Trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt không thể mãi loay hoay với việc gia công, lắp ráp vốn mang lại giá trị thấp. Con đường tất yếu để tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh toàn cầu, giá trị lợi nhuận cao đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải làm chủ được công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Nhà nước cần hỗ trợ gì cho doanh nghiệp? Doanh nghiệp cần chủ động làm gì để tạo chỗ đứng?

Doanh nghiệp Việt phải từng bước làm chủ công nghệ

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:34
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt không thể mãi loay hoay với việc gia công, lắp ráp vốn mang lại giá trị thấp. Con đường tất yếu để tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh toàn cầu, giá trị lợi nhuận cao đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải làm chủ được công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Nhà nước cần hỗ trợ gì cho doanh nghiệp? Doanh nghiệp cần chủ động làm gì để tạo chỗ đứng?

Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp và TS Michael Braun - chuyên gia đánh giá công nghệ (Cộng hoà Liên bang Đức).

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân: Sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp

PV: Samsung nói doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi con ốc vít; Canon, Sony thì nói doanh nghiệp Việt chỉ mới làm được khâu bao bì đóng gói sản phẩm. Theo ý kiến riêng của Bộ trưởng, doanh nghiệp Việt có thực sự kém cỏi như vậy?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nếu Samsung đặt hàng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng những nhà máy làm ốc vít đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề là họ có đặt hàng hay không.

PV: Hiện nay việc đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế, chủ yếu trên tinh thần tự nguyện. Theo ông, cần có cơ chế mạnh mẽ nào để buộc các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Luật Khoa học công nghệ đã quy định rất rõ, doanh nghiệp Nhà nước phải đầu tư ít nhất 5%, nhiều nhất 10% lợi nhuận cho khoa học công nghệ, doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì tự nguyện. Bộ Khoa học - Công nghệ   (KHCN) đang kiến nghị với Quốc hội là khi Luật Thuế doanh nghiệp sửa đổi được thông qua thì sẽ gỡ trần 10%, không nên hạn chế doanh nghiệp chỉ được trích tối đa 10% mà nên để cho doanh nghiệp có thể trích nhiều hơn để đáp ứng các yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp.

PV: Phát triển sản phẩm công nghệ cao được coi là hướng đi tất yếu để mở rộng ra thế giới. Tuy nhiên, muốn làm được vậy cần có những doanh nghiệp đủ mạnh, có tiềm lực tài chính, tầm nhìn dài hạn và nguồn nhân lực tốt. Bộ KHCN sẽ có những hỗ trợ cụ thể như thế nào nếu doanh nghiệp có ý tưởng tốt nhưng không đủ các điều kiện trên?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nếu doanh nghiệp đủ mạnh, có tiềm lực tài chính thì Bộ KHCN sẽ hỗ trợ chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu mà có nguồn gốc Nhà nước cho doanh nghiệp… Nếu doanh nghiệp có ý tưởng tốt mà không đủ các điều kiện về tài chính, Bộ KHCN  khuyến khích doanh nghiệp thành lập các đơn vị nghiên cứu của chính họ. Đó sẽ là địa chỉ để Bộ có thể hỗ trợ nguồn ngân sách Nhà nước, trang thiết bị công nghệ cao. Ngoài ra, thông qua các chương trình quốc gia, tất cả các doanh nghiệp đều có quyền tham gia vào các dự án để được Nhà nước hỗ trợ, như dự án đổi mới công nghệ, dự án về sản phẩm quốc gia, dự án công nghệ cao, dự án về sở hữu trí tuệ…

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân và ông Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Đột phá trong cơ chế để có nhiều sản phẩm đỉnh cao

PV: Theo quan điểm của ông, giải pháp đột phá quan trọng nhất để Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm đỉnh cao là gì?

Ông Lê Doãn Hợp: Tôi cho rằng, muốn có sản phẩm đỉnh cao, cần phải có giải pháp đột phá. Trong đó, đột phá về cơ chế chính sách phải được xem là ưu tiên hàng đầu. Khi các cơ chế này được tháo gỡ thì DN mới có thể phát huy tối đa thế mạnh cũng như nội lực của mình. Trong đó, cơ chế tôi cho quan trọng nhất là cho DN quyền được tự chủ, được tự do cạnh tranh toàn diện và bình đẳng. Thực tế cho thấy, chỉ có cạnh tranh mới có phát triển và có phát triển mới có DN mạnh. Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù đây là ngành khá non trẻ song lại là lĩnh vực có nhiều đột phá, ngang tầm thế giới. Trong đó, vấn đề cốt lõi nhất là DN trong ngành này được cạnh tranh toàn diện và bình đẳng. Trước đây, khi Viettel mới ra đời, cả Tập đoàn VNPT đều không muốn. Tuy nhiên, sau khi Viettel ra đời, cả 2 DN này đều phát triển, tiến bộ, nhiều năm liền đứng trong top đầu các DN có doanh thu lớn nhất Việt Nam.

PV: Có một thực tế là trong thời gian qua, các DN đi đầu cho xu hướng đầu tư vào công nghệ cao và tạo ra được các sản phẩm đẳng cấp quốc tế phần lớn lại rơi vào các DN tư nhân, những đơn vị ít nhận được sự ưu đãi từ các nguồn lực Nhà nước. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Lê Doãn Hợp: Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ cao được xem là chìa khóa để Việt Nam mở cánh cửa ra thế giới. Thực tế cho thấy, một kỹ sư CNTT giỏi, chỉ với 1 chiếc máy tính và một chỗ ngồi 1m2, trung bình mỗi năm có thể làm ra 15-20 tỷ, bằng giá trị sản xuất gia tăng thêm của một huyện thuần nông. Điều này chứng tỏ, ai làm chủ được công nghệ cao thì người đó đứng ở chuỗi giá trị gia tăng cao nhất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay, các nguồn lực của Nhà nước tập trung vào lĩnh vực này còn hạn chế. Các DN đi đầu và bước đầu thành công trong lĩnh vực này đa phần vẫn là các DN tư nhân, chủ yếu tự thân vận động mà chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt.

PV: Vậy theo ông, để ngày càng có nhiều sản phẩm đỉnh cao, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các DN này như thế nào và nên tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh nào?

Ông Lê Doãn Hợp: Theo tôi, do nguồn lực kinh tế đất nước có hạn nên Nhà nước cũng không thể hỗ trợ hay đầu tư dàn trải. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho DN bứt phá thành công thì việc hỗ trợ cần tập trung vào các ngành có tiềm năng, những ngành mà ném tiền vào đâu thì ở đó sẽ nở hoa. Một trong những thế mạnh mà Việt Nam có thể tập trung nguồn lực để phát triển ngang với khu vực và quốc tế hiện nay là lĩnh vực CNTT. Trong đó, một số ngành ứng dụng CNTT mạnh mẽ như viễn thông; công nghiệp nội dung số; game online, sách điện tử, hệ thống thông tin điện tử; Chính phủ điện tử… của chúng ta đều đang phát triển ngang tầm thế giới. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tập trung vào một số lĩnh vực có nhiều thế mạnh khác như giống mới trong nông nghiệp; các sản phẩm khoa học công nghệ cao, đặc biệt là khoa học ứng dụng.

TS Michael Braun - Chuyên gia đánh giá công nghệ: Muốn cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải tự làm chủ công nghệ
Tôi cảm thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế nhưng hiện giờ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu muốn phát triển, các bạn không thể cứ mãi trồng lúa, cà phê… cũng không thể chỉ dừng ở việc lắp ráp mà phải tự tạo ra công nghệ của chính mình. Người Việt Nam rất giỏi. Học sinh Việt Nam luôn giành giải thưởng cao trong các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, giới trẻ Việt Nam chưa có nhiều tình yêu với khoa học công nghệ. Nếu cứ như vậy, sẽ rất khó để Việt Nam có nền khoa học công nghệ mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đáng tiếc, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy việc đầu tư cho phát triển công nghệ là cấp thiết. Chỉ vài năm nữa thôi, khi Việt Nam mở cửa toàn bộ nền kinh tế, nếu doanh nghiệp Việt không nhanh chân tạo lợi thế cạnh tranh thì sẽ không thể cạnh tranh được với các sản phẩm của khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến thế giới. Việt Nam hiện vẫn chủ yếu thực hiện khâu lắp ráp sản phẩm cho các công ty nước ngoài nên lợi nhuận thấp. Sẽ không có chuyện, khi đầu tư vào Việt Nam, các công ty nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, họ chỉ chuyển giao dây chuyền lắp ráp. Nếu chưa đủ tiềm lực, doanh nghiệp Việt nên khởi đầu bằng việc tham gia sản xuất các linh kiện nhỏ nhưng phải cố gắng làm sao để hàm lượng công nghệ tăng cao. Dần dần doanh nghiệp có thể làm chủ được công nghệ, tự sản xuất được sản phẩm của mình.
Hà Ly – Huyền Thanh
.
.
.