DN xin nhập khẩu đất, cơ quan quản lý lúng túng

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:07
Theo Tổng cục Hải quan, các loại đất doanh nghiệp xin được nhập khẩu là các loại đất đã nung, xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08. Các nhóm đất trên đều thuộc họ đất sét, có đặc tính mềm dẻo khi ẩm, rắn chắc khi khô nên được dùng nhiều trong làm gốm sứ, vật liệu xây dựng, các sản phẩm chịu lửa và đồ dùng trang trí trong nhà. 

 

 

Ngoài ra đất sét còn được dùng để cải tạo đất đai. Riêng đất sét bentonite là một loại có nguồn gốc từ tro núi lửa, được sử dụng rộng rãi như một thành phần của cát làm khuôn đúc, như một chất lọc và khử màu trong quá trình lọc dầu, tẩy dầu mỡ cho vải sợi và làm mỹ phẩm.

Hiện nay, do chính sách nhập khẩu đất chưa có quy định đầy đủ, cụ thể đối với từng loại đất dẫn đến doanh nghiệp và cơ quan hải quan gặp khó khăn, vướng mắc trong khi làm thủ tục nhập khẩu. 

Theo Tổng cục Hải quan, trong Luật Thương mại và Nghị định 187/2013-NĐ/CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài không quy định về quản lý nhập khẩu đối với đất.

Tổng cục Hải quan cho rằng, đối với việc kiểm dịch đất nhập khẩu, Bộ NN&PTNT cần có văn bản hướng dẫn kiểm dịch đối với các loại đất nhập khẩu khác nhau để thống nhất các văn bản hướng dẫn có liên quan trong thời gian gần đây.

“Đề nghị không yêu cầu kiểm dịch đối với loại đất đã qua nung hoặc xử lý nhiệt, hoặc đất được cơ quan kiểm dịch cho miễn kiểm dịch; đối với đất nhập khẩu theo cây trồng có mang theo bầu đất thì thực hiện kiểm dịch đất theo cây trồng”, Tổng cục Hải quan đề nghị.

Tuy nhiên, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Bộ NN&PTNT chưa từng xử lý trường hợp nhập khẩu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hay sản xuất phân bón hữu cơ. 

Ông Trung khẳng định, cần phải xem mục đích của việc nhập khẩu đất đấy để làm gì. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu đất để làm nguyên liệu phân bón, Bộ NN&PTNT quản lý thì Bộ sẽ xem xét các quy định. Còn nếu nhập khẩu đất để làm nguyên liệu phi nông nghiệp, nhập về để làm nguyên liệu công nghiệp thì do Bộ Công thương quản lý.

Một lãnh đạo Vụ pháp chế của Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (2013) đã quy định rõ việc đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam là hành vi bị cấm, trừ trường hợp được đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, những trường hợp đặc biệt có thể được nhập về đó là đất hiến tặng nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ và phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bằng văn bản. “Những trường hợp khác nhập về mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng là nhập khẩu trái phép. Ngay cả nhập cây theo bầu đất cũng không được phép”.

Việc siết chặt nhập khẩu đất theo quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học trong nước. Bởi khi đưa đất từ nước khác vào Việt Nam có thể mang theo các sinh vật gây hại lạ vào mà chúng ta không kiểm soát hết được, gây ra dịch bệnh, dịch hại cho cây trồng.

TS Nguyễn Xuân Lai, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT), một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về lĩnh vực đất, phân bón và vi sinh vật ngạc nhiên khi nhận được thông tin trên.

Theo TS Nguyễn Xuân Lai: “Từ trước đến nay chúng ta chưa nhập khẩu đất bao giờ, chỉ mang đi nước ngoài để phân tích và trong lĩnh vực nông nghiệp, nước ta cũng không cần thiết phải nhập khẩu đất”.

Ông Lai cho biết, trong đất có các sinh vật có thể gây bệnh cho cây trồng, gây hại cho động vật và cả con người nên sẽ rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát nhập khẩu. 

“Phải biết được mục đích của doanh nghiệp nhập khẩu đất về làm gì. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu cho phép nhập khẩu đất thì chỉ trong trường hợp nhập giá thể hoặc các nguyên liệu làm giá thể phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Việt Nam không sản xuất được thì có thể chấp nhận. Nếu có cho phép nhập khẩu, phải kiểm dịch chặt chẽ các mầm bệnh, nấm, vi khuẩn, vi sinh vật gây hại tồn tại trong đất, tránh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”, TS Nguyễn Xuân Lai băn khoăn.

Giải quyết các trường hợp nhập khẩu đất thế nào đang là vấn đề khiến cả Tổng cục Hải quan lẫn Bộ NN&PTNT lúng túng. Về pháp luật, doanh nghiệp có thể kinh doanh, nhập khẩu những mặt hàng không bị cấm, nhưng phía Bộ NN&PTNT lại khẳng định không được nhập. Nếu không cho nhập sẽ gặp phản ứng từ phía doanh nghiệp. Vì thế, Bộ NN&PTNT cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, có thể liệt kê từng loại đất để DN có thể thực hiện đúng pháp luật.

Ngọc Yến
.
.
.