Bà mẹ nghèo nuôi chữ, 7 người con vào đại học

Thứ Hai, 18/05/2015, 12:23
Chồng đột ngột qua đời vì bạo bệnh, nhưng bà Trương Thị Gái (60 tuổi, ở thôn Hải Thành, xã Phong Hải, Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) vẫn cố nén nỗi đau để làm lụng, vượt khó nuôi 7 người con ăn học thành tài...

Về xã Phong Hải, chúng tôi được cán bộ địa phương đưa đến thăm nhà bà Trương Thị Gái, một tấm gương “gia đình hiếu học” ở vùng quê biển còn nghèo khó. Bên trong căn nhà cấp 4, bà Gái kể rằng, gia đình bà làm ngư nghiệp.

Năm 20 tuổi, bà lập gia đình với ông Hồ Đăng Đương, rồi về thôn Hải Thành cất ngôi nhà nhỏ bám biển mưu sinh. Dù cuộc sống vất vả, song trong ngôi nhà của vợ chồng bà chưa bao giờ vơi đi tiếng cười nói hạnh phúc khi họ lần lượt sinh được 7 người con khỏe mạnh… Với quyết tâm nuôi dạy các con thành người, bao nhiêu vốn liếng sau những năm bám biển, vợ chồng bà đều “đầu tư” nuôi chữ cho các con.

Năm 1996, người con thứ 2 là Hồ Đăng Thiện thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng với số điểm cao khiến ngư dân làng biển Hải Thành khâm phục. Hai năm sau, người con thứ 3 là Hồ Đăng Tiến thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tiếp nối truyền thống hiếu học, các con kế tiếp của bà Gái là Hồ Đăng Ry (31 tuổi) đỗ vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Hồ Thị Quý (29 tuổi) thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Hồ Đăng Rốp (25 tuổi) đỗ vào Đại học Y dược Huế.

Bà Trương Thị Gái với Giấy chứng nhận do Hội khuyến học xã Phong Hải trao tặng.

Trong khi, “sự học” của 2 người con út chưa hoàn thành thì năm 2006, ông Đương đột ngột qua đời do mắc bệnh ung thư. Sau ngày tang chồng, bà Gái cố vượt qua nỗi đau để trở thành chỗ dựa cho các con và tiếp tục làm lụng nuôi các con ăn học…

Trò chuyện với chúng tôi, bà Gái cho biết: “Khi ông ấy mất đi, tui không biết lấy nghề chi để nuôi các con ăn học. Thế rồi, từ khoản tiền tích cóp được sau nhiều năm trời làm lụng, tui mạnh dạn đi thu mua cá, tôm của người dân đi biển để đưa lên các chợ bán kiếm lời. Nhớ lần biển động liên tục, ghe thuyền của bà con không ra khơi được nên tui phải nghỉ chợ gần cả tháng trời. Lúc này, tui phải chuyển sang nghề làm mắm ruốc, bán cháo... mới có đủ số tiền gửi cho các con đóng tiền trường đấy!”.

Sau nhiều khó khăn, thử thách, các con của bà Gái cũng đã ra trường và có công việc ổn định. Chỉ cho tôi thấy những tấm bằng khen của nhà trường tặng các con và chính quyền các cấp trao tặng danh hiệu “Gia đình hiếu học” được treo trang trọng, bà Gái xúc động nói: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm cha, làm mẹ là nhìn thấy các con trưởng thành và làm những công việc có ích cho xã hội. Giờ đây, sau nhiều năm lam lũ, tui có thể tự hào về sự vượt khó học giỏi của các con của mình...”.

Nói về tấm gương vượt khó nuôi con ăn học thành tài của bà Gái, ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải bày tỏ: “Nhiều năm qua, dù mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng bà Gái vẫn nghị lực chăm lo cho 7 người con học hành đầy đủ, trong đó có đến 5 người thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Gia đình bà Gái chính là tấm gương sáng trong phong trào “khuyến học, khuyến tài” ở vùng quê biển còn nhiều khó khăn này”.

Anh Khoa
.
.
.