Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới

Thứ Hai, 18/01/2016, 09:50
Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong việc nhìn nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian qua trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử.


Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), ngay trong những ngày đầu tháng 1-2016, một trong những dự án FDI đầu tiên được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án về công nghiệp điện tử của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia), với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD.

United More dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ nhựa sau cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao. United More đang hướng đến trở thành nhà cung cấp cho tổ hợp Samsung SEHC (vốn đầu tư 2 tỉ USD), dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2-2016 tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP). 

Trước đó, trong tháng 12-2015, Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD; dự án này được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD; dự án được đầu tư tại KCN Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình. Đồng thời, trong tháng 12-2015, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. 

Trên thực tế, các tập đoàn điện tử lớn có xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Sau khi Samsung đầu tư tại Việt Nam, tiếp đó là Microsoft và LG không ngừng đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Theo chân các tập đoàn này là những công ty vệ tinh. Như 3 dự án ở Hải Phòng vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên đều do nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai và đều nhắm đến mục tiêu sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động. Các dự án này đặt mục tiêu đưa nhà máy vào hoạt động ngay trong năm 2016 để kịp cung ứng linh phụ kiện cho các tổ hợp sản xuất đồ điện tử, thiết bị di động của Samsung, Microsoft, LG...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trở thành công xưởng lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Riêng hai tổ hợp công nghệ của Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh hằng năm đã cung ứng khoảng 33% tổng lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu. Năm 2015, riêng Samsung đã xuất khẩu 32,8 tỉ USD các sản phẩm điện thoại, đồ điện tử và linh kiện. 

Theo đó, đi cùng Sam Sung đã có có nhiều dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là những dự án vệ tinh cho dự án lõi của Samsung, và điều đó báo hiệu một xu thế mới: Sẽ có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực này tìm đến Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực Sam Sung đặt nhà máy cũng như các địa phương lân cận để đón đầu cơ hội này.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần xuất khẩu điện tử lớn nhất khu vực ASEAN, Việt Nam đang vươn lên trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN năm 2014. Các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đổ vào Việt Nam ngày một tăng lên trong thời gian tới thì sản lượng hàng điện tử của Việt Nam dự kiến tăng mạnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng khi AEC đã hình thành và TPP được ký kết. Bởi, ASEAN, TPP và EU là những thị trường xuất khẩu hàng điện tử quan trọng của Việt Nam.

Tuy nhiên, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức không nhỏ khi ngành công nghiệp điện tử mới chỉ dừng ở mức độ gia công, gây khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong AEC và TPP. 

Để tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng phải xây dựng chính sách khoa học công nghệ nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, ký kết hợp đồng hợp tác công nghệ với các doanh nghiệp điện tử ở những quỗc gia có thế mạnh, liên kết giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, lựa chọn sản phẩm và lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên. 

Chúng ta cần quy hoạch các cụm công nghiệp điện tử nhằm thu hút đầu tư; tiến hành hoạt động R&D trong lĩnh vực điện tử với nguồn kinh phí từ ngân sách hoặc kêu gọi kết hợp đầu tư từ các tập đoàn điện tử lớn có mặt tại Việt Nam; lựa chọn sản phẩm chiến lược để đầu tư nghiên cứu;...

Lưu Hiệp
.
.
.