NSƯT Thuỳ Dung: Trọn vẹn với nghề

Thứ Ba, 11/11/2014, 08:00
NSƯT Thùy Dung cũng thừa nhận chưa bao giờ chị cảm thấy run khi bước vào một cuộc thi lớn bởi chị luôn nhủ rằng: mình đã cố gắng hết sức khi tập luyện, giờ đây sẽ diễn hết mình, cống hiến hết mình, còn kết quả thế nào cũng không phải là điều quan trọng nhất...

Vóc dáng mảnh mai, tóc "xù mì", gương mặt đẹp hiện đại, cá tính, nếu gặp NSƯT Thùy Dung lần đầu nhiều người sẽ lầm tưởng chị thuộc về sân khấu ca nhạc hơn là sân khấu chèo. Thế nhưng, trò chuyện với chị, hiểu thêm những gì chị đã nỗ lực và đạt được mới hiểu rằng bên trong vẻ ngoài tưởng chừng rất hiện đại ấy lại là một tấm lòng say đắm với nghệ thuật truyền thống. Chính tình yêu “vô điều kiện” ấy đã giúp người nghệ sĩ có vóc dáng nhỏ nhắn vượt lên những khó khăn của đời sống riêng, của bối cảnh làm nghề nói chung để trở thành một trong những nghệ sĩ tài năng, sung sức và kế thừa xứng đáng truyền thống của Nhà hát chèo Việt Nam.

Khi chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với NSƯT Thùy Dung cũng là thời điểm chị và các đồng nghiệp ráo riết luyện tập cho vở diễn mới của Nhà hát Chèo Việt Nam có tên gọi "Bão táp ở đầm sen". Đây là vở diễn được Nhà nước đặt hàng với sự tham gia sáng tạo của những "cây đa cây đề" như  TS Trần Đình Ngôn (tác giả kịch bản); NSND Bùi Đắc Sừ (đạo diễn). NSƯT Thùy Dung chia sẻ, ở vở diễn này chị vào vai Nhâm, một nữ chiến sĩ Công an. Bằng sự thông minh, tinh tế nhưng trên tất cả là sự cảm thông, thấu hiểu, Nhâm đã góp phần hóa giải những khúc mắc, khơi dậy những suy nghĩ và hành động tốt đẹp giữa những người phụ nữ.

Lấy ý tưởng từ một vụ án có thật nhưng nhà viết kịch Trần Đình Ngôn không đi sâu vào việc tường thuật diễn biến vụ án mà coi đó như một bối cảnh để đề cập tới số phận những con người. Vào vai nữ chiến sĩ công an trong một vở diễn có đề tài hiện đại là một thách thức không nhỏ với nghệ sĩ Thùy Dung, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp và sự đồng cảm với nhân vật, chị tin rằng mình sẽ hoàn thành tốt vai diễn mới này.

NSƯT Thùy Dung vui mừng chia sẻ, với "Bão táp ở đầm sen", thêm một lần nữa chị được may mắn tham gia trong vở diễn của những người thầy lớn trong đời. So với nhiều đồng nghiệp, xuất phát điểm của Thùy Dung không có nhiều thuận lợi. Sinh ra tại một làng quê ở Ninh Bình trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, có lẽ trong mơ Thùy Dung cũng không nghĩ rằng lớn lên mình sẽ trở thành nghệ sĩ chèo. Khi Thùy Dung đang học lớp 11, thấy Đoàn Chèo Ninh Bình ra thông báo tuyển sinh đào tạo diễn viên, người bố mê chèo đã chở cô con gái có năng khiếu ca hát tới một người thân, nhờ dạy cho một điệu chèo và tiểu phẩm để dự tuyển. Tuy kỹ thuật hát chèo còn “vụng dại” nhưng chất giọng ấy đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật đầy hứa hẹn đã thuyết phục được ban giám khảo. Học nghề được hơn một năm, Thùy Dung cùng các học viên nữ rơi vào tình trạng "bơ vơ" vì đoàn chèo Ninh Bình gặp khó khăn về cơ chế, chỉ giải quyết được chỉ tiêu tuyển dụng cho các học viên nam. Đang hoang mang thì duyên may đã đến. Năm 1993, “Liên hoan trích đoạn chèo hay toàn quốc” được tổ chức tại Ninh Bình. Nhân dịp tham gia Liên hoan, Đoàn chèo Thái Nguyên tổ chức tuyển sinh ngay tại Ninh Bình. NSƯT Thùy Dung vẫn nhớ ngày đó, biết tin mừng như bắt được vàng, chị cùng mấy người bạn vội vã từ quê để kịp tuyển sinh vào lúc…11h đêm.

Ngẫm lại, Thùy Dung bảo, cuộc đời làm nghệ thuật của chị luôn có những ngã rẽ bất ngờ. Mười sáu tuổi, xa gia đình, tới một vùng đất hoàn toàn xa lạ để lập nghiệp nhưng có lẽ, những bỡ ngỡ lạ lẫm của cuộc sống nhanh chóng xuống hàng thứ yếu khi chị được học nghề, làm nghề một cách đúng nghĩa. Và Thùy Dung đã gặp may mắn khi ngay từ buổi đầu chập chững vào nghề đã được làm việc dưới sự chỉ bảo của "bộ đôi" nổi tiếng làng chèo: TS Trần Đình Ngôn và NSND Bùi Đắc Sừ. NSƯT Thùy Dung vẫn nhớ vai diễn đầu tiên làm nên thành công trong sự nghiệp của chị là vai Quỳnh Nga trong vở "Duyên nợ ba sinh".

Ban đầu, Thùy Dung chỉ được phân công làm diễn viên dự bị cho vai diễn chính, nhưng sau đó đạo diễn Bùi Đắc Sừ đã quyết định giao cho Thùy Dung đảm nhiệm chính thức. Lần đầu tiên được giao một vai chính khi tuổi đời còn rất trẻ, mới vừa chân ướt chân ráo vào nghề, hơn cả nỗi lo lắng, Thùy Dung hiểu những thiếu hụt của mình khi không được đào tạo một cách bài bản. Chị nhủ lòng, chỉ có duy nhất một cách là học hỏi thật nhiều, luyện tập thật nhiều mới có thể hoàn thành vai diễn, mới bù đắp được những non nớt trong nghiệp vụ. Những ngày tập vở là những ngày Thùy Dung luôn đến sớm hơn và về muộn hơn cả tiếng đồng hồ so với đồng nghiệp. Ăn, ngủ cũng nghĩ tới vai diễn, tranh thủ luyện tập bất cứ lúc nào. Sự lao tâm khổ tứ ấy đã được đền đáp bằng Huy chương Vàng tại "Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc" năm 1995.

Nhắc lại sự kiện đó, nhiều người trong nghề vẫn ghi nhận đó là một thành công không nhỏ của một nghệ sĩ trẻ như Thùy Dung bởi thời kỳ đó, chưa có Liên hoan riêng cho từng bộ môn sân khấu. Cả chèo, tuồng, cải lương, kịch nói... thi chung một hội diễn. Thuyết phục được ban giám khảo "đa ngành" ấy là điều không đơn giản. Năm ấy, Đoàn Chèo Thái Nguyên, một đơn vị vốn chưa được đánh giá cao đã tạo một tiếng vang lớn trong làng chèo với huy chương Vàng dành cho tác phẩm “Duyên nợ ba sinh” cùng 3 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc cho các vai diễn.

Như dòng chảy được khơi thông, sau đó, Thùy Dung liên tục được vào vai chính trong một loạt những vở diễn mới của đoàn như  các vai nàng Mai trong "Nàng chúa ong", Nguyệt trong "Đêm trăng huyền thoại", công chúa Thiều Dung trong "Phò mã áo chàm"… Xem Thùy Dung nhập vai trên sân khấu, khán giả không chỉ bị thuyết phục bởi giọng hát chèo ngọt ngào mà còn được cộng hưởng bởi diễn xuất tinh tế, có lúc đạt đến độ xuất thần. Cô gái nhỏ nhắn, có thời điểm thể trọng chưa đầy 40 kg nhưng mỗi khi lên sân khấu lại cháy hết mình bằng sự tự tin, bản lĩnh hiếm thấy ở những nghệ sĩ trẻ.

NSƯT Thùy Dung cũng thừa nhận chưa bao giờ chị cảm thấy run khi bước vào một cuộc thi lớn bởi chị luôn nhủ rằng: mình đã cố gắng hết sức khi tập luyện, giờ đây sẽ diễn hết mình, cống hiến hết mình, còn kết quả thế nào cũng không phải là điều quan trọng nhất. Liên tục giành được huy chương Vàng tại các Liên hoan sân khấu khu vực và toàn quốc, năm 2007, Thùy Dung vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT khi mới tròn 30 tuổi. Ở thời điểm đó, chị là NSƯT trẻ nhất làng chèò. Nhắc lại quãng thời gian ấy, NSƯT Thùy Dung thường nói rất ngắn gọn, đơn giản về những nỗ lực của mình. Nhưng chúng tôi hiểu, với một nghệ sĩ trẻ, sớm lập gia đình, mang trên vai trọng trách của người mẹ thì những gì chị đóng góp cho sự nghiệp sân khấu chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

Đang là nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Chèo Thái Nguyên thì một biến cố lớn xảy đến với Thùy Dung. Cuộc hôn nhân tan vỡ, kéo theo nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Sau những đêm dài suy nghĩ, chị quyết định chuyển công tác, về đầu quân cho Nhà hát chèo Việt Nam, một mình dắt cậu con trai khi ấy đang học lớp 5 lên Hà Nội. NSƯT Thùy Dung chia sẻ, ngày ấy, hai mẹ con dắt díu nhau về Thủ đô, chị không có gì ngoài gia tài là tình yêu nghề. Cơ quan mới chưa bố trí được chỗ ở, mẹ con chị thuê nhà ở khu Thành Công. Bên cạnh mối lo ổn định đời sống thì một trăn trở lúc nào cũng canh cánh bên lòng:â làm thế nào để năng lực nghệ thuật của mình theo kịp các đồng nghiệp ở một nhà hát đầu ngành, khi lần đầu "vươn mình ra biển lớn"?

Không mất nhiều thời gian, Thùy Dung nhanh chóng hòa nhập và giành được thiện cảm, sự trân trọng từ những đồng nghiệp mới tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Dù đã thành danh từ khi còn ở đơn vị cũ nhưng khi về Nhà hát Chèo Việt Nam, Thùy Dung luôn nỗ lực học hỏi từ các bậc thầy, các bậc đàn anh đàn chị và cả các bạn cùng trang lứa. Dù được giao vai chính hay vai phụ, Thùy Dung luôn hết mình với vai diễn. Từ giờ giấc đến thái độ, tinh thần trách nhiệm trong công việc, Thùy Dung luôn được lãnh đạo Nhà hát đánh giá là tấm gương cho nhiều nghệ sĩ trẻ học tập. Được sự quan tâm bồi dưỡng của Nhà hát, sự dìu dắt của các nghệ sĩ tiền bốiã, tài năng và tình yêu nghề của Thùy Dung đã được vun đắp, như mùa vàng ngày thêm trái ngọt. Chị khẳng định vững chắc chỗ đứng riêng mình, trở thành một trong những nữ nghệ sĩ trẻ tài năng, kế thừa xứng đáng trọng trách của các thế hệ đi trước. Liên tiếp nhiều vở diễn, Thùy Dung được giao đảm nhiệm vai chính như nàng Hương trong "Duyên phận Trầu Cau", Thị Phương trong "Trương Viên", Cúc Hoa trong "Tống Trân Cúc Hoa"…Có năm, Thùy Dung đảm nhiệm tới 7 vai lớn nhỏ trong nhiều tác phẩm. Với Thùy Dung, dù được giao vai chính hay vai phụ, chị vẫn chăm chỉ luyện tập, nỗ lực sáng tạo và cống hiến hết mình. Chị cũng là một nghệ sĩ không đi hát sô ngay cả những lúc cuộc sống khó khăn nhất. Ngày mới xuống Hà Nội, để có thêm thu nhập, chị cũng đi hát theo lời giới thiệu của một đồng nghiệp. Nhưng sau 2 lần thì chị thôi vì thấy không hợp với không gian ấy. Chị không chịu được cảm giác nghệ sĩ hát bên trên, khán giả ở dưới vô tư ăn nhậu. Thôi thì chịu khó chi tiêu dè sẻn để trọn vẹn với nghề. Bản thân chị cũng không tự lý giải đựoc một điều: ngay cả những khi rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng nhất, buồn bã nhất nhưng cứ lên sân khấu là chị quên hết để lại khóc cười cùng vai diễn. Mọi nỗi niềm riêng tư dường như để lại hết phía sau cánh gà.

Ngồi với nữ nghệ sĩ tài sắc của làng chèo trong một buổi sáng cuối thu, tôi thấy ánh mắt của chị long lanh, rạng ngời hạnh phúc. Chị chia sẻ, sau những đổ vỡ, mất mát, giờ đây chị đã tìm được bờ vai để dựa. Dù không cùng nghề nhưng anh luôn tin yêu, ủng hộ chị hết mình. Hạnh phúc đong đầy càng khiến chị nhủ lòng phải làm nhiều hơn nữa cho chèo - một tình yêu, một đam mê chưa bao giờ rời bỏ chị trong suốt những năm tháng qua. Dù cuộc đời có lúc thăng trầm, dù buồn hay vui, thiếu hụt hay đủ đầy, niềm yêu ấy vẫn luôn trọn vẹn

Thảo Duyên
.
.