Âm thanh dân tộc trên phố đi bộ

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:32
Cứ đều đặn tối thứ 6 hàng tuần, phía trước Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (Hà Nội) trên phố Lê Thái Tổ, âm thanh của cây đàn nhị, đàn bầu, đàn tứ của ban nhạc Nét Nhị Cầm lại trầm bổng vang lên, theo cách rất khác.


Ca khúc “Happy New Year” trong hòa âm của những nhạc cụ dân tộc khiến khán giả thích thú. Không chèo kéo, chẳng mời gọi, từ những người lớn tuổi đến những những người trẻ, họ bị cuốn hút một cách tự nhiên bởi âm thanh độc đáo từ loại nhạc cụ tưởng rất quen mà lạ.

Chẳng ai bảo ai, người tới trước ngồi xuống, người tới sau thì đứng tạo thành vòng tròn quanh các nghệ sỹ. Cứ sau mỗi đoạn cao trào là những tràng vỗ tay tưởng thưởng tới từ phía đám đông.

Nghệ sỹ trẻ Trần Văn Xâm và khán giả cùng đắm say những âm thanh dân tộc tại “sân khấu” phố đi bộ.

Thỉnh thoảng vài người bỏ tiền vào chiếc thùng nhỏ để ủng hộ cho những người nghệ sỹ đang say mê phục vụ khán giả. Đám đông thực sự “nóng” theo nhiều nghĩa, vì giữa tiết trời mùa đông vẫn có thể đổ mồ hôi mà chẳng ai muốn rời đi. Nhạc cứ vang và người nghe cứ say đắm tới tận khuya, cho tới khi dòng người vãn hẳn thì lúc ấy tiếng nhạc mới dứt.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu khá muộn, vào lúc 23h30 phút, khi khán giả đã ra về hết. Chàng trai trong chiếc áo the chơi đàn nhị giới thiệu anh là Trần Văn Xâm, trưởng nhóm và cũng là solo chính. 4 thành viên còn lại gồm có: Đức Dũng - đàn nguyệt, Ngọc Minh - đàn bầu, Trí Thành - đàn tứ và Khắc Huấn - trống da trâu. Các thành viên của nhóm là giảng viên, sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia và Đoàn Ca múa nhạc Việt Nam. Bắt nguồn từ đam mê nhạc cụ dân tộc, các thành viên đã lập nhóm và biểu diễn tại phố đi bộ đến nay được 4 tháng.

Nói riêng về cây đàn nhị, anh Xâm cho biết, lên sân khấu từ ngày rất nhỏ nhưng phải đến những năm đại học, anh mới nhận ra trong tâm niệm của nhiều người đàn nhị không phải là nhạc cụ để biểu diễn mà là đàn... đám ma.

Điều đó đúng bởi chúng ta thường chỉ nghe thấy âm thanh réo rắt của đàn nhị khi tiễn đưa ai đó về cõi vĩnh hằng. Rồi nhiều khi biểu diễn khán giả vỗ tay tán thưởng tới vài tiếng đồng hồ xong cuối buổi hỏi đàn anh chơi là đàn gì mà lạ thế.

Lúc ấy Xâm thấy tủi cho cây đàn không có vẻ ngoài hào nhoáng và tủi về nghề. Nhưng niềm yêu đàn đã giúp anh vượt qua tất cả và đi tới quyết định sẽ phải quảng bá để mọi người biết nhiều hơn về cây đàn nhị nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung.

Thành lập từ những con người đã quen hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp và đầy đam mê, các thành viên của nhóm đều chủ động đóng góp ý tưởng và luyện tập hết sức nghiêm túc.

Ngọc Minh, người chơi đàn bầu của nhóm và đang là sinh viên cho biết, các thầy truyền cho em niềm đam mê khiến tình yêu với đàn vốn đã lớn lại càng nhiều thêm, tới giờ đàn chẳng những là nghề nghiệp mà còn là cuộc sống.

Ngoài giờ lên lớp, cứ có thời gian là mọi người đều dành cho tập luyện chung, phát triển cái mới. Nét Nhị Cầm bắt đầu biểu diễn những bài truyền thống như: Bèo dạt mây trôi, hoa thơm bướm lượn, em ơi Hà Nội phố... để ướm thử mức đón nhận của khán giả. Sau khi đã có vị trí trong lòng người nghe, nhóm thêm vào đó những “màu sắc”.

Sau quá trình thử nghiệm sự cổ truyền của âm nhạc phương Đông kết hợp cùng sự mới mẻ của phương Tây, Nét Nhị Cầm đã có khá nhiều các tác phẩm mang phong cách Pop, Ballad bắt tai theo phong cách độc đáo được công chúng hưởng ứng gồm Triệu bông hồng, Chiều Mascova, Heal the world...

Anh Xâm chia sẻ, bản thân anh và cây đàn nhị đã được mời tới Mỹ, Anh, Pháp, Nga biểu diễn và nhận được giải thưởng quốc tế như giải Nhì độc tấu đàn Nhị quốc tế (Thượng Hải - Bắc Kinh năm 2012).

Bên cạnh đó, anh đã đứng trên nhiều sân khấu, trước các vị nguyên thủ quốc gia và tại những quán cà phê sinh viên, cảm nhận chung là mọi người đều hứng thú. Nhưng lòng yêu mến của khán giả tại phố đi bộ thì hoàn toàn khác biệt bởi nó rất rõ ràng và mạnh mẽ.

Chơi nhạc tại phố đi bộ đồng nghĩa với người nghệ sỹ và khán giả ở gần sát bên nhau hơn bất kỳ loại hình nào khác. Tại đây mọi tầng lớp đều bình đẳng, không có khoảng cách, không có rào cản, họ giao tiếp bằng âm nhạc.

Khán giả lắng nghe âm thanh những cây đàn dân tộc.

Thêm nữa, khán giả không cần đợi chờ mua vé, ai muốn nghe thì tới, chán thì đi. Đây chính là liều thuốc thử rõ ràng nhất bởi nếu muốn có được khán giả thì sản phẩm âm nhạc phải thực sự chất lượng.

Tại các chương trình có bán vé, nhóm có thu nhập 4-5 triệu đồng một người. Còn tại phố đi bộ, tiền thu được chỉ mang ý nghĩa ủng hộ tinh thần. Nhóm xác định mục đích chính là quảng bá những nhạc cụ của dân tộc và biểu diễn vì niềm đam mê và không đặt nặng kinh tế.

Thời điểm hiện tại, hoạt động chính của các thành viên là tập trung trau dồi kiến thức chuyên môn, sáng tác, tập luyện và biểu diễn. Trong khi chúng tôi trò chuyện, có hai du khách Pháp đã bày tỏ niềm yêu thích và ngỏ ý muốn mua các sản phẩm âm nhạc của nhóm.

Một điều mà người nghệ sỹ trẻ Trần Văn Xâm ấp ủ đó là làm cho người trẻ hiểu và yêu những nhạc cụ hồn cốt của dân tộc. Để làm được điều này, anh xác định rằng trước tiên anh và những người nghệ sỹ có nhiệm vụ phải thể hiện được cái đẹp trong âm nhạc dân tộc sau đó mới có thể hy vọng vào sự đón nhận của khán giả.

Trung Hiếu
.
.
.