Doanh nghiệp Việt cần phải "lột xác" để tranh thủ lợi thế

Chủ Nhật, 13/12/2015, 15:44
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, DN Việt cần phải nỗ lực để chuyển mình cần phải “lột xác” thực sự, phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế mà trước hết là những chuẩn mực của ASEAN.

Ngày 13-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam hướng tới AEC 2015, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan chức năng. Sự kiện nhằm trao đổi thông tin, tham vấn và định hướng cho cộng đồng DN trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và thực hiện từ cuối năm 2015.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, DN Việt cần phải nỗ lực để chuyển mình cần phải “lột xác” thực sự, phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế mà trước hết là những chuẩn mực của ASEAN.


Hình ảnh tại Diễn đàn.
Đây là thách thức lớn nhất đối với DN, trong điều kiện các DN của Việt Nam đa phần là DN vừa và nhỏ, phần lớn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm năng về vốn chưa cao và tính chuyên nghiệp còn thấp. Nếu DN muốn tận dụng cơ hội để vượt được qua thách thức, DN cần tập trung huy động vốn và đầu tư hợp lý để thay đổi công nghệ, ưu tiên công nghệ mới và tiết kiệm năng lượng để khắc phục điểm yếu là hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp so với nhiều loại sản phảm của DN trong khu vực.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần quan tâm thỏa đáng, có biện pháp để nâng cao chất lượng và năng suất lao động-vốn được xác định là điểm hạn chế cố hữu trong nhiều năm qua. Bước vào hội nhập AEC, DN cũng được khuyến cáo cần có bước đi sáng tạo, tạo dựng thương hịêu và sự độc đáo của sản phẩm.

Tuy nhiên, cần cảnh giác với thực tế là cơ cấu hàng hóa trong nước và một số nước ASEAN khá tương đồng, từ đó có khả năng “đụng hàng” nhằm phòng tránh những bất lợi trong giao thương.

Các chuyên gia dự báo, các ngành sản xuất và dịch vụ có tính chất “xanh” thân thiện với môi trường và phục vụ nhu cầu con người sẽ có nhiều cơ hội hơn cả bên cạnh những yếu tố mới để DN có thể tận dụng. Các ngành có nhiều cơ hội gồm: Logistic, du lịch, công nghệ thông tin, thiết kế, thời trang…

DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế khi là đối tác và cầu nối của DN ngoài khu vực bởi qua đó DN quốc tế sẽ có dịp thâm nhập thị trường ASEAN với hơn 650 triệu người tiêu dùng, GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD và phần lớn thuế suất sẽ từng bước lùi về mức 0% vào năm 2018…

TS. Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cho biết, nội dung chính của AEC là việc mở ra một thị trường chung, thống nhất là một không gian sản xuất rộng mở; trong đó các DN được phép luân chuyển tự do đối với vốn, nguồn lao động để phục vụ mục tiêu của hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, mỗi đơn vị cần tìm hiểu, nắm bắt quy định, nhất là thị hiếu tiêu dùng các quốc gia láng giềng và làm chủ tình huống, có chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập thành công trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, tận dụng thế mạnh kết hợp với hạn chế những điểm yếu, bất lợi của mình.
Lưu Hiệp
.
.
.