Xăng tăng giá 1.600 đồng/lít, vẫn còn áp lực tiếp tục tăng

Thứ Năm, 12/03/2015, 09:00
Trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới, chiều 11/3, Liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu, trong đó xăng RON 92 tăng 1.600 đồng/lít; dầu diesel và dầu hoả tăng ở mức 700 đồng/lít và dầu madut tăng 900 đồng/lít.
>> Xăng tăng thêm 1.600 đồng/lít kể từ 15h chiều nay

Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính: Giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây có chiều hướng tăng cao, đặc biệt là mặt hàng xăng, dầu diesel. So với giá kỳ điều hành liền kề trước vào ngày 24/2, giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày (từ 24/2 đến hết 10/3) tăng khoảng 6,8% (khoảng 4,584 USD/thùng) đối với xăng RON 92; tăng 1,183 USD/thùng đối với dầu diesel 0,05S. Riêng dầu hoả và dầu madut giảm giá lần lượt 0,855 USD/thùng và 6,254 USD/tấn.

Theo đó, giá cơ sở của kỳ công bố lần này leo lên tới 19.138 đồng/lít xăng RON 92, tăng 1.004 đồng; dầu diesel có giá cơ sở là 16.771 đồng/lít, tăng 238 đồng/lít; dầu hoả có giá 17.160 đồng/lít, giảm 156 đồng và dầu madut có giá 13.688 đồng/kg, giảm 188 đồng.

Tuy nhiên, do kỳ điều chỉnh lần trước liên Bộ đã quyết định giữ giá ở mức thấp, đồng thời xả quỹ bình ổn ở mức 2.448 đồng/lít xăng để bù lỗ, nên trên thực tế mức chênh lệch giá ở kỳ này so với giá bán lẻ lên đến 3.452 đồng/lít xăng RON 92, 1.588 đồng/lít đối với dầu diesel, 1.537 đồng/lít dầu hoả và 1.827 đồng/kg dầu madut.

Thông báo của liên bộ cũng cho biết: Dù mức chênh lệch là rất lớn, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về điều hành giá xăng dầu, góp phần ổn định vĩ mô đảm bảo các mục tiêu KT – XH, liên Bộ đã quyết định tăng giá xăng dầu lên mức 17.286 đồng/lít, tăng1.600 đồng so với mức 15.686 đồng cũ; xăng E5 có giá 16.956 đồng/lít; dầu diesel có giá 15.883 đồng/lít, tăng 700 đồng/lít; dầu hoả có giá 16.323 đồng/lít, tăng 700 đồng/lít; dầu madut có giá 12.761 đồng/lít, tăng 900 đồng/lít.

Dù thuế nhập khẩu xăng dầu được cam kết cắt giảm theo các hiệp định thương mại nhưng người dân không được hưởng lợi.

Cùng với đó, mức sử dụng quỹ bình ổn cũng giảm xuống 1.852 đồng/lít đối với xăng; 888 đồng/lít đối với dầu diesel; 837 đồng/lít đối với dầu hoả và 927 đồng/kg với dầu madut. Giá mới được áp dụng vào 15h chiều 11/3.

Sau tăng giá điện, rồi quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng dầu và việc tăng giá xăng dầu khá lớn lần này, dư luận đang đặt ra nhiều dấu hỏi về tác động đối với nền kinh tế, đặc biệt là tác động tới giá cả hàng hoá và lạm phát.

Hiện nay, xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng giá, nên việc chính thức tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít vào 1/5 tới chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực lớn lên giá bán trong nước.

Được biết, dù cam kết với ASEAN đã được thực hiện từ cuối 2012, nhưng trong cả năm 2013 và 2014, chưa DN nào được hưởng thuế ưu đãi đối với xăng dầu do chưa đạt tiêu chuẩn về xuất xứ theo quy định của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, hiện nay các DN đang ráo riết hoàn thành thủ tục để được hưởng thuế ưu đãi, sẽ dẫn tới xăng dầu nhập khẩu sẽ có nhiều mức thuế khác nhau. Điều này dường như khiến Liên bộ Công Thương – Tài chính “hoang mang”…

Cộng với nguy cơ trong các năm tới, mỗi năm ngân sách giảm thu khoảng hơn 28.000 tỷ đồng (theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp thuế ATIGA thay vì thuế hiện hành), đã khiến quyết định tăng mạnh thuế môi trường được đưa ra. Cái “lợi” là ngân sách đảm bảo thu ổn định, điều hành cũng dễ hơn, tuy nhiên đây đều là cái dễ cho cơ quan quản lý.

Mặc dù giải trình trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tăng thuế môi trường sẽ không ảnh hưởng đến giá bán, vì sẽ giảm thuế nhập khẩu cho bằng mức thấp nhất với các cam kết quốc tế, chính là cam kết với ASEAN (còn gọi là thuế ATIGA), tức là 20% đối với xăng, 5% đối với diesel, 7% đối với dầu hoả và 0% đối với dầu madut. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Nếu xăng giữ ở mức hiện hành (trung bình 72,42 USD/thùng), thì thuế nhập khẩu có giảm từ 35% xuống 20%, tức là cũng chỉ giảm 1.457 đồng/lít, trong khi mức tăng thuế lại lên đến 2.000 đồng/lít; người tiêu dùng đương nhiên thiệt gần 600 đồng/lít (chưa kể VAT). Để tăng thuế môi trường cân bằng với giảm thuế nhập khẩu, xăng phải giữ ở mức 99,39 USD/thùng, cao hơn gấp đôi hiện nay.

Trong trước mắt, việc tăng thuế môi trường rõ ràng khiến người tiêu dùng phải móc túi nhiều hơn. Cụ thể, mỗi lít xăng hiện đang chịu 35% thuế nhập khẩu, toàn bộ số đó nhân với 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, cộng 1.000 đồng/lít thuế môi trường rồi lại nhân với 10% VAT và quỹ bình ổn xăng dầu. Có thể hình dung cụ thể, với mức bình quân 72,42 USD/thùng xăng RON 92 giá thế giới, xăng dầu nhập vào chỉ ở mức 9.717 đồng/lít. Như vậy so với giá bán vừa được điều chỉnh là 17.286 đồng, mức chênh lệch so với giá gốc đang là 7.569 đồng/lít, phần lớn trong đó là thuế, phí.

Vũ Hân
.
.
.