NSƯT Thúy Ngần: Mải miết truyền nghề

Thứ Năm, 22/05/2014, 08:00
Dù là qua điện thoại hay trò chuyện trực tiếp với NSƯT Thúy Ngần thì điều chúng tôi ấn tượng nhất vẫn là sự vồn vã, cởi mở của chị...

Đã tròn 10 năm kể từ ngày Thúy Ngần tạm biệt cánh màn nhung, tạm biệt ánh đèn sân khấu để trở thành giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhưng với không ít khán giả yêu chèo thì tiếng hát Thúy Ngần vẫn là điều khó có thể bị lãng quên. Từng ghi dấu ấn ở nhiều vai diễn như cô Tấm trong "Tấm Cám", Lụa trong "Từ Thức", nàng Cóc trong "Trê cóc tranh con", Hoàng hậu trong "Gươm báu truyền ngôi"... và gần đây nhất, năm 2013, khi đạo diễn Lưu Ngọc Hà làm phim "Đào sen" kể về cuộc đời, số phận của một nghệ sĩ chèo, anh đã mời NSƯT Thúy Ngần hát lồng tiếng trong phim thì khán giả có cảm giác thời gian chỉ làm cho giọng hát ấy thêm mặn mà, sâu lắng.

NSƯT Thúy Ngần hẹn gặp chúng tôi tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nơi chị đang công tác với vai trò Giám đốc Nhà hát thể nghiệm và giảng viên khoa Kịch hát dân tộc. Vừa giảng dạy, hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp, sinh viên thi tài năng sân khấu trẻ vừa điều hành Nhà hát nên NSƯT Thúy Ngần lúc nào cũng bận rộn. Cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng được "tranh thủ" trước giờ chị lên lớp dạy về hóa trang cho các nghệ sĩ chèo tương lai.

Câu chuyện bắt đầu bằng một quyết định quan trọng trong cuộc đời làm nghệ thuật của NSƯT Thúy Ngần là chuyển từ biểu diễn sang giảng dạy. Dù khi ấy, Thúy Ngần đang là Phó đoàn 1 Nhà hát Chèo Việt Nam. Chị cùng NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Vân Quyền làm thành bộ ba nữ nghệ sĩ tài sắc nổi tiếng của Nhà hát nói riêng, làng chèo nói chung.

Thúy Ngần tâm sự, chuyện chị quyết định "chuyển nghề" hết sức tình cờ khi một buổi sáng đi tập thể dục, chị nhìn thấy Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội treo băng rôn "Tuyển giảng viên khoa chèo". Không ít đồng nghiệp, bạn bè, khán giả tiếc nuối khi biết tin ấy nhưng chị bảo, chị cũng đã suy nghĩ nhiều. "Thầy già con hát trẻ" là chân lý muôn đời của sân khấu. Chị thấm thía rằng, dù tài sắc đến mấy thì đến một lúc nào đó thời gian cũng làm cho hao khuyết. Biết "dừng lại đúng thời điểm" cũng là điều cần thiết với người nghệ sĩ. Hơn nữa, chị muốn ngay ở lúc mình còn sức khỏe, sẽ cống hiến cho sân khấu chèo nhiều hơn.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là khi Thúy Ngần quyết định chuyển sang giảng dạy cũng là lúc chị vừa hoàn thành vai Hoàng hậu trong vở "Gươm báu truyền ngôi". NSƯT Thanh Trầm - một bậc đàn chị trong nghề xem xong xuýt xoa: "Xem Thúy Ngần diễn nhiều rồi mà sao vào vai này mê thế". Khi biết tin Thúy Ngần có ý định chuyển sang trường, NSƯT Thanh Trầm giãy nảy: "Sao lại về trường? Mày đang ở giai đoạn đẹp nhất, sung sức nhất của nghề mà? Xem mày diễn mà tao nổi hết gai ốc lên!". Thúy Ngần cười: "Con quyết định "gươm báu truyền ngôi" rồi u ạ!". Nghệ sĩ Thanh Trầm: "Ừ, tao nói vậy thôi chứ mày chuyển sang trường cũng được. Nhưng mà tao vẫn cứ muốn mày diễn mãi, diễn mãi".

Thực ra lời nhắc nhở của bậc đàn chị "diễn mãi, diễn mãi" cũng chính là mơ ước của Thúy Ngần ngay từ khi là cô bé 15 tuổi rời xa gia đình, xa làng quê Khánh Thịnh (Yên Mô, Ninh Bình) khăn gói quả mướp lên Hà Nội học chèo. Năng khiếu bẩm sinh cùng với tình yêu chèo ngấm từ người cha là nghệ nhân Vũ Quang Trình như được chắp cánh khi Thúy Ngần may mắn được sự truyền dạy trực tiếp của các nghệ nhân, nghệ sĩ chèo vốn là những bậc thầy trong nghệ thuật hát, diễn như NSND Minh Lý, NSND Dịu Hương, NSND Trần Bảng, NSƯT Diễm Lộc…

Chị nhớ mãi lời nhắc mộc mạc của các cụ nghệ nhân dành cho lớp hậu sinh khi ấy: "Chúng mày phải giữ lấy nghề, tao chết rồi không mang đi được". Chị bảo, không có những tháng ngày luyện từng câu từng chữ, mất ăn mất ngủ vì chèo thì không có NSƯT Thúy Ngần ngày hôm nay. Lòng kính trọng, sự biết ơn những người đi trước đã trở thành một động lực để Thúy Ngần khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp diễn xuất đã quyết định tạm xa cánh màn nhung để cặm cụi đi học đạo diễn, ôn thi cao học, tận tụy hơn 6 năm để trở thành giảng viên. Chị bảo, mình chỉ tạm xa sân khấu chứ không bao giờ xa chèo. Mình vẫn phụng sự chèo, nhưng là ở khía cạnh khác mà thôi.

Mấy chục năm gắn bó với ánh đèn sân khấu nên dẫu sao Thúy Ngần cũng phải mất một thời gian để làm quen với công việc mới. Cơ quan, đồng nghiệp cũ biết chị "nhớ nghề" nên thỉnh thoảng lại mời chị tham gia biểu diễn. Ngày ấy, ăn lương ở cơ quan mới rồi nhưngâ những lúc rảnh rỗi, chị lại khoác ba lô lên đường biểu diễn cùng đồng nghiệp. Bây giờ, cả nghệ sĩ Thúy Ngần và Thanh Ngoan mỗi người đều giữ vị trí lãnh đạo ở đơn vị khác nhau nhưng hễ có chương trình là lại gọi nhau đi diễn chung.

Gần đây nhất, năm 2012, NSƯT Thúy Ngần cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam mang vở "Quan âm Thị Kính" lưu diễn ở Pháp. Sau gần 10 năm quay lại sân khấu, diễn trọn vẹn một vở, chị vẫn cảm thấy đầy hào hứng. Còn khán giả thì thấy cách diễn, giọng hát của chị thêm phần chín chắn, sâu sắc. Kết thúc buổi diễn, khán giả đứng dậy vỗ tay vang dội và phải mấy tiếng sau diễn viên mới về được vì khán giả yêu quý níu giữ trò chuyện, chụp ảnh kỷ niệm.

NSƯT Thúy Ngần kể rằng, chị xúc động và nhớ mãi sự trân trọng của khán giả trong một lần diễn cùng với nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ. Mặc dù khi ấy đã tuổi cao, sức yếu, song giọng nghệ nhân Quách Thị Hồ vẫn sang sảng. Kết thúc chương trình, một khán giả người Ấn Độ đã tiến lên sân khấu hôn vào đôi bàn chân lúc này đã gần như bị liệt của nghệ nhân Quách Thị Hồ.

Chuyên nghiệp, đúng giờ là cách giúp NSƯT Thúy Ngần làm được nhiều việc cho chèo. Vừa giảng dạy, điều hành Nhà hát Thử nghiệm, chị còn tham gia vào dự án của Trung tâm văn hóa Hà Nội đi hướng dẫn cho các câu lạc bộ chèo địa phương. Một mình lặn lội đi các huyện Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn giảng dạy cho các nghệ sĩ không chuyên, có khi dù đã được giới thiệu trước nhưng nhiều cụ không tin là nghệ sĩ Thúy Ngần mà mình vẫn thường nghe trên đài, gặp trên tivi về dạy. Có cụ lên tận nơi cầm tay: "Mặt thì giống rồi nhưng có đúng là nghệ sĩ Thúy Ngần không?". Chị cười: "Đúng là con đây cụ ạ!". Chị hiểu sâu sắc rằng chèo là nghệ thuật của vùng đồng bằng Bắc Bộ, của những người chân lấm tay bùn và chèo chỉ sống được khi được nhân dân yêu mến, giữ gìn.

Nhà có ôtô riêng, tự lái được nhưng Thúy Ngần thường xuyên đi xe buýt để xuống với bà con. Có về địa phương mới cảm nhận được hết tình yêu của nhân dân đối với nghệ sĩ, với chèo. Có gì cũng mang cho, chỉ sợ cô giáo đói. Có người thắc mắc: "Sao chị về tận xã dạy?". Thúy Ngần chân thành: "Tôi hạnh phúc hơn những nghệ sĩ biểu diễn khác vì được về xã dạy. Và chính các cô, các bác, các em yêu chèo mới là người giữ lửa truyền thống chứ những người chuyên nghiệp như tôi quá ít".

Từ ngày phụ trách sân khấu thử nghiệm, NSƯT Thúy Ngần có điều kiện cùng sinh viên đi trao quà, biểu diễn ở vùng sâu vùng xa. Chị kể, có những chuyến đi mà cô trò nước mắt vòng quanh bởi chứng kiến những đứa trẻ trên đỉnh Simacai co ro trong gió lạnh, vậy mà khi có đoàn nghệ thuật lên, chúng nhiệt tình xách nước cùng cô giáo rửa sân khấu - vốn là các bục chào cờ của trường. Thúy Ngần gặp lại cảm giác của mình những tháng năm xưa, khi còn đang là diễn viên nhà hát đi diễn ở nông trường cao su cả tháng trời.

Ngày ấy, Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Vân Quyền là bộ ba nữ nghệ sĩ tài sắc của Nhà hát Chèo Việt Nam nhưng mỗi người một tạng không hề lẫn. Nếu như Thanh Ngoan hợp với những vai diễn sắc sảo, cá tính mạnh, Vân Quyền hợp với những vai sang trọng, đài các thì Thúy Ngần lại đóng đinh trong lòng khán giả ở những vai nữ chính hiền hậu chịu nhiều đau khổ. Có lẽ vì sở hữu giọng hát ấm áp, tròn đầy, khuôn mặt toát lên vẻ đoan trang hiền dịu nên các đạo diễn thường giao cho Thúy Ngần những vai mà theo chị là "khổ sở", phải khóc lóc suốt như Tấm trong "Tấm Cám", Quỳnh trong "Nỗi đau lòng mẹ"…

Có một kỷ niệm mà đến nay, Thúy Ngần vẫn không sao quên được: Năm 2001, chị tham gia Hội diễn Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc với vai Súy Vân trong vở "Kim Nham". Diễn được 45 phút tới cảnh Súy Vân cười thì đột ngột chị bị mất tiếng. Nhưng nhờ bản lĩnh sân khấu, Thúy Ngần đã nhanh chóng lấy lại giọng hát trước sự ngưỡng mộ của không ít đồng nghiệp. Thúy Ngần đã thể hiện hình ảnh một Súy Vân rất thôn nữ, các động tác múa cách điệu hóa từ công việc nhà nông như chăn tằm, dệt cửi, hái dâu khá nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, giọng hát mộc mạc, da diết thể hiện sự đa dạng của cảm xúc từ đau đớn đến điên loạn, từ tươi vui dí dỏm đến ai oán thiết tha đã giúp Thúy Ngần mang về Huy chương vàng từ ban giám khảo. 

Với Thúy Ngần, chèo đã cho chị những vinh quang trong nghề như Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc các năm 1990, 1995, 2001, Huy chương vàng giọng hát chèo hay toàn quốc tại Hải Dương năm 1995, giải diễn viên xuất sắc của tạp chí Sân khấu, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cùng với đó là danh hiệu NSƯT, những chuyến lưu diễn nước ngoài. Chèo cũng tặng cho chị một gia đình hạnh phúc với người chồng là bạn học cùng khóa và giờ đây giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Dường như, với vợ chồng chị, ngoài tình cảm riêng thì có lẽ tình yêu, sự tâm huyết dành cho nghệ thuật truyền thống là sợi dây bền chặt kết nối hai tâm hồn.

Chị luôn tâm niệm: "Với chèo, mình nhận được rất nhiều nên làm gì được cho chèo thì mình luôn sẵn sàng"

Thảo Duyên
.
.