Ám ảnh những vụ “chết vì rượu” ở miền Tây

Thứ Năm, 23/02/2017, 08:38
Mấy ngày qua, người dân cả nước bàng hoàng về thông tin vụ ngộ độc ở thôn Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, khiến 9 người chết và hàng chục người có di chứng nặng nề. Từ vụ ngộ độc này, chúng tôi nhớ lại những vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ những năm trước đây.


Xôn xao nhất là 10 trường hợp tử vong do uống rượu tại huyện Châu Thành, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) vào tháng 6-2009. Sự việc bắt đầu từ tiệc rượu chiều 15-6-2009. Lúc đó, ông N.T.L (ngụ khóm 3, phường 3, TP Sa Đéc) làm cơm mời cháu là anh L.V.Đ ghé nhà chơi. Sẵn nhà bán rượu,  ông L. mang ra đãi hết 1 lít. 

Sau khi nhậu ở nhà ông L. về, anh Đ. lơ mơ đến sáng thì tay chân co quắp, mắt trợn ngược và từ giã cuộc đời. Lúc này, ông L. cũng có triệu chứng tương tự, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng một ngày sau thì tắt thở. 

Cái chết của ông L. và anh Đ. vẫn không làm các con nghiện khiếp sợ, thấy quan tài nhưng chưa đổ lệ. Trong đám tang ông L., rượu trong nhà được mang ra đãi hết và mua thêm 5 lít của hàng xóm. Uống xong, thêm 2 người cháu "đi theo" ông L., một người hàng xóm ngộ độc được chuyển lên TP Hồ Chí Minh cấp cứu kịp thời nên thoát chết. 

Trước đó một tuần, anh N.H.V và L.V.T  (ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cũng bỏ mạng khi mua 2 lít rượu của gia đình ông L. về uống...  Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp lúc đó, từ ngày 9 đến 23-6, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 trường hợp ngộ độc rượu, khiến 10 người chết.

Một vụ ngộ độc rượu được cấp cứu tại bệnh viện (ảnh minh họa).   

Tại Long An, cuộc đấu rượu một mất một còn vào năm 2012 ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức khiến người dân nơi đây khó quên. Sáng 23-10-2012, ông P.V.R rủ ông P.V.T (cùng ấp 2, xã Nhựt Chánh) với 3 người khác nhậu ở nhà một người bạn cùng ấp. Trong đó, chủ nhà uống bia, 4 người còn lại uống 1 lít rượu do ông R. mua mang tới. Uống đến 9 giờ thì hết rượu, ông R. rủ ông T nhậu tiếp nhưng ông này từ chối vì mới hết bệnh. Ông R. “khích tướng” hoài nên ông T. liền nói: “Thích thì chơi”.

 Mua 2 lít rượu về, ông R. chia đều 2 ca nhựa rồi thách ông T. đọ tửu lượng. Sẵn hơi men, ông T. đưa ca lên ngửa cổ uống. Ông R. cũng cầm ca đưa lên nốc ừng ực rồi cả hai không còn nhớ gì cả. Đến đầu giờ chiều, mọi người phát hiện ông R. chết, nằm lên chân bạn nhậu. Ông T. hôn mê, đưa vào bệnh viện cấp cứu nên thoát chết.

Trước đó, từ ngày 28-4 đến 7-5-2008, tại Hậu Giang xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc rượu, trong đó 7 người tử vong. Điển hình, trong hai ngày 3 và 6-5-2008, anh V.H.P (ngụ ấp 2, xã Hòa An) và anh L.V.K (ngụ ấp Phương Hòa, xã Phương Bình) do bị ngộ độc rượu nên đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Người nhà của các nạn nhân cho biết, trước đó anh K. và anh P. đều uống cùng một loại rượu có màu trắng đục mua tại tiệm tạp hóa trong xóm…

Cũng vào ngày 9-5-2008, thêm một bệnh nhân bị ngộ độc rượu được gia đình đưa từ TP Hồ Chí Minh về Sóc Trăng an táng. Đó là anh L.T.T (thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

 Được biết, trước ngày 30-4-2008, anh T. từ TP Hồ Chí Minh về quê nhậu cùng một nhóm bạn từ chiều đến gần nửa đêm. Sau nghỉ lễ, anh T. trở lại TP Hồ Chí Minh. Đến chiều 2-5-2008, thấy mệt nên anh T. sang Trạm y tế gần nơi ở truyền 2 chai nước biển cho khỏe nhưng về đến nhà thì choáng váng, đau đầu, nôn ói... Được bạn bè đưa vào Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu nhưng T. không qua khỏi vì bác sĩ cho biết bị ngộ độc rượu quá nặng, não bị phù.

Nhậu với T. trong dịp lễ 30-4 đó có gần 10 thanh niên ở xã Long Phú, xã Đại Ân 2 và thị trấn Long Phú. Trong đó, L.V.H (ngụ ấp Ngan Rô 2, xã Đại Ân) đã tử vong ngày 8-5. Cùng vào thời điểm, theo báo cáo của ngành chức năng Sóc Trăng, từ ngày 1 đến 6-5-2008, ở 2 huyện Long Phú, Kế Sách và TP Sóc Trăng có 3 người chết do ngộ độc rượu, nâng tổng số bệnh nhân “ra đi” vì rượu ở Sóc Trăng lúc đó lên 5 người.

Theo các chuyên gia, các triệu chứng nhiễm độc rượu có Methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống, nhưng cũng có thể muộn hơn. Thường có 2 giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau.

 Đặc biệt, với những ca ngộ độc rượu này, bệnh nhân chỉ nghĩ là uống rượu bình thường, không hề nghĩ đến việc uống phải rượu “đểu”, trong khi những loại rượu thực phẩm sẽ làm kéo dài thời gian xuất hiện độc tính của Methanol. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc không được phát hiện. Thậm chí, có bệnh nhân uống rượu 2 ngày sau mới biểu hiện các triệu chứng ngộ độc.

 Khi bị ngộ độc rượu, lúc đến bệnh viện, bệnh nhân thường tỉnh táo, kêu đau đầu, chóng mặt. Sau đó, bệnh nhân lại quên, bồn chồn, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng, có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não. Bệnh nhân cũng bị nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu, huyết áp bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở….

Đức Văn
.
.
.