Cần cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để hoạt động hiệu quả

Thứ Bảy, 15/06/2019, 09:53
Ngày 12-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước: Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030.”

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân thường nói không được đối xử bình đẳng, còn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cho rằng các chính sách chưa thực sự phát triển. Do vậy, chúng ta cần đánh giá lại kinh tế Nhà nước cũng như  đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, vai trò đóng góp của kinh tế Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thực sự có mang lại hiệu quả hay không? Bên cạnh đó, xem xét hoạt động của DNNN và quyền tự chủ của họ.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn, mặc dù vẫn có thể hoàn thành kế hoạch số lượng cổ phần hóa đến năm 2020 nhưng chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng như: Thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần nhà nước ở mức cao; chưa thể rút vốn Nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của DNNN. Và vì vậy, chưa đạt được mục tiêu “DNNN có cơ cấu hợp lý hơn”. Vốn Nhà nước còn hiện diện ở hầu hết các ngành kinh doanh trong nền kinh tế.

Theo lý giải của CIEM, nguyên nhân chính của tái cơ cấu DNNN còn chậm chủ yếu là do những tồn tại của thể chế và pháp luật. Về quản lý của chủ sở hữu Nhà nước còn chưa tách bạch giữa quản lý thuộc chức năng sở hữu và quản lý Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh trên thực tế. Bên cạnh đó, chính sách phát triển còn đan xen với chính sách sở hữu của Nhà nước. Ngoài ra, đầu tư Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ các thành phần kinh tế còn đan xen với đầu tư vốn chủ sở hữu Nhà nước cho DNNN và đầu tư của DNNN.       

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cho rằng, trong kinh tế Nhà nước thì khu vực DNNN là quan trọng nhất song lại kém hiệu quả. Nhưng Nhà nước lại cứ bắt DNNN làm chủ đạo. Quan điểm này sai ngay từ đầu, do vậy, chúng ta không nên bị mắc kẹt vào tư duy cũ, tư duy mệnh lệnh hành chính; không làm được thì không thể bắt phải làm. Một người chỉ vác được 50kg thì sao bắt họ vác 100kg?

 Theo ông Bá, hiện các loại tài sản, sở hữu đất đai, nhà xưởng đều được tính vào tài sản Nhà nước. Các giá trị này đều được tính vào vai trò của DNNN đối với nền kinh tế. Điều này khiến chúng ta nhầm tưởng tai hại. Do vậy, cần tách biệt tài sản DNNN với vai trò của nó, bởi nhiều tài sản của họ được hình thành do được ban phát nguồn lực, xin cho, chứ không phải do năng lực, do làm ăn mà mua được.

TS.Lê Xuân Bá cũng cho rằng, muốn cổ phần hóa, thoái vốn nhanh cần phải làm mạnh. Với doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ như gia đình có con nghiện, bao nhiêu tiền cũng hết, không thể chữa được, thà chịu đau, bỏ phăng nó đi. Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn không tách bạch được rạch ròi sở hữu nhà nước và quản lý của Nhà nước đối với DNNN. Về lý thuyết thì có nhưng trên thực tế không thể tách bạch được. Nếu chúng ta không thoát ra được, mấy chục năm tới, nói tái nói hồi thì vẫn không giải quyết được, khu vực này vẫn kém”, TS Lê Xuân Bá nhận định.

Phan Đức
.
.
.