Doanh nghiệp trong nước 'lơ mơ' về Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Thứ Hai, 09/03/2015, 09:03
Hàng loạt cơ hội kinh doanh sẽ mở ra cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong năm nay khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ được thực thi và ký kết. Tuy nhiên, với việc thiếu thông tin và chưa chủ động nắm bắt các cam kết hội nhập của phần lớn DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện nay, các chuyên gia kinh tế lo ngại DN trong nước sẽ dễ bỏ qua nhiều cơ hội.

Theo kết quả khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mặc dù AEC sẽ chính thức thành lập vào cuối năm 2015 nhưng đến nay hầu hết các DN vẫn còn rất “lơ mơ” với AEC, chỉ khoảng 30% DN Việt Nam hiểu biết đầy đủ về AEC để lên kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt là các DNNVV hầu như không biết gì, thậm chí không biết phải làm gì khi tham gia AEC.

Thừa nhận thực tế này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội chia sẻ: Các DN đã nắm được thông tin qua các kênh truyền thông, các chương trình hội thảo, hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các sở, ngành, UBND TP... tổ chức. Tuy nhiên, có rất ít DN hiểu và nắm rõ các cam kết hội nhập, đa phần các DN còn lúng túng chưa có phương án, giải pháp để nắm bắt các cơ hội từ các FTA và AEC.

Các doanh nghiệp cần được bổ sung thông tin bằng một chiến lược tuyên truyền về AEC để có điều chỉnh trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Quân, có 4 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Một là, hiện đang là thời điểm các DN lo tái cơ cấu để ổn định nên chưa thực sự quan tâm tới việc mở rộng tham gia vào các cộng đồng kinh tế, các thị trường mới nổi nên chưa có sự chuẩn bị chu đáo.

Hai là, DN vẫn còn đang gặp khó khăn về vốn, họ đang tập trung xử lý các vấn đề nợ xấu.

Ba là, các DN trong nước đang rất quan ngại việc các DN nước ngoài có nguồn vốn rẻ, có tiềm lực tài chính lớn thâu tóm, sáp nhập. Năm 2014 và đầu năm 2015, các DN này đã vào Việt Nam và gây ra làn sóng mua bán, sáp nhập khiến các DN Việt Nam lo ngại.

Bốn là, vì nhận thấy thị trường sân nhà chưa đứng vững nên DN trong nước chưa dám mạnh dạn tiến ra thị trường bên ngoài. Đây là những nguyên nhân khiến DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV chưa quan tâm tới những cơ hội do FTA và AEC mang lại.

Từ phía các chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, nhiều DN thiếu quan tâm vì vẫn còn tâm lý chưa thực sự coi trọng thị trường này. Theo phân tích của ông Phong, khi AEC ra đời vào cuối 2015, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% ngay lập tức (10% số thuế còn lại sẽ về 0% trong lộ trình tới năm 2018).

Tuy nhiên, do AEC chỉ đứng vị trí thứ tư trong các thị trường xuất nhập khẩu của DN Việt, trong khi ở khối này, DN Việt cạnh tranh kém cả về chất lượng, giá cả nên DN cũng không mấy hào hứng với thị trường này.

Đề xuất các giải pháp giúp DN trong nước có thể tận dụng được cơ hội từ việc thành lập AEC, ông Mạc Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội cho rằng:

Có một số điểm yếu mà DN trong nước cần khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay, DN Việt Nam mới chủ yếu bán hàng nội địa, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất của DN còn yếu và thiếu, mẫu mã, chất lượng chưa cao, chúng ta chỉ làm thô, chưa làm tinh nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao.

Ngoài ra, các DN vẫn chủ yếu bán hàng thông qua kênh thương mại, sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua 4 - 5 khâu, vì thế sản phẩm bán được 10 đồng thì chỉ thu về được 4 - 5 đồng, do đó tiềm lực kinh tế, khả năng cạnh tranh của DN Việt so với các nước trong khu vực còn chưa cao.

Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng, bên cạnh sự chủ động và tự thân của DN, cộng đồng DN cũng mong muốn Nhà nước cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc phổ biến các thông tin và lộ trình xây dựng AEC để DN có các điều chỉnh hợp lý trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Đại sứ quán, lãnh sự quán, tham tán thương mại của Việt Nam tại các quốc gia ASEAN cần chủ động hỗ trợ DN thông tin về thị trường, luật lệ thương mại quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hỗ trợ DN hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động khu vực cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.

Huyền Thanh
.
.
.