Doanh nghiệp Việt và giấc mơ đẳng cấp quốc tế

Thứ Hai, 24/11/2014, 07:05
Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đều khẳng định, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể sản xuất được ốc vít, vấn đề là sản xuất xong rồi đặt nó vào đâu, bán cho ai và sản phẩm mình làm ra có cạnh tranh được về giá thành, có đem lại hiệu quả kinh tế hay không? Thay vì loay hoay với con ốc vít, DN nên tìm cho mình một hướng đi mới nhằm phát huy tối đa lợi thế, từ đó có thể xác lập vị trí cao hơn trong chuối giá trị toàn cầu.

Việc Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam dấy lên những nghi ngại rằng năng lực và trình độ sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Liệu những lo ngại trên có đúng với thực tế không, khi mà hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu, phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành. Làm sao để DN Việt xác lập được vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chuyên đề “Doanh nghiệp Việt và giấc mơ đẳng cấp quốc tế” sẽ làm rõ vấn đề này.

Bài 1: Sản phẩm Việt đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đều khẳng định, DN Việt hoàn toàn có thể sản xuất được ốc vít, vấn đề là sản xuất xong rồi đặt nó vào đâu, bán cho ai và sản phẩm mình làm ra có cạnh tranh được về giá thành, có đem lại hiệu quả kinh tế hay không? Thay vì loay hoay với con ốc vít, DN nên tìm cho mình một hướng đi mới nhằm phát huy tối đa lợi thế, từ đó có thể  xác lập vị trí cao hơn trong chuối giá trị toàn cầu.

Sản xuất ốc vít rồi lắp vào đâu?

Theo TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện vẫn còn rất yếu nếu so với các quốc gia phát triển khác trong khu vực, khi mà tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm còn rất thấp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện chỉ mới dừng lại ở việc sử dụng các sản phẩm phụ trợ đơn giản của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam chỉ có thể sản xuất được những sản phẩm đơn giản.

“Ví như chuyện con ốc vít, có lẽ bất kỳ một sinh viên kỹ thuật ở trường đại học nào của Việt Nam cũng có thể trả lời được liệu chúng ta có sản xuất được ốc vít đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường hay không, nhưng chắc chắn rằng sẽ chẳng có DN nào sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra một mớ ốc vít chưa biết lắp vào đâu, bán cho ai nếu không được đối tác đặt hàng. Đó là chưa muốn nói, trong rất nhiều trường hợp, các nhà sản xuất lớn nước ngoài rất khôn ngoan khi viện dẫn những áp lực từ thị trường để từ chối việc hợp tác thực sự với DN Việt Nam” - ông Quân cho hay.

Việt Nam còn thiếu doanh nghiệp mang đẳng cấp quốc tế. (ảnh minh họa: CTV).

Vừa là nhà nghiên cứu, đồng thời là chủ DN, PGS. TS Tạ Lợi, Trưởng bộ môn kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chia sẻ câu chuyện thú vị về hành trình 28 lần vượt “thử thách” để  trở thành DN cung cấp linh kiện vệ tinh cho Canon. Theo ông Tạ Lợi, Công ty Teeing Việt Nam và Công ty Kỹ thuật 3Q được thành lập từ năm 2003. Tuy nhiên, sau 3 năm miệt mài, ròng rã với 28 lần Canon đến kiểm tra từng hạng mục, phương pháp quản trị, phỏng vấn lãnh đạo, công nhân...,  đến năm 2006, đơn vị này mới chính thức lọt vào chuỗi cung ứng của tập đoàn Nhật Bản này.

Tạo chỗ đứng bằng chính lĩnh vực thế mạnh

Theo khẳng định của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chúng ta thừa sức sản xuất con ốc vít, vấn đề là chúng ta có lựa chọn để làm hay không và có đáng để làm hay không? “Trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải xác định chúng ta là ai? Lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu? Bởi chuỗi giá trị toàn cầu có nhiều người tham gia, vấn đề là sản phẩm của chúng ta sẽ đứng ở đầu hay cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu và sản phẩm đó có phải là then chốt, lợi thế hay không?” - TS Vũ Đình Ánh đặt vấn đề. Cũng theo chia sẻ của TS Vũ Đình Ánh, nếu chúng ta chỉ làm được con ốc vít hay hơn thế nữa thì chúng ta vẫn chỉ đang chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn thay đổi nền kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cao, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam không thể chỉ loay hoay với con ốc vít, mà phải hướng tới các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, tạo nên giá trị gia tăng lớn, đứng ở vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất SmartHome, BKAV đã hoàn toàn làm chủ sản phẩm từ công nghệ nguồn cho đến phụ kiện.

Dưới góc độ DN, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV chia sẻ: “Chiếc Iphone 6, giá khoảng 20 triệu đồng, được lắp ráp từ linh kiện của 100 nhà sản xuất: pin của hãng Amperx, chíp sóng của hãng Qualcomm, bộ nhớ của hãng Sky, camera của Sony… Nhưng tổng giá thành này chỉ khoảng 6 triệu đồng. Nghĩa là mỗi nhà sản xuất chỉ được hưởng 60.000 đồng/sản phẩm. Như vậy, hãng Apple nắm công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, marketing… hưởng tới 14 triệu đồng/sản phẩm, tức là gấp hơn 2 lần 100 nhà sản xuất linh kiện. Nếu Việt Nam đầu tư để làm được sạc điện thoại di động thì sẽ chỉ thu được 10.000 đồng/sản phẩm, còn nếu làm ốc vít thì số lãi sẽ tính bằng vài chục đồng, không đáng kể”.

Qua ví dụ trên, ông Thắng cho rằng, việc các DN Việt Nam có thể sản xuất được ốc vít hay các linh kiện cung ứng cho các tập đoàn sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam không quá quan trọng, vì các DN sản xuất linh kiện của nước ngoài, họ ứng dụng công nghệ khoa học và tự động hóa, đồng thời có hệ thống cung ứng toàn cầu, nên giá rất rẻ. DN Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với họ về giá cũng như công nghệ. “Do vậy, chúng ta đi sau nên phải tìm những lĩnh vực khác mà chúng ta có nhiều lợi thế như công nghệ thông tin và thiết bị điện tử - những lĩnh vực có thể cạnh tranh về giá, vừa có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao nhất” - ông Thắng nhấn mạnh

Huyền Thanh-Hà Ly
.
.
.