Doanh nghiệp Việt vẫn bị thua thiệt, ép giá trong thương mại biên giới

Thứ Tư, 06/01/2016, 09:01
Ngày 5-1, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo với sự góp mặt của nhiều địa phương có hoạt động kinh tế biên mậu.

Hoạt động thương mại biên giới năm nay được nhận định sẽ thuận lợi hơn so với năm 2015 với kim ngạch dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt-Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia chiếm 11%. Tuy nhiên, thương mại biên giới vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam với các nước có chung biên giới. Mặt khác, nhiều điểm bất hợp lý cũng đang tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động này.

Hàng đoàn xe tải chở dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu biên giới Việt - Trung năm 2015.

Đầu tiên phải kể đến hiện tượng năm nào cũng diễn ra là ùn ứ hàng hoá tại Tân Thanh, dẫn đến hiện tượng hàng hoá bị ép giá, hư hỏng, do phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập hàng nông sản qua cửa khẩu này. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trong hơn 2 tỷ USD kim ngạch hàng nông sản xuất qua Trung Quốc, thì lượng hàng qua Tân Thanh chiếm 1 nửa.

“Một ngày có 1.300 – 1.400 xe lên cửa khẩu, lượng hàng hoá quá lớn nên hàng năm ở Lạng Sơn đều có ùn ứ, mà bến bãi phía Trung Quốc quá hẹp. Chúng tôi đang mở thêm một đường xuất khẩu nữa bên cạnh Tân Thanh là Khả Phong, đảm bảo để thanh long, dưa hấu, nhãn, xoài… của nông dân sản xuất ra được xuất đi kịp thời” – lãnh đạo Lạng Sơn cho biết. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Công Thương trợ giúp trong việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khu trung chuyển hàng hoá hơn 140ha.

Được biết, hiện Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Vingroup và Tập đoàn Tuấn Lộc đang muốn đầu tư với số vốn trên dưới 4.000 tỷ đồng, nhưng địa phương vẫn đang băn khoăn trong việc chọn nhà đầu tư đủ năng lực.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cũng cho biết, tại một số cửa khẩu, hàng hoá đã được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ bên phía Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc lại yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc, gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam.

Xe tải xếp hàng dài chờ đưa hàng qua cửa khẩu.

Tại tuyến biên giới Việt - Lào, hàng hoá Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Lào. Bên cạnh đó, hoạt động tại các khu kinh tế cửa khẩu gặp khó khăn, lượng khách tham quan mua sắm giảm do Chính phủ bãi bỏ miễn giảm thuế đối với các mặt hàng rượu bia, thuốc lá...

Với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, việc phía Campuchia tận thu thuế nhập khẩu cũng như việc đánh thuế không thống nhất của phía bạn khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sang Campuchia đã phải giải thể. Hơn nữa, các lực lượng đối lập của Campuchia tăng cường tuyên truyền kêu gọi tẩy chay hàng Việt Nam gây tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp Campuchia nhập khẩu, phân phối hàng Việt Nam.

Để tăng cường khai thác tối đa về phát triển thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, cần thúc đẩy đàm phán với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới.

Được biết, Bộ Công Thương cũng sẽ nghiên cứu đề án thành lập Hiệp hội Kinh doanh biên mậu để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng, hạn chế tình trạng thường xuyên bị thua thiệt, ép giá bởi luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc. Đặc biệt, chúng ta cũng sẽ tiến hành ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2016 để thay thế Hiệp định năm 1998 cũng như cụ thể hóa những hợp tác chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào và Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2016.

Có mặt tại hội nghị, các địa phương có cửa khẩu cũng đã kiến nghị một số chính sách hỗ trợ, trong đó đáng chú ý nhất là việc Lạng Sơn kiến nghị phân quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cửa khẩu giao hàng, để phù hợp với việc “phía Trung Quốc linh hoạt điều tiết hàng tạm nhập – tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở khác nhau”.

Đại diện lãnh đạo Lạng Sơn cũng cam kết “không  có chuyện hàng hoá quay đầu về, nếu quay về thì tỉnh chịu trách nhiệm trước Bộ, trước Chính phủ”. Địa phương này cũng đề xuất được thí điểm nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ từ Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị, do “đề nghị thiết tha” từ nhiều doanh nghiệp. Được biết, sau khi Bộ Giao thông Vận tải siết chặt việc kiểm tra tải trọng trên đường, lượng xe đầu kéo nhập khẩu qua cửa khẩu trên tăng đáng kể, với khoảng 41.000 xe.

Nam Phương
.
.
.