“Bà hỏa” rình rập các cơ sở thu gom phế liệu

Thứ Ba, 04/07/2017, 10:12
Đại diện Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 nhấn mạnh, để ngăn chặn, đẩy lùi các vụ hỏa hoạn xảy ra tại các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu phải tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, vận động các hộ kinh doanh cá thể trang bị phương tiện PCCC, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC.


Vụ cháy gần đây xảy ra lúc 12h45 ngày 26-6, tại xưởng tái chế phế liệu của ông N.V.K ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau 45 phút, với sự hỗ trợ của người dân, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CSPCCC) đã khống chế và dập tắt đám cháy. Toàn bộ phế liệu (chủ yếu là phế phẩm nhựa) trong khu nhà xưởng có diện tích 200m² nhanh chóng bị thiêu rụi. 

“Rất may, vụ hỏa hoạn trên xảy ra vào buổi trưa, ngọn lửa nhanh chóng bị dập tắt nên đã ngăn chặn được nguồn lửa cháy lan sang các khu nhà xưởng khác”, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng CSPC&CC số 7 (Hà Nội)  nhớ lại.

Hiện trường vụ cháy xưởng tái chế phế liệu ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.

Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng tỏ ra lo ngại trước nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập quanh các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn. 

Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, chỉ tính riêng xã Tân Triều có khoảng 25 hộ kinh doanh cá thể thu mua, tái chế phế liệu với gần 100 nhà xưởng, kho chứa tạm và khoảng 23 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có tính chất quy mô. Phế liệu mà các cơ sở thu gom, tái chế chủ yếu là lông gà, lông vịt, ni lông, đồ gia dụng bằng nhựa - những vật liệu dễ gây cháy, nhất là đối với lông gà, lông vịt. Khi bén lửa, số lông gà, lông vịt này sẽ tạo ra một lớp phủ kín bên ngoài. 

Nếu nhìn qua, sẽ lầm tưởng ngọn lửa đã tắt, nhưng thực chất nó vẫn cháy âm ỉ bên trong. Và đến một lúc nào đó, khi nhiệt được sinh ra, ngọn lửa lại bùng cháy. Việc thu mua, tái chế các loại nguyên liệu này trong khi công tác PCCC tại chỗ của người dân còn yếu - đây cũng là một thực trạng chung đã và đang xuất hiện ở nhiều làng nghề, khu vực có hoạt động thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn thành phố.

Đến làng thu gom phế liệu Triều Khúc (Tân Triều) vào trưa 30-6, chúng tôi giật mình khi thấy nhiều con ngõ thuộc khu vực xóm Lẻ, thôn Triều Khúc bị choán gần hết lối đi lại bởi các đống phế liệu. Tại sân chơi xóm Lẻ, một số chủ hộ kinh doanh còn tận dụng làm nơi tập kết phế liệu. Tại làng Triều Khúc, nhiều nhà kho, xưởng sản xuất chỉ được dựng lên tạm bợ bởi hệ thống tấm tôn lợp, ván gỗ, vải bạt… Bên trong, đường dây điện được căng mắc chằng chịt. 

Đáng chú ý, có những điểm, nguồn phế liệu được thu mua về tập kết cao ngất đến cả nóc nhà. Số hộ thu mua, tái chế phế liệu này dường như chưa hề biết đến vụ hỏa hoạn mới xảy ra cách đó không lâu, nên vẫn còn chủ quan với công tác PCCC. Nguy cơ tiềm ẩn “bà hỏa” ghé thăm trên cũng xuất hiện tại một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thu mua, tái chế phế liệu tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng cho rằng, tại một số khu vực xuất hiện tình trạng lấn chiếm, dựng nhà xưởng tạm để thu mua, tái chế phế liệu. Số chủ cơ sở này không trang bị đầy đủ các dụng cụ PCCC; hệ thống điện câu mắc, đường dây dẫn điện đi trần, phía dưới bảng điện, ổ điện còn sắp xếp hàng hóa vật tư không đảm bảo khoảng cách an toàn… rất dễ dẫn đến tình trạng chập, cháy. Một số chủ cơ sở còn chủ quan khi sử dụng nguồn lửa để đun nấu trong nhà xưởng, để rồi khi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.

Đại diện Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 nhấn mạnh, để ngăn chặn, đẩy lùi các vụ hỏa hoạn xảy ra, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, vận động các hộ kinh doanh cá thể trang bị phương tiện PCCC, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, ngay từ bây giờ, chính quyền sở tại cũng cần có biện pháp quản lý đất xen kẹt, đất nông nghiệp một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa. 

Đồng thời, bố trí các nguồn nước phục vụ chữa cháy, sản xuất, sinh hoạt đối với khu vực làng nghề và các khu tập trung đông các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực này.

Trần Huy
.
.
.