Ca sĩ Bạch Yến:

Xa trông cố hương...

Thứ Tư, 04/02/2015, 08:00
73 tuổi, như lá tìm về cội, Bạch Yến đáp máy bay từ Pháp về Việt Nam liên tục để làm đĩa, làm liveshow. Bạch Yến là một danh ca. Điều ấy không phải bàn cãi. Nhưng thú thật, tôi chưa thấy danh ca nào mang phong cách sang trọng, rất "bà đầm" (nói theo kiểu chị tự trào) lại gần gũi đến vậy. Đầu tháng 12, khi còn ở Paris, Bạch Yến đã hẹn: "Sau liveshow "Đêm đông", rảnh rang là hai chị em mình đi bụi ngoại thành bằng xe máy nha". Chị và tôi cười giòn trong điện thoại. Tôi cứ tưởng chị đùa. Vậy mà tuần sau, chị dặn "nhớ đến đón chị ở cái nhà có bà cụ bán cà rem", rồi chuẩn bị sẵn nón lá để che cái nắng nhiệt đới.

Tháng 3 năm ngoái, hạnh ngộ nhau ở góc đường Trương Định, chị bảo chở chị dạo quanh TP HCM bằng chiếc xe máy cà tàng của tôi. Tôi cứ ngạc nhiên tự hỏi làm sao mà một danh ca lại bình dân thế được. Ngồi sau, chị cứ ngó nghiêng, hỏi han mọi thứ như đứa trẻ nít. Về Việt Nam chị thấy cái gì cũng thương hết. Thương từng bác bán vé số đội nắng trên đường, thương hàng hủ tiếu gõ, thương những mẹt hàng rong tất tả ngược xuôi… Trước đêm diễn, chị mua rất nhiều đóa hồng mang tặng kèm ổ bánh mì cho người vô gia cư, nghèo đói. Chị rong ruổi khắp thành phố, đem tặng từng người, rồi hát cho họ nghe những bài ca quê mình.

Lứa tuổi tôi, lý ra phải gọi ca sĩ Bạch Yến là bà. Nhưng chị cứ muốn tôi gọi là chị, chẳng phải để thấy mình còn trẻ, mà để khoảng cách của hai người đừng quá xa tít tắp cả mấy thế hệ, khó nói chuyện. Hồi đó, Bạch Yến tâm sự với tôi rằng, chị đang tìm số của nhà báo Đoàn Thạch Hãn. Chị thường bảo: "Anh ấy là trong số những người viết về chị đúng nhất, dù ảnh chưa gặp chị bao giờ". Nhận được điện thoại của Bạch Yến, nhà báo Đoàn Thạch Hãn nghẹn lời. Ông chẳng ngờ một danh ca lại cố công mấy năm trời nhằm tìm bằng được nhà báo chưa từng gặp mình chỉ để xin cái hẹn gửi lời cảm ơn vì bài viết. Chị hẹn gặp ông ở quán quen trên đường Trương Định, quận 3, hẹn 6h tối nhưng chờ hoài chưa thấy ông tới. Càng lúc Bạch Yến càng thấy lo. Hơn một tiếng sau, chị thấy một người đàn ông tóc đã điểm sương hớt hải bước vào quán, trên tay là bó hồng rất đẹp. Hóa ra nhà báo Đoàn Thạch Hãn đến trễ vì tìm mua hoa giữa lúc phố phường vào giờ cao điểm.

Bất ngờ, xúc động nhưng chị cứ tự trách: mình gặp để cảm ơn người ta, đã không có quà mà lại để người ta mua hoa tặng, thiệt kỳ quá. Lần gặp đó cũng là lần gặp gỡ duy nhất của hai người. Bây giờ, nhắc đến đám tang Đoàn Thạch Hãn, chị lại day dứt khi mình không kịp về tiễn đưa ông.

Ca sĩ Bạch Yến. Ảnh:DL Duy.

Sống ở phương Tây hơn 50 năm, ở Bạch Yến toát lên sự sang trọng, quý phái không chỉ trên sân khấu, trong giọng hát mà còn trong cung cách ứng xử lịch thiệp hằng ngày. Thế nhưng cách sống của chị lại không hề biệt lập mà chân thành, mở lòng với tất cả mọi người. Với ai, Bạch Yến cũng muốn họ vui bằng những câu pha trò dí dỏm. Chị muốn cái gì cũng thật tuyệt vời và sự tuyệt vời đó phải bắt nguồn từ bản chất, từ nguyên gốc giản dị, đáng mến.

Báo chí phương Tây thường gọi Bạch Yến là Lọ lem Việt Nam. Tuổi thơ cơ cực bên mái lá nghèo ven sông Sài Gòn của cô bé quê Sóc Trăng đã hoàn toàn thay đổi khi gặp đôi giày thủy tinh định mệnh: "Đêm đông" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Trong màn đêm của phòng trà, tiếng hát phiêu linh trong điệu slow rock vang lên thay thế điệu tango quen thuộc đã làm khán giả ngỡ ngàng. Để rồi, cô bé 15 tuổi bắt đầu chuyến phiêu du đầy hạnh phúc bên hoàng tử mang tên âm nhạc.

Thập niên 60 của thế kỉ trước, Bạch Yến là cái tên sáng giá bậc nhất trong làng ca nhạc Sài Gòn. Song chị tạm gác lại mọi thứ để tìm cơ hội ở nước ngoài. Năm 1961, chị sang Pháp học hỏi thêm kỹ thuật thanh nhạc… Bạch Yến kể: "Thầy dạy bảo hát nhạc Dalida, Edith Piaf, chị đều hát ngon lành, tưởng thầy sẽ rất hài lòng, ai ngờ chị bị mắng một trận vì mọi thứ đều là bắt chước, mình không có cái riêng".  Khi đã tìm được phong cách riêng trong những điệu twist, swing jazz tươi trẻ, sang trọng, Bạch Yến được hãng Polydor mời thu âm.

Ba đĩa thu âm và các cuộc trình diễn ở một số nước như Đức, Bỉ, Áo của Bạch Yến đang được khán giả ủng hộ thì chị quyết định trở lại quê nhà.  Bởi đi đến nơi đâu, nỗi nhớ quê vẫn không thôi giày vò.  Đôi khi, chị nghe chạnh lòng với  những câu hát thao thiết cất lên từ môi mình: "Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng". Phải chăng "Đêm đông" không chỉ là định mệnh mà còn là lời tiên tri cho kiếp tha phương của chị? Hợp đồng 12 ngày với chương trình truyền hình The Ed Sullivan show (chương trình ăn khách nhất của Mỹ trong khoảng thời gian 1950-1970 do Edward Vincent Sullivan sáng lập) đã khiến năm tháng Bạch Yến xa quê trở nên đằng đẵng. Thấm thoắt, đã hơn 50 năm chị xa cố hương.

Bạch Yến được xem là một trong 10 ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam và sở hữu nhiều cái đầu tiên và nhất. Bởi đâu phải ca sĩ nào cũng được mời vào chương trình truyền hình The Ed Sullivan show. Đâu phải ai cũng dễ dàng được trình diễn cùng các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ thời đó như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Mike Douglas... Chị còn là ca sĩ Việt Nam đầu tiên đến với Califonia, trình diễn tại 46 tiểu bang của Mỹ và là ca sĩ Việt Nam duy nhất được Mike Qayne mời hát trong phim "Mũ nồi xanh" (The Green Berets) của Hollywood.

Thành tựu như vậy, nhưng nặng tình với cố hương, Bạch Yến tạm gác lại để rẽ sang con đường mới, khó khăn hơn ngay trên xứ người: âm nhạc dân tộc. Chị biết, dù có đi đâu về đâu thì mình vẫn là người Việt. Ý thức đó mạnh mẽ từ những năm chị lưu diễn thế giới. Khán giả khắp năm châu ngày ấy thường thấy một cô ca sĩ nhỏ bé dù hát bất kỳ thể loại nhạc gì cũng mặc áo dài. Quá ấn tượng, có lần danh ca, minh tinh màn bạc Frank Sinatra  (từng đoạt Oscar, Quả cầu vàng...) đã mời Bạch Yến ăn tối. Vừa mừng, vừa sợ khi nhận lời mời từ thần tượng, khắp người chị nổi mề đay. Đến lần hẹn sau phải có mẹ đi cùng chị mới thôi hồi hộp.

Sự nghiệp theo đuổi âm nhạc dân tộc của Bạch Yến bắt đầu khi chị nên duyên với giáo sư Trần Quang Hải năm 1978. Bạch Yến thường đùa, với tân nhạc chị là nhân vật chính, chồng chỉ là người góp vui thì với âm nhạc dân tộc chị lại là người xách đờn cho chồng. Mà để xách được đờn, một ca sĩ đậm đặc phong cách Tây như chị phải mất 15 năm ròng rã tập làm quen với âm nhạc dân tộc.

Bạch Yến quan niệm nghệ sĩ là người làm văn hóa, do vậy mỗi lần biểu diễn dân ca cổ truyền cho khán giả ngoại quốc, chị đều giảng giải rõ ý nghĩa và cái hay của nó rồi hát nguyên gốc, chứ không chuyển lời ngoại. Bởi chuyển lời, âm nhạc dân tộc sẽ không còn là nó nữa. Khi trình diễn chị cũng hạn chế đeo trang sức, không sơn móng tay, chỉ mặc chiếc áo dài để giữ vẻ mộc mạc của người phụ nữ Việt. Đến nay, vợ chồng chị đã giới thiệu âm nhạc dân tộc đến hơn 70 nước.

73 tuổi, nhưng giọng hát trầm, vang, khỏe của chị vẫn như ngày nào khi ngân nga, luyến láy các nhạc phẩm ngoại quốc bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý hoặc Do Thái. Trong liveshow "Đêm đông" ở Nhà hát Hòa Bình, người ta còn nghe thấy niềm háo hức khi lần đầu tiên chị làm một đêm nhạc đúng nghĩa dành cho công chúng quê nhà sau nhiều năm tha phương. Cuộc đời Bạch Yến tái hiện trong các bản nhạc: "Đêm đông", "Cho em quên tuổi ngọc", "Đi với tôi đến chốn trời xa", "Lời buồn thánh",  "If you go away", "La Llorona", "Et Maintenant",  "Cielito Lindo"…  Chị cũng trình bày "Hát ru ba miền" để gửi gắm tâm tình với dân ca. Số lượng bài hát gắn với tên tuổi Bạch Yến không nhiều. Thế nhưng bài nào chị đã chọn thì bài đó đi vào lòng thính giả. Phải nói Bạch Yến là người rất kén chọn và tỉ mỉ.

Dạo thu âm CD tình khúc Lam Phương, từ nước Pháp, chị liên tục gọi điện cho nhạc sĩ Lam Phương ở Mỹ chỉ để dò từng từ, từng câu trong bài hát, thậm chí là hát nguyên bài xem có lời nào hay giai điệu nào sai để ông chỉnh lại. Với chị, sai một từ là cả sự xúc phạm với tác giả, với bài hát, với chính mình và đặc biệt với công chúng.

Nghe chị hát qua điện thoại, Lam Phương thốt lên:  "Khâm phục Bạch Yến. Tuổi này mà còn hát khỏe quá!". Có lần chị thắc mắc: "Tiếng Việt bây giờ có nhiều từ chị không hiểu. Nên có lúc, vừa hát xong, khán giả nói chị hát "máu" quá. Chị ngớ người ra, không hiểu "máu" là gì?". Tôi giải thích xong thì chị cười: "Hát là phải vậy em à, phải cuồng nhiệt, hát bằng chính ngón tay, trái tim, bờ môi, ánh mắt mình. Ngày nào chị cũng bỏ ra một tiếng để luyện thanh, đến khi nào mình không hát nổi nữa mới thôi".

Tết Nguyên đán trên quê hương chưa đến nhưng tâm hồn của chị đã như chú én nhỏ chờ vỗ cánh báo xuân. Những xuân xưa trên xứ người trong băng giá, chị vẫn vận áo dài thật đẹp làm lễ giao thừa. Mâm cúng có món ăn Việt như dưa chua, thịt kho trứng, xôi, gà luộc… do chị làm. Rồi chị gọi điện về Việt Nam, nghe hơi xuân ấm nồng trong giọng cười nói của mọi người. Lúc ấy, Bạch Yến mới càng thấm thía lòng người lữ thứ trong "Đêm đông". Cho nên, khán giả yêu cầu bài hát để đời, đôi lần Bạch Yến đùa: "Quý vị yêu cầu Bạch Yến hát bài này hoài, không khéo Bạch Yến cứ xa quê hoài thôi".

Mai Quỳnh Nga
.
.