Việt Nam có nhiều bài học từ các nước đi trước

Thứ Năm, 05/03/2015, 10:20
Đây là nhận định của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Hội thảo Vai trò mới của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng 4/3 tại Hà Nội.

Trong thời gian 1 tiếng 30 phút, ông Tony Blair đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của mình trong quá trình cải cách, tư nhân hóa các DNNN tại Anh thời ông còn làm Thủ tướng, qua đó rút ra một số lời khuyên với Việt Nam. Một số câu hỏi của lãnh đạo DNNN, nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo cũng được ông Tony Blair thẳng thắn trả lời.

Theo ông Tony Blair, Việt Nam muốn thay đổi, tiến bộ để đạt tới sự thịnh vượng thì việc cải cách DNNN là một phần sự thay đổi đó. “Có nhiều ý tưởng (cải cách) hay, nhưng điều quan trọng ở việc thực hiện”, ông Tony Blair nói.

Theo cựu Thủ tướng Anh, mọi cuộc cải cách, thay đổi đều khó khăn, bởi khi đề ra cải cách bao giờ cũng có kháng cự, cản trở. Ông cho biết trước đây ở Anh, cải cách cũng gặp phải sự cản trở mạnh mẽ. Có những doanh nghiệp như Công ty Viễn thông Anh, khi ông còn làm Thủ tướng, gặp phải sự phản đối “ghê gớm” và ông đã phải “đứng suốt đêm ở Quốc hội để giải trình”. “Nhưng cải cách càng gặp phải sự kháng cự, phản đối quyết liệt thì khi đó mới là cải cách thực sự”, ông Tony Blair nói.

Cũng theo cựu Thủ tướng Anh, để cải cách khối DNNN ở Việt Nam, vấn đề quan trọng nữa là phải làm sao thúc đẩy để khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển được. “Phải có quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư, có sự cân bằng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nếu cải cách DNNN mà không thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, sẽ dẫn đến sự hụt hẫng”, ông Tony nói.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong 20 năm qua, số lượng DNNN tại Việt Nam đã giảm từ hơn 12.000 DN những năm 90, xuống còn 5.600 DN hiện nay. Trong đó, chỉ còn 800 DNNN giữ 100% vốn, số còn lại đã cổ phần hóa ở mức độ khác nhau. Tuy vậy, DNNN được giao quản lý tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, đây là số vốn không nhỏ. DNNN còn tham gia chi phối nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, dù số lượng chỉ chiếm 1% tổng số DN cả nước.

Đặc biệt, hiệu quả của DNNN (đặc biệt DN 100% vốn nhà nước), vai trò trong nền kinh tế quốc dân vẫn còn nhiều tranh cãi. Hơn nữa, trong quá trình cổ phần hóa (CPH), tỷ trọng CPH của các DNNN trong các tập đoàn lớn còn rất thấp… Vì vậy, đổi mới vai trò của DNNN quan trọng là quản trị DN, cổ phần là để thay đổi quản trị theo hướng hiện đại.

“Nói đổi mới, cổ phần hóa nhưng phải đi vào thực chất, làm sao có nhiều cổ đông và có vai trò để thay đổi quản trị và chất lượng DN thì DNNN mới có hiệu quả”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh và các đại biểu dự hội thảo.

Để thực hiện mục tiêu đổi mới vai trò của DNNN, các chuyên gia của Văn phòng cựu Thủ tướng Anh cũng chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ theo đuổi CPH là một phần của nỗ lực lớn hơn để chuyển sang nền kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả của DNNN, giảm thiểu các khoản nợ Chính phủ, hay đó là kết quả của áp lực quốc tế (chẳng hạn như gia nhập WTO, cam kết FTA).

Thực tế, các DNNN có quá nhiều mục tiêu và chính điều đó đã ngăn cản DN hoạt động một cách có hiệu quả nhất. Dựa trên việc xác định mục tiêu rõ ràng. Chính phủ Việt Nam có thể ưu tiên tư nhân hóa DNNN; đồng thời, cũng phát triển các chính sách thích hợp để hỗ trợ quá trình tư nhân hóa đó. Ngoài ra, Chính phủ cần phải có các công cụ và cơ chế thích hợp để có thể thực hiện lộ trình cải cách DNNN.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh, DNNN vẫn là lực lượng nòng cốt, nhưng thời gian tới cần thu hẹp ở một số lĩnh vực. Với kinh nghiệm của các nước, chúng ta cần soi vào điều kiện của Việt Nam, để VN đưa ra những khuyến nghị, hỗ trợ cải cách, xác định DNNN có vai trò mới trong bối cảnh kinh tế mới.

Theo ông Tony Blair, lợi thế của Việt Nam là đã có rất nhiều bài học từ các nước đi trước, có thể chắt lọc những cái hay để áp dụng cho mình, thúc đẩy quá trình cải cách DNNN nhanh hơn. Đồng thời, khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác cùng với Việt Nam, tận dụng được bài học rút ra trên thế giới để chia sẻ. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự kết hợp theo công thức cân bằng giữa Nhà nước và DN, vai trò của Nhà nước luôn thay đổi và phát triển một phần trong kinh tế thị trường vận hành hiệu quả.

Hiện, cựu Thủ tướng Anh đang giúp Chính phủ Việt Nam nghiên cứu cải cách DNNN, xây dựng khung pháp lý và mô hình mẫu cho hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP), cải thiện chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lưu Hiệp
.
.
.