“Lửa” trên trang viết

Thứ Hai, 18/06/2018, 20:38
Cả sự hoài nghi và tin tưởng của bạn đọc đều giúp tôi và các đồng nghiệp “giữ lửa” trên mỗi trang viết.

“Chị có dám viết không?”, “Báo em có dám đăng không”, “Liệu viết lên có tác dụng gì không cháu?”… 20 năm làm báo, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi như thế. Câu hỏi khiến những người làm báo không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, tôi cũng đã được nghe không ít lời động viên, khích lệ như: “Rất tin tưởng Báo CAND”, “Tôi đến đây vì tin rằng toà soạn sẽ giúp được tôi”… Cả sự hoài nghi và tin tưởng của bạn đọc đều giúp tôi và các đồng nghiệp “giữ lửa” trên mỗi trang viết.

Từ sự tuyệt vọng của một phụ nữ

“Hội này ghê lắm! Liệu báo em có dám đăng không?” – chị bắt đầu cuộc nói chuyện với tôi như thế. Không giận chị, không tự ái vì chúng tôi hiểu, chị đã từng thất vọng khi kêu mà không thấu. Mấy năm nay con chị bỏ việc, bỏ nhà đi theo Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ. Chị đau đớn khi bị “mất con”, nhưng chị còn sốt ruột hơn khi ngày ngày có thêm vô số nạn nhân như gia đình chị, con gái chị. Không để chị thất vọng thêm lần nữa, chúng tôi đã vào cuộc.

Cả sự hoài nghi và tin tưởng của bạn đọc đều giúp tôi và các đồng nghiệp “giữ lửa” trên mỗi trang viết.

Sau khi Báo CAND đăng bài đầu tiên phản ánh thứ giáo lý kỳ quặc cùng sự nguy hại của tín đồ đi theo những kẻ “hành đạo”, nhiều tờ báo cũng vào cuộc. Chúng tôi đã bắt đầu loạt bài dài kỳ vạch mặt chân tướng của những người lợi dụng tôn giáo, lợi dụng đức tin để thu lợi, gây ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, cuộc sống gia đình, kinh tế của người tham gia. Chị là người giúp chúng tôi nhiều nhất để thực hiện loạt bài này. Chị cũng là người thổi lửa cho chúng tôi trên mỗi trang viết.

Những ngày đó, tôi như sống cùng nỗi đau đớn của chị và những gia đình nạn nhân mà chị giới thiệu. Tôi gọi chị là Phạm Thu. Cậu con trai đưa chị đến tòa soạn. Khóc nức nở chị kể, chị tìm mọi cách để giành giật con ra khỏi cái thứ giáo lý kỳ quặc và cách lôi kéo, lợi dụng các tín đồ. Đã có nhiều gia đình tan vỡ, vợ mất chồng, cha mất con, gia đình ly tán, tương lai đóng cửa…

Chị nói rõ với tôi, chị bị mất lòng tin vào các cơ quan chức năng. Chị đến nhiều nơi cầu cứu nhưng đều quay về trong bế tắc. Giờ thì chị đặt niềm tin vào chúng tôi, mong làm được điều gì đó để đưa con trở về và cảnh báo để người khác tránh đi vào “vết xe đổ”.

Qua chị Thu, tôi gặp 5 gia đình đang rơi vào tình cảnh giống chị trong một ngày mưa gió. Mỗi lời kể của họ cứ thấm dần, thấm dần trong tôi. Tôi gặp một số người đã từng bỏ chạy khỏi tổ chức này. Họ cung cấp thông tin cho tôi, giúp tôi có được cái nhìn toàn diện nhất, khách quan nhất về hoạt động của hội nhóm này và những hậu quả nghiêm trọng do nó mang lại.

Tôi thường xuyên trao đổi với một người tích cực hoạt động tuyên truyền nhằm cảnh báo người dân nhận diện và tránh xa thứ đạo không phù hợp với luân thường đạo lý. Mỗi hoàn cảnh một nỗi đau, mỗi người một nỗi bất hạnh riêng. Hậu quả nghiêm trọng của nó khiến chúng tôi vô cùng trăn trở.

Tôi, chị Thu, và những người cùng mục đích đã có tham vọng ít nhất thì cảnh báo được cho toàn xã hội biết để tránh, đưa được người thân về với gia đình, mong những kẻ vi phạm bị xử lý. Và, điều đó đã thôi thúc chúng tôi viết nên những trang viết chân thực, giàu cảm xúc.

Cùng thời điểm đó, báo chí rầm rộ đưa tin. N.T.N., người giúp tôi có nhiều thông tin đã bày tỏ: “Em không nghĩ đã tạo được một hiệu ứng tốt như vậy. Trước thì thông tin bị phong tỏa. Họ còn không cho tín đồ lên mạng Internet để dễ dàng quản lý. Thế là đã thành công lắm rồi”.

Quả thực, trên các mạng xã hội người ta viết bài, chế ảnh chê bai, diễu cợt những hành động quái đản của những kẻ lợi dụng tôn giáo gây hại cho xã hội.  Dù chưa thực sự đạt được mục đích hoàn toàn bởi vẫn còn nhiều người mê muội chưa trở về với gia đình, con của chị Phạm Thu cũng vẫn ở đâu đó ngay trong nội thành Hà Nội mà gia đình không thể gặp. Nhưng, những trang viết có “lửa” đã tạo nên một làn sóng ngăn chặn trào lưu nguy hiểm đi theo Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ.

Chuyện của người thương binh già và bà mẹ trẻ

Tôi còn nhớ như in hình ảnh một bà mẹ đặc biệt nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện K Trung ương. Chị, Thiếu uý Công an Đậu Thị Huyền Trâm - đã giành giật với cái chết để giữ sự sống cho con trai. Nghị lực của một bà mẹ, nghị lực và tình yêu thương vô bờ bến của người chồng cũng là cán bộ Công an với vợ và cậu con trai ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đã làm tan chảy trái tim cứng cỏi của bất cứ ai.

Trước chất liệu cuộc sống ngồn ngộn ấy, chúng tôi đã mang theo ngọn lửa của tình người vào các trang viết, lan tỏa sự nhân văn để thấy rằng cuộc sống thật nhiều điều tốt đẹp dù luôn có thách thức buộc phải vượt qua.

Tháng 6-2016, trong chuyến công tác Thái Bình, chúng tôi tìm gặp một cựu chiến binh già. Ông sống trong một căn nhà nhỏ ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy cùng nỗi đau thể xác và tinh thần sau cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Mấy chục năm trời mảnh đạn pháo nằm trong đầu hành hạ ông. Chiến đấu từ Nam ra Bắc, bị thương nặng vẫn ở lại chiến đấu…

Thế mà, cũng vì chiến tranh ác liệt, vì sự vui mừng khi được trở về mà ông không chú ý cất giữ chứng nhận thương binh. Khi nhà nước có chính sách thay đổi, tạo điều kiện cho người có công được hưởng chính sách ưu đãi, ông thấy mình đủ điều kiện để được công nhận là thương binh nên đã làm đơn đề nghị. Cuộc sống đạm bạc ở làng quê nghèo không khiến ông suy nghĩ nhiều, nhưng điều làm ông trăn trở chính là danh dự, là tinh thần của một cựu chiến binh mong được ghi nhận những cống hiến xương máu cho Tổ quốc. Thế nhưng, mọi sự không đơn giản như ông tưởng. Công cuộc làm lại giấy tờ khúc mắc, khó khăn ở mọi chỗ.

Ông còn chẳng biết cách làm thế nào để hoàn thiện giấy tờ. Chính quyền, cơ quan chức năng hướng dẫn qua quýt rồi bỏ lửng. Thất vọng, chán nản, ông sinh ra tiêu cực. Nhìn thấy nỗi đau của ông, thấy rõ vết thương thực thể, mảnh kim khí còn trong đầu hiển hiện rõ trên tấm phim X quang, bức xúc trước sự thiếu trách nhiệm của những người giải quyết chế độ chính sách, chúng tôi tìm hiểu và quyết tâm đồng hành cùng ông.

Mang theo niềm đau đáu của người lính già, chúng tôi đưa lên mặt báo những ước mong chính đáng của ông. Thể hiện trên bài báo là nỗi niềm xót xa, là sự thúc giục các cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc để bù đắp thiệt thòi của người lính già.

Cuối cùng, sau nỗ lực của chính bản thân ông và cố gắng của chúng tôi cùng sự nhập cuộc của cơ quan chức năng Quân đội, ngành lao động, thương binh và xã hội, ông đã được công nhận là thương binh. Người lính già xúc động nhận tin vui trong những ngày cuối cùng của tháng 5-2018, tròn hai năm sau ngày chúng tôi gặp ông.

Giữ “lửa” từ tình yêu và trách nhiệm

Tháng 5-2018, dư luận sục sôi với vụ án dâm ô trẻ em được TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra xét xử. Để vụ án được đưa ra ánh sáng, cách đây mấy năm, nhiều nhà báo, luật sư, các nhà hoạt động xã hội đã đồng loạt đấu tranh, lên tiếng để vạch mặt đối tượng Nguyễn Khắc Thủy. Có những bài viết mang đầy cảm xúc, có những bài viết lập luận đanh thép nhằm lấy lại công bằng cho các bé gái, xử lý nghiêm khắc đối tượng vi phạm pháp luật…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp điều tra, làm rõ. Cuối cùng thì đối tượng phạm tội đã phải ra hầu tòa. Phiên sơ thẩm tháng 11-2017, Nguyễn Khắc Thủy bị tuyên phạt 3 năm tù giam. Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm tháng 5-2018, đối tượng này lại chỉ bị tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng.

Một bản án gây bức xúc dư luận. Một lần nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những bài báo dậy sóng phản đối bản án này. Và, sau những trang viết đầy trăn trở của nhiều tờ báo, Tòa án cấp cao kháng nghị hủy án phúc thẩm.

Có thể coi, “lửa” trên từng con chữ, trong mỗi trang viết được kết tinh từ chính tình yêu nghề và trách nhiệm với cộng đồng, với từng nhân vật báo chí mà người phóng viên đã có duyên gặp gỡ.

Mỗi trang viết ấy mang thêm sức mạnh đấu tranh chống cái xấu, nhân lên những điều tốt đẹp. Từ vấn đề nóng được bàn thảo ở nghị trường Quốc hội cho đến những vấn đề nóng, dư luận quan tâm, hay chỉ là một nguyện vọng cá nhân chính đáng, một mảnh đời đáng thương… đều được các nhà báo tâm huyết đi tận cùng vấn đề, đấu tranh để đạt hiệu quả cao nhất có thể. 

Mỗi ngày, tòa soạn báo lại tiếp nhận vô số thông tin mới, những phản hồi, phản ánh mới từ người dân, độc giả. Và mỗi ngày, chúng tôi lại cho ra “lò” những trang viết nóng hổi hơi thở cuộc sống, mang theo “lửa” từ trái tim và tinh thần trách nhiệm.

Nguyễn Minh Phương
.
.
.