Vinasun vẫn khẳng định Grab gây sụt giảm lợi nhuận của mình

Thứ Bảy, 20/10/2018, 08:46
Ngày 19-10, phiên toà xét xử lại vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (gọi tắt là Grab) bước sang phần tranh luận giữa các bên.

Bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn Vinasun, các luật sư khẳng định hoạt động của Grab là dịch vụ vận tải hành khách như doanh nghiệp (DN) taxi. Việc Grab cho rằng DN là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải là hoàn toàn ngụy biện, đánh tráo khái niệm.

Thông qua phần xét hỏi tại toà, Grab đã định giá cước vận chuyển thông qua việc thay đổi giá cước nhiều lần trong ngày; quyết định nội dung các chương trình khuyến mãi về giá cước; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grabtaxi; chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát thái độ, hành vi của tài xế đối với hành khách; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng...

Và tại toà, trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện Grab hai lần khẳng định: Grab điều hành, định giá cước, quản lý cước và thưởng phạt tài xế, phát hành hoá đơn khi hành khách yêu cầu. “Với việc Grab thừa nhận các điểm trên thì xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách như DN taxi đã quá rõ ràng”, luật sư của Vinasun nêu quan điểm.

Quang cảnh phiên xử.

Theo luật sư của Vinasun, tại Công văn 9299 của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định: Cần sửa luật để khẳng định rõ các DN như Uber, Grab chính là DN cung cấp dịch vụ vận tải. “Gần đây nhất, khi chỉ định sửa đổi Nghị định 86, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định phải quản lý Grab như DN kinh doanh taxi. Ngoài ra, giao dịch kinh doanh của Grab với hành khách cũng không đạt yêu cầu là “hợp đồng điện tử” theo Luật giao dịch điện tử và quy định của Bộ luật Dân sự”, luật sư viện dẫn.

Cũng trong phần trình bày quan điểm, luật sư phía Vinasun còn cho rằng trong quá trình hoạt động Grab vi phạm pháp luật về khuyến mãi; vi phạm quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng... Theo đó, từ tháng 1-2016 đến năm 6-2017 Grab tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhưng gửi thông báo cho Sở thương mại rất ít. Cụ thể, nhóm 4 vi bằng xác định chỉ với 3 khách hàng ngẫu nhiên sử dụng dịch vụ của Grab đã tìm thấy hơn 40 chương trình khuyến mãi không đăng ký.

Ngoài ra, Grab còn vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT. Đó là, vi phạm do thực hiện 2 hợp đồng trong 1 chuyến đi khi thực hiện chương trình GrabShare; triển khai dịch vụ vận chuyển ngoài các địa phương cho phép thí điểm Đề án 24; trực tiếp thực hiện thưởng phạt tài xế không tuân thủ quy định (nội dung Đề án 24 không cho Grab thực hiện chế độ này đối với tài xế - PV); vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước... “Đề án 24 không có nội dung nào cho phép Grab được thực hiện chương trình GrabShare nhưng Grab vẫn vi phạm. Kể cả khi nhận được công văn yêu cầu dừng lại nhưng Grab vẫn thực hiện”, luật sư phía Vinasun chỉ ra.

Về mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của Vinasun từ hành vi vi phạm pháp luật của Grab, luật sư phía Vinasun đưa ra các báo cáo kết quả nghiên cứu dự án do Công ty TNHH MTV Cửa Sổ thực hiện, báo cáo kết quả giám định của Công ty CP giám định Cửu Long, Công ty NBQ...

Các luật sư của Vinasun khẳng định, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Grab là một trong các nguyên nhân gây nên thiệt hại cho Vinasun. Việc tăng tỷ lệ xe kinh doanh của Grab tương đồng với việc sụt giảm lợi nhuận từ phía Vinasun...

Từ những chứng cứ đưa ra, nguyên đơn đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên buộc bị đơn phải bồi thường cho Vinasun hơn 41 tỷ đồng.

Trình bày tại toà, luật sư và đại diện phía Grab tiếp tục bảo vệ quan điểm rằng tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này. Đồng thời, bị đơn đề nghị HĐXX dừng phiên xử để triệu tập Công ty CP giám định Cửu Long để làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun.

Theo Grab, không thể sử dụng kết quả này vì không khách quan và Công ty CP giám định Cửu Long không đủ năng lực thực hiện. Đồng thời, luật sư phía Grab đề nghị HĐXX cho giám định lại toàn bộ kết quả của Công ty CP giám định Cửu Long hoặc cho giám định bổ sung.

Đối đáp với phía Vinasun khi cho rằng Grab vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, pháp luật cạnh tranh, Đề án 24, theo luật sư Grab, nguyên đơn chưa đưa ra bằng chứng nào chứng minh bị đơn vi phạm. Theo Grab, Vinasun chỉ đưa ra 3 vi bằng được lập không đủ để chứng minh được bị đơn vi phạm kinh doanh vận tải.

Về ý kiến cho rằng Grab điều động xe, Grab trình bày khi có yêu cầu khách hàng và tài xế, tài xế sẽ chấp nhận chuyến đi dựa trên phần mềm ứng dụng, phần mềm không can thiệp vào việc điều động xe. Grab cũng khẳng định không đề xuất giá cước mà Grab truyền tải vào hệ thống phần mềm, các hợp tác xã khác nhìn thấy giá cước đó đồng ý thì tham gia...

Về ý kiến của Vinasun cho rằng Grab vi phạm Đề án 24, theo Grab, đến thời điểm này, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận bị đơn vi phạm đề án thí điểm...

Phiên toà sẽ tiếp tục vào sáng thứ hai, 22-10.

A.Huy
.
.
.