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã bắt giữ Nguyễn Văn Chiến mua 4 bánh pháo nổ, 6 hộp pháo nổ giàn về chơi Tết.

Tết năm nay, ở nhiều tỉnh, thành, mặc dù người dân ký cam kết không đốt pháo nhưng tiếng pháo đì đùng vẫn diễn ra, gây một số vụ tai nạn thương tích nghiêm trọng. Tại Hà Tĩnh, trong đêm Giao thừa và mùng 1 Tết, Công an huyện Kỳ Anh đã bắt được 50 trường hợp đốt pháo, Công an huyện Nghi Xuân bắt 45 trường hợp. 

Trong 3 ngày Tết Nguyên đán, Hà Tĩnh đã xử phạt 130 trường hợp đốt pháo trái phép. Mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép đều bị xử lý hình sự, nhưng bài học nhãn tiền này vẫn không cảnh tỉnh được nhiều người. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân phải nhận thức rõ mối nguy hiểm của pháo nổ để không sử dụng, bảo vệ an toàn tính mạng của chính mình. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải quan tâm đến con em, không để các cháu tự mua thuốc về chế pháo, gây ra những hậu quả đau lòng.

Để Tết năm sau không còn tiếng pháo nổ, không còn các ca tai nạn thương tâm, ngoài siết chặt tuyến biên giới thì công tác quản lý trong nội địa, tuyên truyền tới người dân không được mua bán, đốt pháo nổ cần phải tăng cường hơn nữa.

Trần Hằng
.
.
.